20120704000846_0(1).jpg

Tuần trước, theo nguồn tin từ “Thời báo Hải quân” - một ấn phẩm có mối liên hệ với lực lượng Hải quân Mỹ - các quan chức Lầu Năm Góc giấu tên nói rằng họ có thể sẽ sớm thông qua kế hoạch đưa tàu tới phạm vi 12 hải lý (khoảng 21 km) xung quanh các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở Biển Đông. Điều này đã nhanh chóng vấp phải phản ứng gay gắt của Trung Quốc, song lại nhận được sự tán thành từ Philippines, một thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và là đồng minh thân cận của Mỹ.

Việc đưa tàu vào phạm vi 12 hải lý xung quanh các thực thể này sẽ được coi là hành động thách thức đầu tiên mà Mỹ tiến hành với các hoạt động tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông kể từ năm 2012, đồng thời củng cố những khẳng định của Washington rằng hoạt động cải tạo và các thực thể này không được công nhận là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Ngày 13/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc và lên tiếng bảo vệ kế hoạch của Washington. Ông Carter nói trong một cuộc họp báo với Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Australia: “Hải quân, không quân và các lực lượng Mỹ sẽ có mặt ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như chúng tôi vẫn làm ở khắp thế giới và Biển Đông không phải ngoại lệ. Chúng tôi sẽ làm điều đó vào thời điểm và địa điểm mà chúng tôi lựa chọn”.

Trung Quốc từ trước tới nay vẫn luôn khẳng định hoạt động của họ là hợp pháp và là điều cần thiết để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, và bởi vậy, hoàn toàn dễ hiểu khi Bắc Kinh dùng lời lẽ nặng nề chỉ trích các tuyên bố trên của Mỹ. Theo hãng tin BBC, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cảnh báo: “Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ quốc gia nào xâm phạm vùng hải phận và không phận của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa dưới danh nghĩa bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển và vùng trời phía trên”. Bà cũng nhấn mạnh một số quốc gia - ám chỉ Mỹ - đã triển khai các loại vũ khí tấn công trên diện rộng và phô diễn sức mạnh quân sự của họ hết lần này đến lần khác ở những nơi cách xa lãnh thổ của họ, và cụ thể là ở Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng đây chính là nguyên nhân chính thúc đẩy quá trình quân sự hóa Biển Đông. Bà Hoa Xuân Oánh nói: “Chúng tôi hy vọng các nước liên quan ngừng thổi phồng vấn đề Biển Đông và nghiêm chỉnh thực hiện lời hứa của họ trong việc không đứng về bất kỳ phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ”.

Báo chí Trung Quốc ngày 15/10 cũng lên án Mỹ có những hành động “khiêu khích liên tục” ở Biển Đông, chỉ trích kế hoạch cân nhắc triển khai tàu biển nói trên của Mỹ. Một bài xã luận ngày 15/10 của “Thời báo Hoàn cầu” có đoạn: “Trung Quốc không nên dung thứ những vi phạm ngày càng tăng của Mỹ tại các vùng biển và vùng trời bên trên các hòn đảo đang mở rộng”. Tờ báo này kêu gọi quân đội Trung Quốc phải “sẵn sàng thi hành những biện pháp trả đũa tương xứng với mức độ khiêu khích của Washington”.

Trong khi đó theo Đài TNHK, Đô đốc John Richardson - Chỉ huy trưởng lực lượng hải quân của Mỹ - nhấn mạnh rằng việc Washington cân nhắc gửi tàu chiến tới khu vực xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây ở Biển Đông không phải là một “động thái khiêu khích”. Ông khẳng định đây là hoạt động vì quyền tự do hàng hải và nhằm tôn trọng luật quốc tế. Phát biểu với báo giới tại Tokyo ngày 15/10, Đô đốc Richardson nói: “Việc này không thể được diễn giải là khiêu khích hay bất cứ gì khác. Tàu chỉ lưu thông trên các vùng biển quốc tế. Chúng tôi xem đây là một phần trong các hoạt động thông thường của mình trong vai trò hải quân toàn cầu”.

Giữa lúc Mỹ và Trung Quốc có những tranh cãi và chỉ trích trả đũa nhau, Bắc Kinh đã đứng ra chủ trì hai hội nghị an ninh quan trọng, điều mà giới phân tích cho là nhằm cải thiện hình ảnh về mặt quân sự của quốc gia này. Đầu tiên là một hội nghị không chính thức giữa Bộ trưởng Quốc phòng 10 nước thành viên ASEAN - mà 4 trong số đó đang có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Bắc Kinh. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức một hội nghị kiểu này. Tiếp theo sau là Diễn đàn Hương Sơn, nơi các nhà phân tích, giới lãnh đạo quân đội và nhiều quan chức trên tòan thế giới cùng tham gia thảo luận các vấn đề liên quan tới an ninh châu Á-Thái Bình Dương, các vấn đề hàng hải và chống khủng bố. Chuyên gia an ninh khu vực Li Mingjiang, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang Singapore, nói: "Trung Quốc muốn dùng các diễn đàn kiểu này để nâng tầm quan điểm, diễn giải các chính sách và củng cố hơn nữa vị thế an ninh của mình".

Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố cuộc họp về an ninh giữa các nước ASEAN và Trung Quốc tại Bắc Kinh là nhằm “thúc đẩy hợp tác trên thực tế và củng cố lòng tin chiến lược”. Theo chuyên gia Li, Trung Quốc nhận thức được rằng mối quan hệ quốc phòng giữa họ và các nước láng giềng đang rất lỏng lẻo, và họ muốn tìm cách cải thiện hình ảnh của mình. Ông nhận định các cuộc thảo luận này tránh đề cập tới những vấn đề dễ gây mâu thuẫn và tập trung vào hợp tác an ninh phi truyền thống, trao đổi quân sự và an ninh khu vực nói chung. Ông nói thêm: “Hội nghị diễn ra ở Bắc Kinh, bởi vậy, sẽ rất khó để các quốc gia khác có thể thực sự đối đầu với Trung Quốc khi tranh cãi về Biển Đông. Hơn thế nữa, các quốc gia ASEAN cũng chưa thật sự đồng nhất về vấn đề này”.

Từ năm 2014, Trung Quốc đã mở rộng phạm vi của Diễn đàn Hương Sơn, biến đây từ một hội nghị hai năm diễn ra một lần sang một sự kiện thường niên với sự tham dự của hơn 300 quan chức quốc phòng và học giả từ 47 quốc gia. Trong một báo cáo mới đây, viết cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhà phân tích Kim Fassler - thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ - cho rằng để xoa dịu sự bất bình và lo ngại của các quốc gia khác, Trung Quốc cần biến những hội nghị như Diễn đàn Hương Sơn thành các cuộc “đối thoại hai chiều một cách hiệu quả”, thay vì đơn thuần chỉ là nơi để nêu quan điểm. Điều này, theo ông, đòi hỏi Bắc Kinh phải xác định được rằng các hành động của mình đang biến họ trở thành một kẻ xâm lược, thay vì một nhà lãnh đạo khu vực - điều mà Bắc Kinh luôn muốn đạt được - trong con mắt của nhiều quốc gia khác.

Lê Sơn (gt)