Trong một nỗ lực rõ ràng có ý làm hòa, cuối tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố sẽ thôi gọi loại virus gây dịch COVID-19 là “virus Trung Quốc”. Một ngày sau, trong cuộc điện đàm giữa ông và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, có tin là hai nhà lãnh đạo đã cam kết sẽ hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch. Sau cuộc trò chuyện được ông mô tả là “rất tốt đẹp”, Trump viết trên trang Twitter của mình: “Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với nhau. Tôi rất tôn trọng điều đó!”.

Những nhận xét tích cực của Trump che đậy nhiều bất đồng chưa được giải quyết. Sẽ là sai lầm nếu đưa ra kết luận rằng sức ép của đại dịch đã buộc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh va chạm với nhau.

Hãy xem xét những diễn biến khác. Theo Reuters, các quan chức cấp cao trong Chính quyền Trump đã nhất trí về các biện pháp mới nhằm hạn chế việc cung cấp vi mạch trên toàn cầu cho công ty Hoa Vi của Trung Quốc. Theo các biện pháp được đề xuất, các công ty nước ngoài sử dụng thiết bị chế tạo vi mạch của Mỹ sẽ phải được Mỹ cấp phép trước khi cung cấp vi mạch cho Hoa Vi, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Nếu được Tổng thống Trump ký duyệt, thì đây sẽ là một động thái khác gây khó khăn hơn nữa cho Hoa Vi, vốn đã phải chịu sức ép nặng nề từ phía Mỹ liên quan tới việc xuất khẩu công nghệ 5G của công ty này.

Hơn nữa, ngay cả nếu Trump ngừng sử dụng cụm từ “virus Trung Quốc” - vốn làm dấy lên sự chỉ trích ở Trung Quốc - thì vẫn không ai có thể đoán chắc rằng các quan chức chính quyền khác và các chính trị gia Mỹ sẽ ngừng cáo buộc Trung Quốc che giấu thông tin về COVID-19, cũng như tiến hành các chiến dịch phát tán thông tin sai lệch khác.

Mới đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thất bại trong nỗ lực thuyết phục những người đồng cấp thuộc nhóm G7 (Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Anh) đưa cụm từ “virus Vũ Hán” vào tuyên bố chung. Không chịu thua kém, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley của bang Missouri và Hạ nghị sĩ Cộng hòa Elise Stefanik bang New York đã đưa ra một nghị quyết lưỡng viện kêu gọi “điều tra quốc tế toàn diện”, yêu cầu Trung Quốc chịu trách nhiệm và trả tiền bồi thường vì đã gây ra đại dịch. Không cần phải có trí tuệ uyên thâm cũng có thể đi đến kết luận rằng Trung Quốc sẽ nổi trận lôi đình nếu Quốc hội Mỹ thông qua nghị quyết này.

Theo nhận định của Lữ Tường, chuyên gia về Mỹ thuộc Học viện khoa học xã hội Trung Quốc, một tổ chức tư vấn của chính phủ Trung Quốc: “Mỹ đang xoa dịu nhưng cũng đồng thời làm leo thang căng thẳng. Điều này không có lợi cho việc xây dựng lòng tin. Lợi ích của việc hợp tác vượt xa bất kỳ lợi ích nào của sự đối đầu”.

Phản ứng của Tập Cận Bình

Khi dịch bệnh lây lan và các thị trường Mỹ kiềm chế phản ứng trong năm bầu cử, Trump đã chỉ trích nặng nề “truyền thông tin giả” và Trung Quốc để đánh lạc hướng những chỉ trích nhằm vào cách thức ông xử lý cuộc khủng hoảng.

Trái với Tổng thống Trump, Chủ tịch Tập Cận Bình không phản ứng một cách hiếu chiến. Chia sẻ với tờ Straits Times, một nguồn tin nội bộ yêu cầu giấu tên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc cho biết: “Tập Cận Bình không muốn gây chiến với Mỹ, nhưng ông cũng không sợ hãi và sẽ không chịu đựng hành vi bắt nạt không có điểm dừng”.

Cái gọi là “thế kỷ ô nhục” khi Trung Quốc buộc phải quỳ gối và bị các cường quốc phương Tây và Nhật Bản chia cắt đã ăn sâu vào tâm lý quốc gia của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình đã cam kết sẽ làm cho Trung Quốc vĩ đại trở lại, và Trung Quốc ngày nay khao khát được công nhận và tôn trọng, nhưng lại thường cảm thấy bị hiểu lầm và đối xử tệ bạc.

