Theo tờ “Sankei” (Nhật Bản), vốn là quốc gia phụ thuộc phần lớn vào vũ khí của Mỹ, Inđônêxia thời gian qua đã tiến hành mua của Trung Quốc tên lửa đất đối không QW1 và tên lửa dẫn đường đối hạm C802A tầm bắn 180km. Inđônêxia cũng đang xem xét kế hoạch sản xuất chung với Trung Quốc loại pháo cỡ 122mm ngay tại nước này. 

Trong giai đoạn 1999-2005, Mỹ đã ngừng xuất khẩu vũ khí sang Inđônêxia với cáo buộc quân đội nước này vi phạm nhân quyền trong cuộc xung đột tại Timo Lexte. Do vậy, trong thời gian này, Inđônêxia đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí từ Trung Quốc và Nga. Trong khi đó, Malaixia cũng đã mua của Trung Quốc loại tên lửa đất đối không FN6. Cũng có nguồn tin cho biết Malaixia có được loại tên lửa dẫn đường chống tăng HJ8 và hệ thống tên lửa phòng không QW-1/Anza Mk II của Trung Quốc thông qua nước trung gian là Pakixtan.

So với vũ khí của Mỹ và châu Âu, vũ khí của Trung Quốc có lợi thế là giá thành rẻ hơn hẳn, ví dụ loại tên lửa C802A do Iran sản xuất, với sự giúp đỡ của Trung Quốc, chỉ có giá thành bằng một nửa so với tên lửa chống hạm Exocet của Pháp. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng sẵn sàng cho các nước mua vũ khí vay nợ một cách linh động nên đã đáp ứng được yêu cầu của các nước có nguồn ngân sách quốc phòng hạn hẹp. Ngoài ra, Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN đi vào hoạt động từ tháng 1/2010 cũng đã thúc đẩy việc xuất khẩu vũ khí từ Trung Quốc sang ASEAN. 

Tuy nhiên, điều hấp dẫn các nước ASEAN nhất là Trung Quốc sẵn sàng chuyển giao công nghệ kỹ thuật trong bối cảnh ngành công nghiệp quốc phòng tại Đông Nam Á khá lạc hậu. Trung Quốc đã chuyển giao công nghệ hệ thống tên lửa bắn loạt WS-1B, trong khi cũng sẽ chuyển giao công nghệ tên lửa tầm ngắn C802A cho Inđônêxia trong quá trình cùng hợp tác sản xuất. Bằng các hợp đồng này, Trung Quốc muốn các nước ASEAN phụ thuộc vào họ về công nghệ vũ khí để gia tăng ảnh hưởng trước sự can thiệp ngày càng mạnh từ Mỹ.

Vốn đứng đầu thị trường vũ khí tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương với 39% thị phần, lại nhân cơ hội căng thẳng giữa Trung Quốc và ASEAN xung quanh vấn đề Biển Đông, Mỹ vừa muốn tăng cường can thiệp vào khu vực, vừa muốn thúc đẩy các hợp đồng mua bán vũ khí. Mỹ đã viện trợ cho Inđônêxia 35,7 triệu USD để nước này mua lại số máy bay chiến đấu và máy bay vận tải trị giá hàng trăm triệu USD của Mỹ. Mỹ cũng sẽ hỗ trợ Philíppin trong hợp đồng bán 6 máy bay lên thẳng và trang bị hệ thống rađa cho một số căn cứ quân sự của nước này. Mỹ cũng sẽ sử dụng cơ hội tập trận chung với các nước ASEAN để chứng minh sức mạnh vũ khí Mỹ, nhằm tăng cường sự tin cậy của các nước này. Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa thì nguồn cung vũ khí từ Trung Quốc cũng đang đe dọa và gây trở ngại lớn cho thị phần của Mỹ tại khu vực.

Theo Sankei

Nguyễn Tuấn (gt)