Theo kế hoạch, ARF sẽ diễn ra từ ngày 16/7 tại đảo Bali (In-đô-nê-xi-a), với sự tham dự của các chuyên gia về vấn đề an ninh quốc tế đến từ 10 nước ASEAN và các nước đối thoại bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Ôxtrâylia, Canađa, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Niu Dilân, Hàn Quốc và Nga.

Theo báo “Thái Dương”, trong bối cảnh vấn đề Biển Đông ngày càng leo thang, Mỹ và Philíppin đột nhiên đưa ra chiêu thức này thực sự vô cùng hiểm ác vì đa số các nước tham gia diễn đàn đều có lập trường bất lợi đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Mười nước ASEAN là đối thủ trực tiếp của Trung Quốc, trong khi Mỹ là đối thủ thực sự đứng đằng sau.

Mặt khác, do Biển Đông là huyết mạch quan trọng sống còn của Nhật Bản, nên mặc dù không có liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông, nhưng Nhật Bản luôn có lập trường hết sức rõ ràng trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, hy vọng cùng liên kết với các nước ASEAN, Nam-Bắc cùng đối kháng Trung Quốc. Giới truyền thông Nhật Bản thậm chí còn công khai cổ vũ việc Nhật Bản hợp lực với ASEAN chống lại Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Một vài nước còn lại, bề ngoài có vẻ không có liên quan trực tiếp tới vấn đề Biển Đông, cũng tỏ ra hết sức tích cực đối với vấn đề này. Cách đây 10 năm, Ấn Độ đã đề ra cái gọi là chiến lược “Đông tiến” và tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a nhằm mở rộng tiếng nói trong vấn đề Biển Đông; Ôxtrâylia và một số nước EU lấy lý do “quyền hàng hải ở Biển Đông” liên quan tới lợi ích của họ để “không thể khoanh tay trước vấn đề này”.

Một điều đáng chú ý khác là trong khi tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng, Inđônêxia - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN - vẫn giữ thái độ im lặng. Trong một bài phân tích, Jessica Brown - nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu độc lập của Ôxtrâylia - cho biết mấy tháng trước, In-đô-nê-xi-a luôn giữ vai trò “điều đình” trong tranh chấp Biển Đông, song gần đây nước này đã trở nên hết sức thận trọng. Giacácta hiểu rằng chỉ thông qua đàm phán đa phương mới có thể giải quyết vấn đề, đương nhiên Mỹ là một thành viên không thể thiếu trong quá trình đàm phán. Đây chính là lý do tại sao In-đô-nê-xi-a gần đây lại giữ thái độ im lặng. 

Hồi tháng 1/2011, Ngoại trưởng In-đô-nê-xi-a Marty Natalegawa đã đưa ra tín hiệu cho thấy việc giải quyết một loạt tranh chấp lâu dài ở Biển Đông sẽ là một phần quan trọng trong nỗ lực ngoại giao của In-đô-nê-xi-a trong năm nắm giữ chức Chủ tịch ASEAN. Tuy nhiên, hiện ASEAN còn chưa thể giúp các nước thành viên (Thái Lan và Campuchia) giải quyết tranh chấp lãnh thổ thì làm sao có thể giúp giải quyết cuộc tranh chấp Biển Đông vốn phức tạp hơn rất nhiều? Vụ tranh chấp lãnh thổ Thái Lan-Campuchia cho thấy rõ vai trò thực tế của ASEAN về an ninh khu vực là hết sức hạn chế. Do đó, trong vấn đề Biển Đông hiện nay, lựa chọn duy nhất của ASEAN là tiếp tục cổ vũ Mỹ đóng vai trò tích cực hơn tại khu vực nhằm cân bằng thực lực đang không ngừng gia tăng của Trung Quốc. Các nước này hiểu rõ rằng chỉ có nỗ lực chung, hành động tập thể mới có hy vọng đối phó với nước láng giềng phương Bắc hùng mạnh này. 

Ưu thế về số lượng luôn là sách lược của ASEAN. Trong vấn đề Biển Đông, ASEAN tiếp tục phát huy điều này. Do đó, In-đô-nê-xi-a sẽ tích cực đưa vấn đề Biển Đông vào các diễn đàn đa phương rộng lớn hơn như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á hay Diễn đàn Khu vực ASEAN. Trong các diễn đàn này, sự hiện diện của Mỹ có thể sẽ khiến Trung Quốc ôn hòa hơn. Tất nhiên, vấn đề tranh chấp Biển Đông chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều, song điều quan trọng nhất mà các nước ASEAN cần làm được hiện nay là đoàn kết thành một khối để có tiếng nói lớn hơn.

Từ đó có thể thấy, nếu Mỹ và Philíppin đưa vấn đề Biển Đông vào nghị trình của ARF lần này, các nước sẽ cùng gây khó dễ cho Trung Quốc khiến Bắc Kinh rất khó biện minh. Nếu hội nghị cuối cùng lại thông qua một bản tuyên bố nhằm vào Trung Quốc, yêu cầu nước này ngừng xâm phạm lãnh hải và biển đảo nước khác, Trung Quốc sẽ từ thế “lý lẽ hùng hồn” rơi vào thế hoàn toàn bị động trong vấn đề Biển Đông. Hiện dư luận đang hết sức nóng lòng chờ xem Trung Quốc ứng phó như thế nào tại ARF lần này.

Theo Thái Dương

  Hiền Lương (gt)