Mỹ có các phương tiện cả về chính trị lẫn quân sự để “chiếu tướng” Trung Quốc trước sự gây hấn của nước này đối với Việt Nam và Philippines, nhưng họ đã quyết định không làm như vậy. 

Ngay từ đầu, Mỹ đã lãng quên thực tế chiến lược rằng việc Trung Quốc gây hấn với Việt Nam và Philippines chỉ là bước đệm cho những khát vọng chiến lược có chủ tâm của Trung Quốc nhằm cách ly Tây Thái Bình Dương trước sự triển khai sức mạnh của Mỹ ở khu vực này. 

Thất bại chính sách chiến lược thảm hại này của Mỹ ở Biển Đông như đang chứng kiến hiện nay đã cho phép Trung Quốc thoải mái hưởng thụ cuộc phiêu lưu quân sự tương tự trong các tranh chấp với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông và đưa ra những tuyên bố về Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) đầy khiêu khích ở khu vực đó. 

Xung đột leo thang ở Biển Đông do Trung Quốc gây ra đáng chú ý kể từ năm 2008 và quá trình diễn biến các sự kiện có liên quan sau đó dẫn đến hai kết luận chính. Cần nghiêm túc chú ý tới cả hai kết luận này giữa lúc toàn bộ sự nguyên trạng chiến lược đang bị Trung Quốc thách thức và nếu các quỹ đạo hiện nay của Trung Quốc không bị làm chệch hướng thì cuối cùng sẽ có khả năng dẫn đến những xung đột không thể tưởng tượng nổi ở châu Á-Thái Bình Dương. 

Kết luận chính thứ nhất là Mỹ ngay từ đầu đã không nhận ra rằng chính sách “bên miệng hố chiến tranh” quân sự của Trung Quốc trong sự leo thang xung đột của các tranh chấp ở Biển Đông không bị giới hạn trong việc thực thi những tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp của mình đối với toàn bộ Biển Đông gây bất lợi cho Việt Nam và Philippines. Mục tiêu thực sự của Trung Quốc là công khai cho các quốc gia châu Á thấy sự bất lực về chiến lược và quân sự của Mỹ trong việc đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy về mặt quân sự. 

Kết luận chính thứ hai mà Mỹ miễn cưỡng thừa nhận chính là những chính sách Mỹ đề ra đối với Trung Quốc trong suốt hai thập kỷ kéo dài qua các đời Chính phủ Mỹ thuộc hai phe chính trị khác nhau đã bị thất bại thảm hại. “Chiến lược bao vây Trung Quốc” và “Chiến lược ngăn chặn rủi ro” của Mỹ trong cách tiếp cận của Washington với Trung Quốc về mặt chiến lược đã chỉ khuyến khích Trung Quốc hướng tới chính sách “bên miệng hố chiến tranh” quân sự táo bạo hơn. 

Sự leo thang xung đột ở Biển Đông, sự leo thang của các tranh chấp ở Biển Hoa Đông với Nhật Bản, việc tuyên bố ADIZ mới và mở rộng ở Biển Hoa Đông cần phải được coi là những bước đi tuần tự của Trung Quốc trong Đại Chiến lược của nước này nhằm xóa bỏ sự hiện diện quân sự tiền tiêu của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và vô hiệu hóa về mặt quân sự những lựa chọn quân sự của Washington chống lại Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương. 

Đáng tiếc là, đặc điểm nổi bật bất biến và gây khó chịu trong chính sách Trung Quốc của Mỹ là tính hai mặt chẳng đánh lừa được ai. Mỹ “khuấy động” nỗi sợ hãi Trung Quốc ở các thủ đô của châu Á và tiếp đó có các hành động tương tự khi cử các quan chức Mỹ tới Bắc Kinh nhằm trấn an các nhà lãnh đạo Trung Quốc rằng họ không nên lo lắng vì những phát biểu mạnh mẽ của Mỹ về Trung Quốc ở các thủ đô của châu Á chỉ mang tính khu vực và các chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc không nên được hiểu là đã bị thay đổi vì những tuyên bố như vậy. 