Những nguồn tin nội bộ đã biết Tập Cận Bình trong nhiều năm cho rằng câu nói của người Trung Quốc rằng “người không phạm ta, ta không phạm người; người đã phạm ta, ta nhất định sẽ phản kháng” đã gói gọn thái độ và tư duy của Tập Cận Bình. Hiện giờ, dường như nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ bỏ qua những lời lẽ khiêu khích của Trump, mà thay vào đó muốn nhấn mạnh sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau.

Khả năng kiềm chế của Tập Cận Bình là có hạn, nhưng khi COVID-19 tiếp tục hoành hành trên toàn thế giới, tàn phá những nền kinh tế lớn nhỏ trên đường đi của nó, thì việc khẩu chiến với Trump có khả năng không nằm trong danh sách ưu tiên của ông. Tình trạng của nền kinh tế Trung Quốc quan trọng hơn. Mặc dù Trung Quốc dường như đã vượt qua đỉnh dịch, nhưng đại dịch đã làm suy yếu nền kinh tế nước này. Sự phục hồi của Trung Quốc phụ thuộc vào môi trường toàn cầu thuận lợi. Ở giai đoạn này, Trung Quốc không có lý do gì để khơi dậy sự thù địch với đối tác thương mại lớn nhất của mình. Như Tập Cận Bình đã nói với Donald Trump trong cuộc điện đàm giữa hai bên, “đấu đá sẽ chỉ khiến cả hai bên bị thương”.

Cuộc chiến trên Twitter và những thuyết âm mưu

Mặc dù vậy, vẫn còn không gian để những người khác thể hiện lập trường và nói lên những điều mà các nhà lãnh đạo cao nhất không nói ra. Ở Washington, Ngoại trưởng Pompeo là người lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc, cùng với các Thượng nghị sĩ Tom Cotton và Marco Rubio. Về phía Trung Quốc, Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu theo chủ nghĩa dân tộc, và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nổi tiếng là những người sẵn sàng giao chiến trên Twitter.

Gần đây, khi Mỹ thay thế Trung Quốc trở thành nước có số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới, Hồ Tích Tiến đã đăng trên trang Twitter của mình: “Mỹ không có cách hiệu quả nào để chống lại đại dịch và tất cả những gì họ có thể làm trong cơn hoảng loạn là tự cứu mình bằng cách lấy Trung Quốc ra làm vật tế thần”. Về phần mình, Triệu Lập Kiên gần đây đã gây xôn xao dư luận khi lan truyền một thuyết âm mưu cho rằng các binh sĩ Mỹ bị bệnh có thể đã mang virus tới Vũ Hán trong thời gian diễn ra Thế vận hội quân sự thế giới vào tháng 10/2019. Mặc dù Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải không cổ súy nhận định của Triệu Lập Kiên, nhưng sự khác biệt giữa hai người mang tính hình thức hơn là thực chất. Trả lời phỏng vấn của Axios, ông Thôi Thiên Khải nói: “Rốt cuộc, chúng ta phải đưa ra câu trả lời về nguồn gốc của virus. Nhưng đây là công việc của các nhà khoa học chứ không phải của các nhà ngoại giao”. Giống như Triệu Lập Kiên, Thôi Thiên Khải giữ vững quan điểm rằng virus có thể không bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng cách làm của ông tinh tế và khéo léo hơn.

Trump tự hào là bậc thầy về phản đòn - bất kỳ ai tấn công ông sẽ phải hứng chịu đòn đáp trả còn mạnh mẽ hơn từ phía ông. Theo cách nhìn này, Trung Quốc đang bận phản đòn khi lao vào cuộc chiến nhằm thay đổi câu chuyện trên các nền tảng truyền thông xã hội như Twitter vốn, trớ trêu thay, bị cấm ở Trung Quốc.

Nếu thuyết âm mưu là vũ đài dành cho tất cả mọi người, thì Triệu Lập Kiên không phải là người tung ra cú đánh đầu tiên. Người tấn công trước là Thượng nghị sĩ Cotton, người đã ủng hộ một thuyết âm mưu xuất hiện từ sớm, theo đó dịch bệnh bùng phát ở Vũ Hán là do một loại vũ khí sinh học nhân tạo bị rò rỉ từ một viện nghiên cứu virus ở Vũ Hán.

Nhằm vào truyền thông phương Tây

Quan hệ song phương Mỹ-Trung được cho là đang trong tình trạng xấu nhất kể từ cuộc đàn áp quân sự năm 1989 nhằm vào các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn. Trước khi trò chơi đổ lỗi về dịch COVID-19 bắt đầu, hai nước đã mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại và công nghệ gây tổn hại cho cả hai bên. Và mối quan hệ giữa họ có thể xấu đi hơn nữa khi Trung Quốc ngày càng trở nên thiếu kiên nhẫn với điều mà nước này coi là nỗ lực phối hợp ngăn chặn sự trỗi dậy của họ, hạ thấp thành tích và làm xấu đi hình ảnh của họ bất cứ khi nào có cơ hội.

