Mặc dù hệ thống này có thể giúp quân đội Mỹ phát hiện và tấn công tàu ngầm Trung Quốc, nhưng nó lại bị cho là vi phạm Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.

Nguồn tin trên cho biết, hoạt động lắp đặt SOSUS nhằm theo dõi tàu ngầm Trung Quốc là dự án tối mật trong cơ chế bảo đảm an ninh Nhật-Mỹ. Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản chỉ báo cáo sự việc này với hơn 10 quan chức cấp cao trong nội các, bao gồm cả Thủ tướng Shinzo Abe và Bộ trưởng Quốc phòng Gen Nakatan. SOSUS sử dụng Trạm quan trắc của Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản tại Uruma (thuộc Căn cứ Okinawa) làm cứ điểm, từ đó theo hai hướng Đông Bắc và Tây Nam lắp đặt hệ thống cáp điện dưới đáy biển, mỗi hướng dài hàng trăm km kéo dài đến tận Kyushu (Nhật Bản) và Eo biển Đài Loan, khiến vùng biển phía Tây Nam Thái Bình Dương trong đó bao gồm cả nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư đều nằm trong phạm vi theo dõi của SOSUS.

Các chuyên gia quân sự cho biết, SOSUS là hệ thống theo dõi bằng âm thanh hiện đại nhất của Mỹ hiện nay, với hệ thống dây cáp điện được lắp đặt các thiết bị cảm nhận sóng điện từ và sóng âm thanh dưới nước (mỗi thiết bị được gắn cách nhau khoảng 30 km). SOSUS thu thập dữ liệu liên quan đến hoạt động của tàu ngầm và dữ liệu sẽ được truyền về bộ phận phân tích giải mã để quân đội Mỹ và Nhật Bản cùng sử dụng.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Mỹ và Nhật Bản đã từng lắp đặt SOSUS tại Eo biển Tsugaru và Eo biển Tsushima nhằm theo dõi tàu ngầm của Liên Xô (cũ). Đây là lần đầu tiên Mỹ và Nhật Bản lắp đặt hệ thống SOSUS theo dõi hoạt động của tàu ngầm Trung Quốc. Hơn nữa, SOSUS là hệ thống mới nhất, có mức độ cảm nhận sóng từ và âm thanh dưới nước siêu nhạy từ khoảng cách xa hàng trăm km.

Ở Nhật Bản, việc sử dụng SOSUS luôn gây tranh cãi bởi thông tin tình báo mà hệ thống này thu thập được trực tiếp hỗ trợ cho phát động tấn công hoặc hành động biến tướng- đồng nghĩa với hành vi sử dụng vũ lực, trái với Hiến pháp hòa bình của Nhật Bản. Ngay từ những năm 1970, quan chức nội các Nhật Bản đã phải nhiều lần giải thích trước Quốc hội về việc sử dụng SOSUS, cho rằng về nguyên tắc là sử dụng cho mục đích tự vệ của Nhật Bản.

Các chuyên gia phân tích quân sự thì cho rằng chính các tên lửa đạn đạo được bố trí trên tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc neo đậu ở khu vực ven biển có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ nước Mỹ đã buộc Washington phải tăng cường theo dõi mọi di biến động của tàu ngầm Trung Quốc. Tuy nhiên, điều khiến dư luận lo ngại là việc chia sẻ thông tin tình báo thu thập được qua SOSUS đã cho thấy hợp tác quân sự giữa Washington và Tokyo chặt chẽ hơn bất kỳ lĩnh vực hợp tác nào giữa hai nước- một điều hiếm thấy. Với hệ thống này, một khi Eo biển Đài Loan bùng nổ xung đột quân sự, quân đội Mỹ hoàn toàn có thể căn cứ vào thông tin tình báo thu thập được qua SOSUS phát động tấn công chính xác nhằm vào tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc.

Lực lượng Hải quân Trung Quốc hiện cũng đang tăng cường theo dõi tàu ngầm của các nước như Mỹ và Nhật Bản. Tại các căn cứ hải quân ở Thanh Đảo (tỉnh Sơn Đông) và Thượng Hải, Bắc Kinh đã bố trí mạng lưới chống tàu ngầm hướng ra Biển Hoa Đông và Hoàng Hải.

Theo "Bình quả" (Hong Kong)

Lê Sơn (gt)