Biển Đông: Bộ tiểu thuyết nhiều tập về chính sách nhượng bộ Trung Quốc đầy vụ lợi của Mỹ gây nguy hiểm cho an ninh châu Á – Thái Bình Dương 

Do có những đánh giá chiến lược không đúng về các ý định của Trung Quốc thể hiện qua việc theo đuổi các chính sách sai lầm được đề cập ở trên, Mỹ đã thất bại đáng kể trong những hành động ứng phó với sự gây hấn về quân sự cũng như sự chèn ép liên tục về chính trị và quân sự của Trung Quốc đối với Việt Nam và Philippines. 

Mỹ đã do dự và dao động trong việc đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ và rõ ràng nhằm vạch rõ “những giới hạn đỏ” mà Trung Quốc không nên vượt qua trong các vấn đề có liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Mặc dù Mỹ có thể đã không bận tâm đến việc ủng hộ Việt Nam chống lại Trung Quốc vì Việt Nam không phải là đồng minh quân sự của nước này, nhưng còn Philippines thì sao? 

Sau nhiều khích lệ và phải mất nhiều thời gian, Mỹ cuối cùng mới thừa nhận rằng họ có nghĩa vụ theo hiệp ước phải bảo vệ Philippines trước sự gây hấn quân sự. 

Mỹ hầu như đã không có những lời lẽ rõ ràng và công khai về việc nước này sẵn sàng ra mặt ủng hộ Việt Nam trước bất kỳ sự gây hấn nào của Trung Quốc ở Biển Đông vì Việt Nam không phải là đồng minh quân sự của Mỹ giống như Philippines và Nhật Bản. 

Những tuyên bố và lập trường chính thức của Mỹ trước sự leo thang xung đột ở Biển Đông do Trung Quốc gây ra là hạn hẹp và mập mờ, tạo cho Trung Quốc cơ hội về chính trị và chiến lược để diễn giải chúng theo hướng có lợi cho nước này. 

Những tuyên bố như vậy của Mỹ cũng không áp đặt sự kiềm chế hoặc “chiếu tướng” Trung Quốc, trong khi lại khiến Trung Quốc tin rằng những ứng phó chiến lược của Mỹ là khoa trương và do đó là tùy tiện nên không hề có nguy cơ dẫn đến những đòn phản công mạnh mẽ của Washington . 

Các tuyên bố chính thức của Mỹ về Biển Đông: phân tích những sự mơ hồ 

Trong sự tương phản rõ ràng với những năm 1990 khi Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Winston Lord, từng tuyên bố rằng Mỹ sẽ không tha thứ cho việc vẽ lại các đường biên giới và thay đổi chủ quyền ở Biển Đông, những tuyên bố mới đây của Mỹ về Biển Đông là mập mờ và cho thấy sự miễn cưỡng thể hiện quan điểm cứng rắn đối với chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Đông. 

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 3/4/2012 viết: “Với tư cách là một quốc gia Thái Bình Dương và là một cường quốc ngoài khu vực, Mỹ có lợi ích quốc gia trong việc duy trì hòa bình và ổn định, tôn trọng pháp luật quốc tế, tự do hàng hải và thương mại hợp pháp không bị cản trở ở Biển Đông. Chúng tôi không đưa ra quan điểm về những tuyên bố lãnh thổ đang tranh chấp xung quanh các cấu trúc đất đai và không có tham vọng lãnh thổ ở Biển Đông; tuy nhiên, chúng tôi tin rằng các quốc gia trong khu vực này nên cộng tác với nhau về phương diện ngoại giao nhằm giải quyết các tranh chấp mà không ép buộc, không hăm dọa, không có các mối đe dọa, không sử dụng vũ lực”. 

Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Hillary Clinton đã tuyên bố tại Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Hà Nội rằng: “Mỹ có lợi ích quốc gia đối với tự do hàng hải, tiếp cận mở đối với các không gian hàng hải chung trên biển của châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông”. 

Trong cả hai tuyên bố chính thức trên của Mỹ, điều rõ ràng là Mỹ đã từ chối đứng về phía những quốc gia ASEAN là nạn nhân của việc Trung Quốc gây hấn và ép buộc về quân sự ở Biển Đông. 