Tâm lý này mới đây đã được thể hiện công khai khi Bắc Kinh thu hồi giấy phép báo chí của 13 phóng viên người Mỹ thuộc các tờ báo New York Times, Wall Street Journal và Washington Post đang hoạt động tại Trung Quốc. Quyết định này được đưa ra sau khi Mỹ giảm số lượng nhà báo thuộc các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc hoạt động tại Mỹ từ 160 xuống còn 100.

Đó là động thái gay gắt nhất nhằm vào truyền thông nước ngoài ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, nhưng tình hình đã có thể tồi tệ hơn. Trung Quốc đã không đả động gì tới hãng tin AP, Bloomberg, 4 mạng lưới truyền hình Mỹ, Đài phát thanh công cộng quốc gia Mỹ (NPR), Newsweek, tạp chí Forbes và một số tên tuổi khác. Trong một tuyên bố chung hiếm thấy, 3 tờ báo có phóng viên bị thu hồi giấy phép trên viết: “Giới truyền thông phải chịu thiệt hại ngoài dự kiến trong tranh chấp ngoại giao giữa hai chính phủ Trung Quốc và Mỹ, đe dọa tước đi của thế giới những thông tin quan trọng vào thời điểm nguy hiểm này”.

Chuyên gia Lữ Tường nhận định: “Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tương đối kiềm chế. Giờ đây, họ đã bớt kiềm chế hơn khi bị dồn ép vượt quá giới hạn của sự nhẫn nhịn”.

Theo cách nào đó, sự phản kháng của Trung Quốc là không có gì đáng ngạc nhiên nếu tính đến những tình tiết khác nhau làm gia tăng mối nghi ngờ ngày càng lớn về động cơ của Mỹ. Chẳng hạn, Bắc Kinh tin rằng Mỹ đã cố ý ném bom đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade năm 1999 trong các chiến dịch của NATO thời Chiến tranh Nam Tư. Washington khẳng định đó là một tai nạn. Nhiều người Trung Quốc và Trưởng đặc khu đầu tiên của Hong Kong Đổng Kiến Hoa coi Mỹ là “bàn tay đen” đằng sau các cuộc biểu tình bạo lực kéo dài nhiều tháng ở Hong Kong trong năm 2019. Washington phủ nhận điều này.

Trong khi mối quan hệ song phương đang xấu đi, một nguồn tin thứ hai trong Đảng Cộng sản Trung Quốc mang lại cái nhìn tích cực hơn đôi chút - nguồn tin này so sánh những căng thẳng hiện tại với việc hai bên dùng kim đâm lẫn nhau. Nguồn tin nhận định: “Làm vậy sẽ gây đau đớn, nhưng sẽ không để lại những vết sẹo xấu xí. Sẽ đáng ngại hơn nếu hai bên viện tới dao và súng do tính toán sai hay hiểu lầm”.

Câu chuyện cảnh tỉnh

Các nhà phân tích đã lưu ý rằng nếu Trung Quốc thực sự làm xấu đi quan hệ với Mỹ, thì nước này sẽ không để cho tỷ phú Trung Quốc Jack Ma, người đồng sáng lập gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, gửi 500.000 bộ xét nghiệm và 1 triệu khẩu trang cho “những người bạn Mỹ” như một cử chỉ thiện chí.

Không thể trốn tránh sự thật rằng cuộc tranh giành ưu thế giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không chấm dứt trong một sớm một chiều, và nhiều khả năng sẽ còn leo thang trong tương lai. Tuy vậy, hai nước phải đối mặt với những thách thức chung như biến đổi khí hậu và dịch bệnh, vốn là những mối đe dọa lớn hơn so với những trận chiến tranh giành tầm ảnh hưởng địa chính trị. Nếu để cho sự ganh đua làm mờ mắt trước những mối đe dọa rõ ràng lúc này, thì hai bên rốt cuộc sẽ tự hủy hoại chính mình.

Nói cách khác, câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng của Trung Quốc “trai cò đánh nhau, ngư ông được lợi” sẽ là bài học quý giá đối với cả hai đối thủ. Bị mắc kẹt trong một cuộc giằng co quyết liệt - mỏ cò bị trai kẹp chặt, không bên nào chịu nhả ra trước – cả hai con rốt cuộc đều bị ngư ông bắt về làm bữa tối.

Benjamin Kang Lim là Giám đốc văn phòng tại Bắc Kinh và Đài Loan của Reuters, nhà báo của The Straits Times. Bài viết được đăng trên tạp chí The Straits Times

Minh Anh (gt)