Trong giới quan sát của Mỹ về Trung Quốc hiện nay, có thể chia thành 3 nhóm chính:

Thứ nhất là nhóm có cái nhìn “bi quan”, chủ yếu là giới nghiên cứu chính trị.  Nhóm này cho rằng sự xung đột giữa Mỹ - Trung là không thể tránh khỏi. Do Trung Quốc muốn định hình lại thế giới theo cách của riêng mình, Mỹ và đồng minh cần “ngăn chặn” trước khi ảnh hưởng của Trung Quốc trở nên quá lớn. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không nhất thiết phải thách thức hệ thống quốc tế hiện tại do đang hưởng lợi từ hệ thống này.

Thứ hai là nhóm có cái nhìn “lạc quan”, chủ yếu là giới nghiên cứu kinh tế và khoa học. Nhóm này tin rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn để hợp tác cùng thắng. Một trong những ví dụ điển hình là sự đóng góp của Trung Quốc vào kinh tế thế giới ngày càng tăng. Điều này sẽ mang lại các cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ.

Thứ ba là nhóm “thận trọng” và “quan ngại”, chủ yếu là các giới tham mưu chính sách. Nhóm này cho rằng quan hệ Trung – Mỹ vẫn phát triển ổn định nhưng còn nhiều yếu tố bất trắc. Hiện nay, truyền thông và các cơ quan tham mưu chính sách tại Mỹ đang bàn luận nhiều về động cơ của việc xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông, nhất là khả năng Trung Quốc làm suy giảm vị thế thống trị của Mỹ ở khu vực. Do đó, nhóm này cho rằng Mỹ cần kiềm chế sự “bành trướng” của Trung Quốc bằng mọi giá.

Giới chuyên gia Trung Quốc đánh giá sự hoài nghi và quan ngại của Mỹ đối với Trung Quốc bắt nguồn từ sự thất vọng của Mỹ trên ba khía cạnh: (i) Mỹ cho rằng khi Trung Quốc phát triển và hiện đại hóa, hệ thống chính trị của Trung Quốc sẽ thay đổi. Tuy nhiên, thực tế điều này đã không xảy ra và không có phiên bản “Gorbachev” tại Trung Quốc; (ii) Trung Quốc hội nhập vào hệ thống thế giới do Mỹ chi phối, tuy nhiên thay vì bị tác động bởi Mỹ, Trung Quốc lại tham gia tích cực và thậm chí góp phần định hình quan hệ quốc tế; (iii) Khi Trung Quốc ngày càng đẩy mạnh cải cách kinh tế, hiện các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc không còn có thể đạt được mức lợi nhuận cao như trước.

Do đó, thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc hiện nay bị dao động giữa ủng hộ và hoài nghi, giữa ghi nhận và từ chối vai trò quan trọng mà Trung Quốc bắt đầu đảm đương trong các vấn đề quốc tế. Để thúc đẩy quan hệ Trung – Mỹ, cần lưu ý một số điểm quan trọng sau:

Thứ nhất, hai nước cần tiếp tục duy trì giao thiệp hiệu quả.

Hiện nay, Mỹ và Trung Quốc chưa thể thuyết phục nhau về quan điểm của mỗi bên nếu xảy ra mâu thuẫn. Do đó, hai bên cần tận dụng mọi cơ hội để giải thích về các chiến lược và chính sách của nhau một cách bình tĩnh và duy lý, đồng thời cần lắng nghe lẫn nhau. Hiện chương trình nghị sự của đối thoại Mỹ - Trung đã vượt ra khỏi các vấn đề quan hệ song phương và bao hàm cả các vấn đề khu vực và toàn cầu.

Thứ hai, hai bên cần nhạy cảm trong việc quản lý rủi ro nhằm tránh để các vấn đề leo thang ra ngoài tầm kiểm soát. 

Gần đây, việc Mỹ cho máy bay giám sát gần các công trình của Trung Quốc trên Biển Đông rõ ràng là để chờ Trung Quốc mất bình tĩnh. Các hành động như vậy chỉ khiến tình hình trở nền tồi tệ hơn. Trong khi Mỹ nghi ngại về ý đồ của Trung Quốc trên biển Đông, Trung Quốc cho rằng Mỹ đang muốn phá vỡ quá trình gác tranh chấp, giải quyết thông qua đối thoại giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

Thứ ba, Trung Quốc cần thích ứng nhanh hơn với vai trò là nước lớn, đồng thời học cách giải thích các ý đồ để các quốc gia khác hiểu và chấp nhận. 

Hiện nay Trung Quốc vẫn đang trong quá trình trở thành một cường quốc và học cách đóng vai trò dẫn dắt trong một số vẫn đề quốc tế. Một mặt, Trung Quốc cần học hỏi kinh nghiệm từ siêu cường như Mỹ. Mặt khác, trong bối cảnh các cơ quan tham mưu chính sách của Mỹ đang đánh giá lại chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, Trung Quốc cần chủ động nêu ra các quan điểm và lập trường để tránh việc tính toán sai lầm về ý đồ và chiến lược của mỗi bên.

Theo Beijing Review

Trần Quag (gt)