Nhật báo lớn nhất Nhật Bản "Yomiuri" thậm chí còn tuyên bố rằng "Trung Quốc đang bị cô lập hoàn toàn về mặt ngoại giao". Tuy nhiên, tình hình dường như đã thay đổi hôm 30/11, khi Mỹ hối thúc các hãng hàng không thương mại của nước này tuân thủ các quy định về ADIZ của Trung Quốc. Bà Chikako Ueki, chuyên gia về an ninh châu Á thuộc Đại học Waseda, nhận định: "Thông điệp mà Mỹ gửi đến Trung Quốc và khu vực là rất khó hiểu. Đó không phải là điều tốt... Câu hỏi đặt ra là liệu Mỹ có bảo vệ tự do hàng hải và hàng không, vốn được Mỹ coi là lợi ích chung của toàn cầu, hay không?". Bà Ueki cũng cho rằng chuyến công du của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Nhật Bản ngày 2/12 là "quan trọng vì Mỹ muốn gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc và khu vực".

Một số chuyên gia cho rằng mặc dù thông báo của Mỹ là nhằm đảm bảo an toàn cho các chuyến bay thương mại, nhưng động thái này có thể được hiểu theo nghĩa Washington đang nhượng bộ Bắc Kinh, và điều này có thể làm mất lòng Nhật Bản - đồng minh quan trọng nhất của nước này ở châu Á. Ông Robert Manning, chuyên gia về châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế Brent Scowcroft, nói: "Bề ngoài, có vẻ như họ đã làm điều đó. Ông Biden chắc chắn sẽ phải trả lời về vấn đề này. Nhật Bản không hài lòng về hành động của Mỹ". Tuy nhiên, ông Manning nhận định có thể Mỹ buộc phải ưu tiên đảm bảo an toàn của các chuyến bay thương mại để tránh lặp lại sự cố năm 1983, khi Liên Xô bắn hạ một máy bay của hãng hàng không Korean Airlines vì máy bay này xâm phạm không phận của Liên Xô.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dường như muốn xoa dịu dư luận khi nói rằng Washington trước đó đã thông báo qua các kênh ngoại giao rằng Mỹ không yêu cầu các hãng hàng không của mình phải tuân thủ các quy định về ADIZ của Trung Quốc. Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng cho biết Tokyo không tin là Mỹ đã khuyến cáo các hãng hàng không dân dụng của nước này phải cung cấp trước kế hoạch bay cho phía Trung Quốc. 

Giáo sư Jeff Kingston, chuyên gia nghiên cứu về châu Á thuộc Đại học Temple, cho rằng Phó Tổng thống Biden sẽ đề nghị ông Abe không phản ứng trước động thái của Trung Quốc bằng việc đến thăm ngôi đền gây tranh cãi Yasukuni vì việc này có thể "đổ thêm dầu vào ngọn lửa" bất hòa giữa Nhật Bản và các nước láng giềng. Cũng theo ông Kingston, có lẽ Mỹ đang bị đặt vào "tình thế tế nhị" vì nước này cũng có ADIZ, dù các quy định về ADIZ của Mỹ khác với Trung Quốc.

Trong khi đó, một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Mỹ cũng không thông báo gì với Seoul về khuyến cáo của nước này đối với các hãng hàng không dân dụng khi bay qua ADIZ của Trung Quốc. Ông James Kim, chuyên gia phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Asan có trụ sở tại Seoul, cho rằng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đang có nguy cơ "phá hỏng quan điểm của nhau về những vấn đề này vì đưa ra những thông điệp trái chiều". Theo ông Kim, các bên liên quan đến tranh chấp dường như đang muốn "thử thách xem đối phương sẵn sàng đi xa đến đâu".

Ông Gary Li, chuyên gia phân tích cao cấp của IHS Maritime có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng Mỹ "không nhất thiết phải rút lại sự ủng hộ" đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, song động thái của Washington "chắc chắn làm cho lập trường của Trung Quốc mạnh mẽ hơn". Ông Li nhấn mạnh: "Cuối cùng thì việc này cũng gắn liền với tranh chấp quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, và Mỹ không phải là một phần trong tranh chấp mặc dù Washington ủng hộ Nhật Bản. Vì vậy, các hãng hàng không Mỹ không nên mạo hiểm và việc tách bạch giữa bất đồng ngoại giao, quân sự với các hoạt động dân sự là một động thái tốt". 

Theo "Thời báo Tài chính"

Nhật Linh (gt)