Với việc kết thúc đàm phán hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), những gì vốn là trải nghiệm giữa Brunei, Chile, New Zealand và Singapore năm 2006 nay đã sẵn sàng tự do hóa thương mại tới 40% nền kinh tế thế giới. Có thể nói rằng TPP cũng sẽ thúc đẩy chiến lược “xoay trục” hay “tái cân bằng” với châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ, vốn được công bố rầm rộ hồi năm 2011.

Đó là tin tốt. Song, nếu đánh giá ba trụ cột của chiến lược xoay trục, gồm TPP, sự can dự ngoại giao của Mỹ trong khu vực và chiều hướng quân sự, sự cân bằng này không tạo ra được nhiều lòng tin. Trước tiên, TPP sẽ đối mặt với sự phản đối lớn từ Quốc hội Mỹ. Nếu bằng cách nào đó, TPP có thể được phê chuẩn, hai yếu tố khác là ngoại giao và quân sự lại dường như bất ổn.

Theo giới phân tích, sự rối loạn chức năng và thiếu quan tâm thỏa đáng trong Quốc hội Mỹ đã ảnh hưởng đến chính sách châu Á- Thái Bình Dương của Washington. Chiến lược tái cân bằng cũng thất bại trong việc truyền đi sự quan tâm lớn từ cấp lãnh đạo hành chính. Trong khi người tiền nhiệm Hillary Clinton dành nhiều thời gian cho châu Á, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại tập trung nỗ lực ở Trung Đông và châu Âu. 

Yếu tố quân sự trong chiến lược tái cân bằng, với kế hoạch đồn trú 60% số tàu Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương, đã không thuyết phục được các đồng minh và đối tác của Mỹ về sức mạnh hiện tại của Washington. Báo cáo của Quốc hội Mỹ lưu ý rằng hạm đội Mỹ nhiều khả năng sẽ giảm từ 275 tàu xuống còn từ 208-251 tàu, tùy thuộc vào ngân hàng đóng tàu thường niên.

Quan trọng hơn, Trung Quốc cũng không chấp nhận chiến lược này. Ngay từ đầu, Trung Quốc đã coi TPP, vốn được gọi là những yếu tố thương mại tự do thế kỉ 21, như bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, là một công cụ để loại trừ Bắc Kinh. Trung Quốc cũng coi TPP và sự tái cân bằng của Mỹ thực chất là những nỗ lực kiềm chế họ. Vì thế, Bắc Kinh tìm cách thiết lập một tập hợp những định chế song hành của riêng minh để làm xói mòn sự thống trị của Washington ở châu Á- Thái Bình Dương.

Với “khái niệm an ninh châu Á” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mà theo đó tương lai của châu Á phải được người châu Á quyết định, Bắc Kinh đã thúc đẩy sáng kiến "Một vành đai, một con đường"; thiết lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB); và Diễn đàn Hương Sơn, được nhìn nhận là sự tương đồng phương Bắc với Đối thoại Shangri-La thường niên của các bộ trưởng quốc phòng ở Singapore.

Người Mỹ không nên quá tự mãn về mạng lưới đồng minh của mình ở châu Á. Trong những năm qua, Bắc Kinh không ngần ngại sử dụng đòn bẩy kinh tế để giành lấy bạn bè và gây ảnh hưởng. Hàn Quốc là một thí dụ kinh điển. Trong khi quan hệ Mỹ- Hàn vẫn duy trì mạnh mẽ, Washington không nên quá lạc quan về khả năng Hàn Quốc có thể đứng ngoài quỹ đạo của Trung Quốc. Tháng 11/2014, Bắc Kinh đã cảnh báo Seoul rằng sự phát triển của hệ thống tên lửa Thaad nhằm vào Bắc Triều Tiên sẽ “phương hại đến hệ thống an ninh Trung Quốc”. Hàn Quốc đã lùi bước. 

Sự xuất hiện của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye tại lễ duyệt binh hôm 3/9 tai Trung Quốc để kỉ niệm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai được xem là một động thái nghiêng về phía Bắc Kinh của Seoul. Theo một nhà ngoại giao châu Á, sự lo ngại ở Đông Nam Á về một loạt hành động quyết đoán gần đây của Trung Quốc là quá mức. Bà nói: “Tại sao người dân Đông Nam Á lại lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc? Người Hàn Quốc cũng từng sống dưới sự giám hộ của Trung Quốc trong thời gian dài, và họ không có vấn đề gì cả.”

Vết rạn nứt khác trên tấm giáp của Chú Sam là việc họ từ chối tham gia AIIB, một thực thể giờ đây có sự tham gia một loạt bạn bè của Mỹ như Úc, Pháp, Đức, Israel và Hàn Quốc. Quan trọng nhất, việc Trung Quốc lấn biển quy mô lớn ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông là hành động giễu cợt nỗ lực của Mỹ nhằm duy trì vị thế người bảo hộ an ninh khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Bỏ qua sự phản đối công khai của Washington, thực tế rằng hành động lấn biển của Trung Quốc đã thay đổi hiện trạng tại đây. Các mỏm san hô được quân sự hóa này thách thức mục tiêu của Mỹ: tự do thông thương dọc các tuyến hàng hải.

Với nhiều người châu Á, chiến lược tái cân bằng của Mỹ và “khái niệm an ninh châu Á” của Trung Quốc không quan trọng bằng cái mà họ coi là sự dàn xếp tiềm tàng giữa hai cường quốc ở châu Á này, về cái gọi là nhóm G-2 sẽ gây hại cho các nước nhỏ hơn trong khu vực. Vài năm trước, có thông tin quan chức Trung Quốc đã đề xuất với phía Mỹ một kế hoạch phân chia châu Á-Thái Bình Dương: “Các ông giữ tàu sân bay ở phía Đông Hawaii, còn chúng tôi để ở phía Tây”.

Nỗi lo về một G-2 sẽ không biến mất. Trao đổi với các học giả và nhà ngoại giao tại một bữa trưa ở Singapore, một quan chức cấp cao Trung Quốc đã để lộ sự thất vọng với việc ASEAN phản đối hoạt động lấn biển của Trung Quốc ở Biển Đông. Bà nói: “Nếu họ tiếp tục gây bất lợi với chúng tôi về vấn đề này, chúng tôi sẽ bỏ qua họ và dàn xếp thỏa thuận với Mỹ”. Bà này không nói rõ, song người ta có thể hình dung về một thỏa thuận, theo đó Mỹ ngừng điều tàu quân sự đến gần các thực thể được xây dựng lấn biển ở Trường Sa, đổi lại Trung Quốc thúc đẩy một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) chính thức với ASEAN.

Một nhóm G-2 sẽ không xuất hiện ngay ngày mai. Song nếu người ta nhìn vào sự dàn xếp Mỹ- Trung ở Nam Việt Nam và Đài Loan cách đây nhiều thập kỉ, đây là một khả năng rõ ràng. Bất kì khi nào các cường quốc “đi đêm”, những nước nhỏ sẽ phải gánh chịu hậu quả.

Tiến sĩ William Choong, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Bài viết được đăng trên The Straits Times.

Văn Cường (gt)