Việc Nga can thiệp vào Ukraine đã khiến các đồng minh NATO tại Đông Âu lo ngại, buộc liên minh này phải triển khai hàng loạt hoạt động quân sự, trong đó phải kể đến việc tăng cường các cuộc tập trận quân sự và thành lập lực lượng phản ứng nhanh. Mở đầu chuyến công du châu Âu kéo dài một tuần, Bộ trưởng Carter cho biết Mỹ hy vọng Nga sẽ có một thái độ tích cực hơn, đồng thời lưu ý các khía cạnh hợp tác ngoại giao với Moskva, trong đó có các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân Iran. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng những thay đổi về mặt quân sự của NATO - một phần là để ngăn chặn cuộc xâm lược của Nga - chính là công tác chuẩn bị của tổ chức này cho các căng thẳng kéo dài.

Chuyến công du của Bộ trưởng Carter diễn ra trong bối cảnh giới chức cho biết NATO đang triển khai những hành động mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua tại châu Âu. Một quan chức quốc phòng Mỹ phát biểu ngày 19/6: “Trong tháng này, Mỹ và NATO sẽ có những hoạt động huấn luyện và diễn tập với cường độ cao nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh”. Giới chức Mỹ cho biết chuyến công du lần này của ông Carter là cơ hội để “xem” các thành viên NATO sẽ phản ứng thế nào trước hành động mà Nga tiến hành trong khu vực, và cũng là dịp để thảo luận về “những yếu tố cần thiết nhằm tiếp tục duy trì một liên minh vững mạnh và hiệu quả”. Theo kế hoạch, Bộ trưởng Carter tới Đức vào ngày 22/6, và ngày 23/6 sẽ tới Tallinn (Estonia) trước khi đến Bỉ để tham dự hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng NATO - cuộc họp cấp bộ trưởng NATO đầu tiên kể từ khi ông trở thành người đứng đầu Lầu Năm Góc hồi tháng 2/2015.

Tại Tallinn, Bộ trưởng Carter sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp tới từ các nước vùng Baltic như Estonia, Latvia và Litva - hai trong số này có chung đường biên giới với Nga. Cả ba quốc gia đều đã kêu gọi NATO triển khai quân đội thường trực trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, các nước NATO cho tới nay vẫn do dự trong việc đáp lại yêu cầu này bởi việc triển khai quân có thể sẽ vi phạm Đạo luật Căn bản, thỏa thuận mà NATO từng ký với Nga thời hậu Cộng sản, nhằm xây dựng “một nền hòa bình lâu dài và toàn diện”.

Chuyến công du của Bộ trưởng Carter đánh dấu nhiều kế hoạch quan trọng của NATO, bắt đầu từ hoạt động trong ngày 22/6 là giám sát lực lượng phản ứng nhanh trực thuộc NATO được triển khai tại Đức. Tại Estonia, ông Carter sẽ tới thăm tàu chiến Mỹ vừa trở về từ cuộc tập trận trên Biển Baltic. Giới chức cho biết Bộ trưởng Carter có thể sẽ công bố thêm nhiều chi tiết về kế hoạch tái triển khai khí tài quân sự hạng nặng.

Trong bối cảnh các nước vùng Baltic và Đông Âu hết sức lo ngại trước những hành động của Nga, Washington gần đây đã tuyên bố cân nhắc kế hoạch triển khai vũ khí hạng nặng trong khu vực. Hành động này, cùng nhiều kế hoạch của NATO, ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của Nga và những lời đe dọa tăng cường kho vũ khí hạt nhân. Giới chức Lầu Năm Góc cho biết các khí tài này sẽ được sử dụng vào mục đích huấn luyện binh sỹ Mỹ được triển khai trong khu vực, đồng thời phủ nhận cáo buộc của Điện Kremlin về việc NATO đe dọa biên giới Nga.

Bộ trưởng Carter đã lên án “những tuyên bố phóng đại” của ông Putin về vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh: “Tổng thống Vladimir Putin không cần phải làm vậy. Tôi không thể giải thích cho các bạn biết lý do vì sao ông ấy lại hành xử như vậy, song xét từ quan điểm của mình, tôi cho rằng đây là cách hành xử không phù hợp... Điều tôi muốn nhấn mạnh là nước Nga sẽ không thay đổi quan điểm của mình cho dù là dưới thời Vladimir Putin hay bất kỳ ai”.

Khi được hỏi liệu ông có cho rằng nhà lãnh đạo nổi tiếng cứng rắn của Điện Kremlin có thể sẽ thay đổi cách hành xử hay không, Bộ trưởng Carter nói rằng đây là điều ông luôn trông đợi, song “không chắc” về khả năng này. Ông Putin bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 6 năm vào năm 2012. Theo luật pháp Nga, người đứng đầu đất nước được phép nắm quyền trong hai nhiệm kỳ liên tiếp, và điều này đồng nghĩa với việc ông có thể tiếp tục tranh cử vào năm 2018 để tại vị thêm 6 năm nữa.

Những tuyên bố chỉ trích lẫn nhau mà Washington và Moskva đưa ra gần đây khiến người ta nhớ lại những căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết nước này sẽ tìm cách kêu gọi các đồng minh NATO “khép lại cuốn sách mang tên Chiến tranh Lạnh”.

Giới chức Mỹ cho biết cuộc chiến tại Ukraine đã nêu bật tầm quan trọng của việc phải có đủ khả năng để chống lại “chiến tranh lai tạp”, cuộc chiến có sự tham gia của “các lực lượng ủy nhiệm, đi cùng các chiến dịch tuyên truyền và cả áp lực kinh tế” - những hành động mà phương Tây cho là Nga đã tiến hành tại quốc gia từng nằm trong quỹ đạo của Xôviết.

Mối quan tâm trước đây của NATO là những nguy cơ xung đột từ thời Chiến tranh Lạnh, cuộc chiến đã kết thúc từ năm 1991. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ nói: “Bộ trưởng Carter... sẽ tìm cách hướng sự quan tâm của liên minh tới những mối đe dọa mới, những công nghệ mới, hối thúc họ khép lại quá khứ Chiến tranh Lạnh và cân nhắc phương cách hành động để chống lại những mối đe dọa mới”.

Giới chức NATO cho biết ngoài việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3/2014, sự trỗi dậy của tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) hay nhiều nhóm phiến quân tại Bắc Phi và Trung Đông cũng tác động đáng kể đến môi trường an ninh của NATO. Quan chức Lầu Năm Góc nói trên hoan nghênh việc Đức tăng cường đóng góp cho ngân sách quốc phòng của khối trong năm 2015, song bày tỏ hy vọng quốc gia này - được coi là một lãnh đạo của liên minh - cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Ông nói: “Chúng tôi hy vọng Đức có thể làm nhiều hơn. Đây thực sự là một năm lịch sử (đối với toàn liên minh)”.

Sau khi tới Estonia và Bỉ, Bộ trưởng Carter sẽ quay trở lại Đức vào ngày 26/6 để tham dự một cuộc tập trận có sự tham gia của hơn 12 quốc gia. Bộ trưởng Quốc phòng các nước NATO sẽ gặp nhau trong hai ngày 24-25/6 tại Brussels để bàn về kế hoạch xây dựng vai trò liên minh tại Iraq nhằm củng cố tính hợp pháp cho chính quyền sở tại. Giới chức Mỹ cho biết kế hoạch này có thể sẽ được thông qua trong tháng 7 tới.

Theo “Reuters” (ngày 21/6)

Hương Trà (gt)