Học thuyết hạt nhân của NATO từng là chủ đề thảo luận không chính thức và kín “bên lề” Hội nghị cấp cao NATO mới đây nhất. Các chiến lược mới sẽ được xác nhận trong hội nghị sắp tới của Nhóm các Kế hoạch Hạt nhân (GPN) của NATO. Theo một nhà ngoại giao của NATO yêu cầu giấu tên, tổ chức này có những mối lo ngại thực sự về thái độ của Nga đối với hạt nhân. Vì vậy, đương nhiên phải có những cân nhắc của NATO về vũ khí hạt nhân. Tiếp sau cuộc đảo chính do NATO và Mỹ hỗ trợ ở Ukraine hồi năm ngoái, các nước NATO đang thực hiện quân sự hóa Đông Âu, kể cả thiết lập một lực lượng phản ứng nhanh gồm 40.000 quân. Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã thông báo rằng Mỹ sẽ triển khai thường trực xe tăng tấn công, xe quân sự và các thiết bị khác tới những nước nằm sát Nga. 

Cũng có các cuộc thảo luận về khả năng trang bị vũ khí trực tiếp cho Ukraine ngoài khoản viện trợ đáng kể mà chính phủ nước này đã nhận được. NATO đang chuẩn bị đáp lại mọi mưu toan của Nga nhằm kiềm chế hoặc chống lại các kế hoạch của Mỹ ở Đông Âu bằng một cuộc giáng trả quân sự, kể cả sử dụng vũ khí hạt nhân. Elbridge Colby - chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu về Thế kỷ mới của Mỹ (CNAS) - được dẫn lời nói: “NATO không cần xem xét lại toàn bộ chiến lược hạt nhân của mình, nhưng cần phải thực tế về cách thức đáp trả”. Kịch bản này dựa vào những luận cứ của Mỹ rằng Nga đã vi phạm hiệp ước về các lực lượng hạt nhân ở tầm trung. 

Trong khi đó, giới lãnh đạo Mỹ đã nói úp mở rằng Lầu Năm Góc đang chuẩn bị tiến hành các cuộc tấn công phòng ngừa chống tên lửa hoặc các mục tiêu khác ở Nga, kể cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân, để giáng trả cái gọi là sự vi phạm hiệp ước của Nga. CNAS cho rằng Mỹ sẽ phải tối đa hóa hiệu quả của kho vũ khí hạt nhân của mình dễ dàng hơn khi sử dụng trong một cuộc chiến tranh chống Nga, Trung Quốc hay các cường quốc khác. Mỹ cần phải thông qua một chiến lược hạt nhân mới, phù hợp với những thực tế của thế kỷ 21 dựa vào các đầu đạn chiến thuật và các hệ thống phóng tên lửa thế hệ mới. Các vũ khí hạt nhân chiến thuật tinh vi hơn sẽ cho phép Mỹ đe dọa và tiến hành các cuộc chiến tranh hạt nhân nhỏ. 

Theo phân tích trên, Mỹ phải phát triển và triển khai các vũ khí hạt nhân có bức xạ lớn hơn, khả năng cắm sâu xuống dưới mặt đất, những mạch động điện tử và những khả năng khác xứng với công nghệ cao. Những bước tiến như vậy là cách duy nhất chống lại sự xói mòn ưu thế công nghệ của Mỹ trước sự phát triển kho vũ khí hạt nhân của Nga và Trung Quốc. Kiểu lực lượng hạt nhân này có thể phục vụ cho việc tiến hành các “chiến dịch hạt nhân có kiểm soát” bằng cách ném bom hạt nhân ít có sức công phá hơn nhưng chính xác cao hơn và có hiệu quả đặc biệt vào các mục tiêu của kẻ thù mà không gây nên cuộc chiến tranh hạt nhân toàn bộ. Các cuộc xung đột hạt nhân tuy chỉ ở “qui mô nhỏ” như vậy nhưng tất yếu sẽ gây ra cái chết ngay lập tức cho hàng chục, nếu không nói là hàng trăm triệu người, ngay cả khi nó không biến thành cuộc chiến tranh hạt nhân thế giới. Theo thuyết của bài phân tích trên, lãnh thổ nước Mỹ sẽ được bảo vệ khỏi những hậu quả của một cuộc chiến tranh hạt nhân khu vực bằng hiệu quả răn đe của kho vũ khí khổng lồ của Mỹ về vũ khí chiến lược có sức công phá mạnh. 

Ngoài ra, mọi cuộc xung đột hạt nhân “có kiểm soát” do Chính phủ Mỹ gây ra sẽ không bao gồm các hoạt động hạt nhân hướng tới hoặc xuất phát từ vùng Bắc Mỹ. Thay vào đó, phân tích trên gợi ý rằng Mỹ nên sử dụng các chính phủ đồng minh và bù nhìn làm các khu vực hoạt động cho cuộc chiến tranh nguyên tử “có kiểm soát”. Việc Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi cuối năm ngoái thông báo các kế hoạch nâng cấp vũ khí hạt nhân của nước này trong ba thập niên với phí tổn 1.000 tỷ USD cũng là nhằm hướng tới mục tiêu đó. 

Theo WSWS

Thùy Anh (gt)