Hội nghị cũng cho thấy cả hai bên đều đang hướng tới việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN được hình thành tháng 11 năm ngoái. Trước khi hội nghị diễn ra, một số quan chức chính quyền Mỹ cho biết hội nghị sẽ giảm bớt phần nghi thức so với các cuộc gặp Mỹ - ASEAN trước đây và chỉ theo các nguyên tắc đã được các bên chấp thuận. Và đúng như thế. Tuyên bố Sunnylands đưa ra sau hội nghị tái khẳng định các nguyên tắc chính định hướng cho hợp tác trong tương lai. Văn kiện dài 17 trang liệt kê đầy đủ các nguyên tắc này: từ tôn trọng tự do hàng hải, phát triển kinh tế toàn diện và bền vững, đến cùng quyết tâm giải quyết các vấn đề như khủng bố, buôn người, biến đổi khí hậu. 

Ngay sau khi văn kiện được công bố, một số người đã chỉ trích sự mơ hồ, chung chung của nội dung được đưa ra. Tuy nhiên, ngay từ trước đó, giới chức Mỹ đã nói rõ không có ý định đưa ra một văn kiện cụ thể theo kiểu danh sách những việc cần làm, vì điều này đã được các bên thực hiện từ hội nghị tháng 11 năm ngoái trong khuôn khổ Kế hoạch Hành động Triển khai Quan hệ Đối tác Chiến lược Mỹ - ASEAN dài 14 trang, vạch rõ những công việc cần thực hiện để thúc đẩy quan hệ song phương đến năm 2020.

Theo nguồn tin từ Hội nghị Sunnylands, Tuyên bố sau hội nghị nhấn mạnh việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế ở châu Á – Thái Bình Dương, yếu tố chính giúp mang lại hòa bình, phát triển và thịnh vượng cho khu vực. 

Có thể thấy hội nghị đã đạt được một số kết quả cụ thể, nhưng chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế và thể hiện mong muốn của Washington có cách tiếp cận mới về kinh tế đối với ASEAN. Trước đó, Chính quyền Obama khá bế tắc trong việc tìm kiếm các sáng kiến cụ thể mới phù hợp với đặc tính đa dạng về kinh tế ở Đông Nam Á. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của sáng kiến “Kết nối Mỹ - ASEAN” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sáng kiến này đặt mục tiêu hình thành mạng lưới kết nối 3 trung tâm kinh tế ở Đông Nam Á là Singapore, Thái Lan và Indonesia nhằm giúp Mỹ can dự sâu hơn vào khu vực, đồng thời kết nối các doanh nhân, nhà đầu tư và doanh nghiệp của các bên. 

Mặc dù sáng kiến này không mới và chủ yếu tập trung vào việc điều phối, kết nối các cấu trúc, chương trình hiện có của Mỹ với Đông Nam Á, song vẫn có một số ý tưởng mới được đưa ra như tổ chức các cuộc hội thảo thương mại Mỹ - ASEAN và các hoạt động giới thiệu về TPP ở 6 nước ASEAN không phải là thành viên cũng như cách thức giúp các nước này tham gia TPP trong tương lai. Hiện tại, chỉ có 4 nước thành viên ASEAN là Brunei, Malaysia, Singapore và Vietnam tham gia hiệp định thế kỷ này. Ba nước khác là Indonesia, Philippines và Thái Lan đang xem xét tham gia. Ba quốc gia còn lại là Lào, Myanmar và Cambodia chưa được tham gia do không phải là thành viên của Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). 

Ngoài các nội dung chính đã được thảo luận và nhất trí tại Hội nghị, Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman và các bộ trưởng, quan chức kinh tế các nước ASEAN cũng tiến hành trao đổi về nhiều vấn đề và khởi động sáng kiến “Hành trình ASEAN” để tận dụng các cơ hội có được từ việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN. 

Về an ninh, một loạt vấn đề cũng đã được thảo luận như chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng, hay đối phó với sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông. Mặc dù những người chỉ trích chỉ xoáy vào việc Tuyên bố Sunnylands thiếu cụ thể, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông, song nên nhớ rằng việc đưa ra các nguyên tắc cho những vấn đề cụ thể là không thích hợp. Bên cạnh đó, các nhà quan sát đều biết rằng phần lớn các nội dung hợp tác giữa Mỹ với từng nước ASEAN đều diễn ra trong hậu trường. 

Trong buổi họp báo sau Hội nghị, Tổng thống Obama cho biết ông đã đề xuất hỗ trợ các nước ASEAN tiếp cận dữ liệu của Interpol để ngăn chặn dòng di cư của các tay súng khủng bố nước ngoài. Mặc dù sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông không được đề cập cụ thể trong tuyên bố chung – không giống như hầu hết các tuyên bố của ASEAN, nhưng vẫn có 3 trong 17 đoạn của văn kiện đề cập đến an ninh hàng hải, cho thấy vấn đề này có tầm quan trọng như thế nào với cả hai bên. Bên cạnh đó, ngoài tuyên bố chung, Tổng thống Obama cũng cho biết các nhà lãnh đạo đã thảo luận về những bước đi cụ thể để hạ nhiệt căng thẳng. 

Một vấn đề quan ngại khác cũng được nhắc tới trước Hội nghị Sunnylands là Washington sẽ ứng xử thế nào với vấn đề dân chủ và nhân quyền. Ngay từ đầu, cách tiếp cận của chính quyền Obama là không thỏa mãn mong muốn của những cá nhân đòi hỏi các quyền này, mà coi đây là một trong những vấn đề cần phải giải quyết trong quan hệ song phương. Trong khi đó, những người lớn tiếng ủng hộ dân chủ và nhân quyền lại muốn giải quyết những vấn đề này một cách đa phương, thậm chí một số người còn yêu cầu hình thành cơ chế chính thức Đối thoại Nhân quyền Mỹ - ASEAN. Có nguồn tin cho biết, chính quyền Obama đã có ý quan tâm đến vấn đề này từ rất sớm và đã cử Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice gặp gỡ các nhà lãnh đạo tổ chức xã hội dân sự trước khi Hội nghị Sunnylands khai mạc. Trong tuyên bố sau hội nghị, Tổng thống Obama cũng cho biết ông đã nói rõ những cam kết của Mỹ về nhân quyền, trong đó có quyền tự do ngôn luận, hội họp và báo chí. Tuy nhiên, tất cả những điều đó cũng không ngăn cản được hàng trăm người đổ xuống đường phản đối chính quyền Obama tiếp đón lãnh đạo một số quốc gia ASEAN mà họ cho là chưa có dân chủ. 

Theo The Diplomat

Trần Quang (gt)