xibali.gif

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết ông Obama và Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama sẽ đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình và Phu nhân Bành Lệ Viện "trong quốc yến ngày 25/9". Tháng 11/2014, Tổng thống Obama từng có chuyến thăm tương tự tới Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình được xem là một trong những nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền lực nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây, tuy nhiên, tham vọng hiện thực hóa "giấc mơ Trung Hoa" và đưa đất nước trở thành siêu cường của ông đã gặp phải không ít trở lực về kinh tế. Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng vượt trội, nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại, gây hiệu ứng dây chuyền trên toàn cầu, từ sụt giảm kim ngạch thương mại tới các bất ổn trên thị trường chứng khoán và hàng hóa.

Người phát ngôn Nhà Trắng Earnest cho rằng chuyến thăm lần này của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình sẽ là cơ hội để "mở rộng hợp tác Mỹ-Trung", và "giải quyết các bất đồng theo hướng xây dựng" - ám chỉ những khúc mắc xung quanh sự hoành hành của gián điệp mạng Trung Quốc và các tuyên bố chủ quyền trên biển gây nhiều tranh cãi của Bắc Kinh.

Trước chuyến thăm, ông Obama đã cảnh báo rằng quy mô các vụ tấn công mạng từ Trung Quốc là "không thể chấp nhận được", trong khi giới chức tỏ ý đang cân nhắc về các đòn trừng phạt cụ thể. Tổng thống Obama nhấn mạnh Trung Quốc có thể "lựa chọn để biến đây thành một mặt trận khốc liệt... Tôi đảm bảo rằng nếu điều này diễn ra, phần thắng chắc chắn sẽ thuộc về chúng tôi". Cả Mỹ và Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh việc bảo vệ an ninh mạng và năng lực thu thập thông tin tình báo.

Bắc Kinh đã bị chỉ trích mạnh mẽ sau các vụ tấn công trên mạng nhằm đánh cắp dữ liệu cá nhân của giới chức chính quyền liên bang Mỹ, trong đó có nhiều nhân vật cấp cao. Ông Earnest nói: "Chúng tôi đã nói rõ rằng Mỹ không bao giờ tiến hành các hoạt động gián điệp mạng để mang lại lợi ích đáng kể về mặt tài chính cho các doanh nghiệp Mỹ. Đây là hành vi đáng quan ngại và là điều chúng tôi đã nhắc nhở Trung Quốc".

Nhà Trắng cũng hết sức quan ngại về hàng loạt tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Tuần này, một Đô đốc Trung Quốc vừa khiến dư luận dậy sóng khi tuyên bố toàn bộ vùng Biển Đông là thuộc về Trung Quốc, bởi tên tiếng Anh của khu vực này là South China Sea.

Việc Trung Quốc thắt chặt chính sách tiền tệ dự kiến cũng là một chủ đề nóng trong cuộc gặp sắp tới, bởi Washington cho rằng hành động này của Bắc Kinh là nhằm tạo lợi thế cho xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn nhất tại Mỹ đã kêu gọi Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình tập trung vào các khía cạnh tích cực và thúc đẩy hơn nữa tiến trình đàm phán hiệp định đầu tư song phương.

Một nhóm gồm 93 giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp lớn đã cùng viết một bức thư, nhấn mạnh một thỏa thuận "tốt" sẽ "nhanh chóng tác động tích cực đến cả hai nền kinh tế này". Trong số các CEO này có các nhân vật nổi tiếng như CEO của Apple Tim Cook, "ông chủ" Facebook Mark Zuckerberg. Hiệp định này sẽ tạo nhiều cơ hội và thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp của cả Mỹ và Trung Quốc khi tiếp cận thị trường hai nước.

Tuy nhiên, cho tới nay, các cuộc đàm phán vẫn chỉ xoay quanh những nỗ lực nhằm giảm bớt các hạn chế trong nhiều lĩnh vực từ ngân hàng cho tới hàng không, khiến thỏa thuận vẫn chưa thể đạt được.

Theo “AFP

Vũ Hiền (gt)