Trong hơn hai mươi năm tồn tại cục diện " đơn cực" với vai trò sự thống trị không thể tranh cãi của mình trong các vấn đề toàn cầu và khu vực, Mỹ hiện còn chưa sẵn sàng chấp nhận quyền của một nước khác cùng với mình “quyết định số phận của thế giới”. Việc Washington muốn tiếp tục kiểm soát sự phát triển của  thế giới, kê đơn cho sự thịnh vượng kinh tế và áp đặt các quy tắc đối với các quốc gia khác trong xử lý các vấn đề quốc tế và nội bộ,  không thể không đưa tới sự phản ứng và chống đối của Bắc Kinh.

Bất chấp việc lãnh đạo cấp cao hai bên cao giọng về sự hợp tác song phương đang phát triển và khả năng trở thành " quan hệ nước lớn kiểu mới", trên thực tế, các lĩnh vực cạnh tranh và xung đột đang tăng lên trong quan hệ Mỹ-Trung. Nếu trong những năm đầu thế kỷ 21, nổi lên vấn đề Đài Loan, vấn đề nhân quyền và một loạt vấn đề kinh tế, thì gần đây được bổ sung thêm các vấn đề Biển Hoa Đông và Biển Đông, an ninh mạng, tự do Internet ở Trung Quốc, tình hình Hồng Kông, sự cạnh tranh trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và các khu vực khác (Trung Đông, Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh ...).

Sự mở rộng phạm vi mâu thuẫn Mỹ - Trung khẳng định luận điểm về tính tất yếu của cuộc cạnh tranh giữa một siêu cường đang lãnh đạo thế giới và một nước đang gia tăng sức mạnh thành siêu cường với sự khác biệt nhau về giá trị, tư tưởng và hệ thống chính trị và kinh tế. Theo đó, xung đột Mỹ - Trung về  an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đã tăng lên đáng kể từ đầu thập niên thứ hai của thế kỷ 21 với sự can dự vào  các vấn đề khu vực, tạo sự bất an và sự mất lòng tin chiến lược lẫn nhau.

Trung Quốc bất bình và rất lo ngại trước việc Mỹ can thiệp vào cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên biển Hoa Đông và Biển Đông; tăng cường các liên minh quân sự và tạo dựng các mối quan hệ đối tác mới trong khu vực; ngăn ngừa Trung Quốc bằng cách tăng cường tập trận, tình báo… Trung Quốc coi Mỹ đứng sau các sự kiện ở Hồng Công với kế hoạch cách mạng màu nhằm gây mất ổn định ở Trung Quốc và hạ vị thế của Đảng Cộng sản; coi các cuộc cuộc khủng hoảng mà họ đang phải đối mặt ở trong và ngoài nước là kết quả hành động kiềm chế Trung Quốc của Mỹ.

Nguyên nhân Mỹ ngày càng quan tâm đến tình hình an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là việc Trung Quốc đang nổi lên như một trung tâm quyền lực và ảnh hưởng mới ở đây. Việc tăng cường quốc phòng và mở rộng khả năng tác chiến của quân đội đang làm cho Trung Quốc quyết đoán hơn trong việc bảo vệ các lợi ích quốc gia của họ.

Việc hai bên đụng độ nhau trên không và trên biển xung quanh Trung Quốc trở thành phổ biến. Cùng với sự tăng cường nhanh chóng sức mạnh quân sự, Bắc Kinh mở rộng quyền kiểm soát các tuyến đường biển và đường hàng không trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc lập các khu vực nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông (11/2013), đã gây phản ứng mạnh mẽ của các nước khu vực và thái độ tiêu cực của Mỹ.

Washington theo dõi chặt chẽ các hoạt động của Bắc Kinh trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Năm 2014, Bắc Kinh đã có một chiến thuật mới cho việc thực hiện các yêu sách lãnh thổ, đó là xây các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông với một quy mô lớn và tốc độ chưa từng có. Trong năm qua, Trung Quốc đã xây ít nhất 5 hòn đảo nhân tạo. Với các hòn đảo mới, Trung Quốc củng cố thêm sự hiện diện và tăng cường đáng kể vị thế của họ ở Biển Đông, và điều đó chắc chắn đi ngược lại lợi ích của Mỹ.

Đặc biệt, mâu thuẫn  Mỹ - Trung có thể  gay gắt hơn khi Bắc Kinh thúc đẩy thực hiện ý tưởng về một hệ thống an ninh khu vực mới ở Châu Á - Thái Bình Dương không có sự tham gia của Mỹ theo nguyên tắc Châu Á của người Châu Á, thay cho hệ thống hiện hành  chủ yếu dựa trên quan hệ song phương của Mỹ với 5 nước trong khu vực.

TS.Jan Leksyutina, Phó giáo sư ĐH Sant-Peterburg. Bài viết được đăng trên New Eastern Outlook.

Văn Cường (gt)