Như là phương sách để giữ thể diện, Mỹ đã viện đến cách thức “cao quý” là quyền tự do hàng hải và tiếp cận mở đối với các không gian hàng hải chung của châu Á. Lập trường của Mỹ dường như được “chế tác” bởi các nhà ngoại giao Mỹ thay vì là các chuyên gia về an ninh và chiến lược của nước này. Washington không nhận thức được rằng quyền tự do hàng hải và tiếp cận mở ở Biển Đông sẽ là bất khả thi nếu Trung Quốc nắm giữ các đảo tranh chấp và những cấu trúc trên biển mà họ đã chiếm đóng, cũng như những phần còn lại đang chờ họ chiếm giữ. 

Những lời kêu gọi không rõ ràng của Mỹ đối với Trung Quốc về một giải pháp hòa bình cho Biển Đông mà không có sự ép buộc hay phải viện đến những đe dọa sử dụng vũ lực là điều nực cười. Có khi nào Trung Quốc kiềm chế không sử dụng vũ lực hay không đe dọa sử dụng vũ lực trong các tranh chấp lãnh thổ hay không? Có khi nào Trung Quốc lưu tâm tới những lời cảnh báo của Mỹ về bất kỳ vấn đề nào hay không? 

Tóm lại, những tuyên bố của Mỹ về các tranh chấp ở Biển Đông ngụ ý một “đường hướng không can thiệp” mà đến lượt nó đã khuyến khích sự không khoan nhượng hiện tại của Trung Quốc trong các tranh chấp ở Biển Hoa Đông và việc tuyên bố chậm trễ rằng việc tuyên bố ADIZ ở Biển Hoa Đông có thể là ADIZ ở đó. 

Mỹ đã nhận ra một cá khúc dạo đầu cho một tuyên bố tương tự về ADIZ của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc ngừng làm như vậy. 

Xét các kiểu lập trường chiến lược vô trách nhiệm trước đây của Trung Quốc, liệu Trung Quốc có thực sự quan tâm tới lời cảnh báo của Mỹ? Sẽ thật thú vị khi theo dõi những ứng phó của Trung Quốc trước lời cảnh báo của Mỹ về việc không tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông. Mỹ có khả năng sẽ cử Ngoại trưởng tới Bắc Kinh để thực hiện thêm một sứ mệnh nữa. 

Các tin tức cho thấy Mỹ đã đón tiếp một nhóm các sĩ quan thuộc Lực lượng Lục quân Trung Quốc trên một tàu sân bay của Mỹ khi nó tuần tra qua Biển Đông và điều này thật đáng khinh. Liệu Mỹ có phát đi thông điệp gì cho Trung Quốc qua hành động này hay là có thông điệp nào đó dành cho Việt Nam và Philippines ? 

Những quan sát cuối cùng 

Đáng tiếc là, hồ sơ của Mỹ về các tranh chấp ở Biển Đông dường như đang cho thấy từ bỏ chiến lược những trách nhiệm của nước này với tư cách là một cường quốc châu Á-Thái Bình Dương trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Biển Đông trước sự gây hấn của Trung Quốc nhằm vào Việt Nam và Philippines . Giờ đây, Trung Quốc còn có cuộc đối đầu quân sự khác với Nhật Bản ở Biển Hoa Đông. 

Từ nay trở đi, các nhà nước trong khu vực kỳ vọng Mỹ sẽ thể hiện sự kiên quyết và quyết tâm nhiều hơn nữa trong việc đối phó với “Mối đe dọa mang tên Trung Quốc” mà hiện đang thò ra những cái xúc tu gây hấn ở châu Á-Thái Bình Dương. Các quốc gia trong khu vực kỳ vọng Mỹ sẽ vạch ra “những giới hạn đỏ” đối với chủ nghĩa phiêu lưu quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như ở Biển Hoa Đông. 

Lịch sử nên cung cấp cho Mỹ đủ các ví dụ về những phí tổn của việc không kịp thời nhận ra các mối nguy hiểm đang hình thành.

Theo South Asia Analysis Group

Văn Cường (gt)