Trong Cuộc triển lãm Hàng không được tổ chức 2 năm một lần tại thành phố Chu Hải, Trung Quốc mới đây, du khách có thể nhìn thấy phi đội máy bay không người lái do các công ty Trung Quốc chế tạo, trong đó nhiều máy bay có hình dáng, kính bay và khả năng theo dõi cũng như tên lửa... giống máy bay không người lái của Mỹ. 

Rõ ràng Trung Quốc có ý định sử dụng ưu thế của máy bay không người lái (UAV) để đạt được các lợi ích quốc gia, kể cả các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku và Biển Đông. Do đó, Mỹ và thế giới phải quan tâm đến sự phát triển này, bởi vì nó có thể dẫn đến một cuộc chạy đua máy bay không người lái giữa hai nhà sản xuất hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc. Ở thời điểm nhiều quân đội và chính phủ trên thế giới đang nỗ lực đạt được sức mạnh của máy bay không người lái, chẳng có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc triển khai các chương trình máy bay không người lái để cạnh tranh với Mỹ ngay khi Nhà Trắng đang triển khai mạnh mẽ chính sách "Trở lại châu Á" nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự, chính trị và kinh tế ở châu Á.

Trung Quốc đang phát triển, nhưng Mỹ không nên coi chương trình máy bay không người lái của Trung Quốc là một nguyên nhân dẫn đến hoảng sợ. Nếu Mỹ áp dụng các biện pháp chống lại máy bay không người lái của các nước cạnh tranh như Trung Quốc, sự phát triển của các chương trình máy bay không người lái cạnh tranh có thể giảm bớt rủi ro và cho phép Mỹ thực hiện chính sách "Trở lại châu Á" gặp ít trở ngại. Máy bay không người lái là công cụ chiến lược trong tương lai, đặc biệt trong các cuộc cạnh tranh chính trị giữa các cường quốc về các vấn đề toàn cầu.

Gần đây, Hội đồng Khoa học Quốc phòng của Bộ Quốc phòng (DSB) Mỹ công bố một báo cáo về tương lai của máy bay không người lái, trong đó khẳng định UAV là một công cụ tiềm tàng của các cường quốc như Mỹ và Trung Quốc. Báo cáo nhấn mạnh các máy bay không người lái đang nhanh chóng trở thành "đỉnh cao" trong các vấn đề toàn cầu, bởi vì lực lượng vũ trang Mỹ và các nước đang tích cực sử dụng các hệ thống máy bay không người lái để chống lại kẻ thù. Các hệ thống này có nhiều ưu thế về khả năng tồn tại, sức chịu đựng, chi phí thấp... Các hệ thống máy bay không người lái đã trở thành một bộ phận của các chiến dịch quân sự và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong bộ máy quân sự hiện đại. Giá trị của máy bay không người lái ở chỗ: chúng có thể thu thập thông tin tình báo và có khả năng tăng cường sức mạnh bên ngoài những giới hạn trên chiến trường. Máy bay không người lái cũng có thể thực hiện nhiệm vụ cô lập kẻ thù. Nhưng máy bay không người lái có nhược điểm: hỏa lực không chính xác và gây nhiều hậu quả ngoài ý muốn.

Hiện nay Mỹ vẫn là thị trường hàng đầu về máy bay không người lái, nhưng các cường quốc khác như Trung Quốc, Nga, châu Âu và Trung Đông cũng đang nỗ lực phát triển các khả năng máy bay không người lái của họ. Không giống các cường quốc khác, Trung Quốc là nước phát triển chương trình máy bay không người lái mạnh nhất so với chương trình của Mỹ. Báo cáo của DSB cho biết những năm gần đây Trung Quốc đang đẩy mạnh nghiên cứu và chế tạo các hệ thống UAV nhanh hơn bất cứ quốc gia nào khác. 

Cũng như Mỹ, Trung Quốc đặt tên cho phi đội UAV mới là “Con Rồng”. Các hệ thống máy bay không người lái mới hơn của Trung Quốc, trong đó có CH-4, Wing Loong và Xianglong, dường như là các bản sao của các máy bay không người lái của Mỹ như: Reaper, Predator và Global Hawk. Chương trình máy bay không người lái có ảnh hưởng sâu sắc đến ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Báo cáo của DSP cho biết Trung Quốc trưng bày mô hình máy bay không người lái đầu tiên tại cuộc triển lãm hàng không Chu Hải cách đây 5 năm và hiện nay mỗi nhà sản xuất của quân đội Trung Quốc có một trung tâm chuyên nghiên cứu và sản xuất máy bay không người lái. Điểm nổi bật nhất của chương trình máy bay không người lái của Trung Quốc là chi phí sản xuất các máy bay không người lái rẻ hơn rất nhiều so với các máy bay không người lái của Mỹ và Ixraen. Ví dụ máy bay không người lái Wing Loong (hình dáng giống như máy bay Reaper của Mỹ) chỉ bán với giá 1 triệu USD, trong khi giá của máy bay Reaper của Mỹ là 30 triệu USD.

Đối với Trung Quốc, chương trình máy bay không người lái mới là một công cụ giá trị để nâng cao sức mạnh và vị thế của Trung Quốc ở châu Á, đặc biệt khi Trung Quốc đang can dự các tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Quan trọng hơn, Trung Quốc cảm thấy cần giải quyết mối đe dọa do cái gọi là chính sách “Trở lại châu Á” của Mỹ tạo nên. Các máy bay không người lái có thể là công cụ lý tưởng trong việc theo dõi các hoạt động quân sự của Mỹ và các nước đồng minh châu Á của Mỹ trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng hoặc tranh cãi quốc tế và hoạt động như một vũ khí để ngăn chặn hành động quyết đoán của các nước ở Biển Đông và quần đảo Senkaku. Đồng thời, máy bay không người lái rẻ hơn của Trung Quốc cũng là mặt hàng xuất khẩu nóng của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. Hiện nay rất nhiều nước châu Phi và châu Á đã đặt hàng mua máy bay không người lái của Trung Quốc. Tác động địa chiến lược trước sự ra đời của các hệ thống máy bay không người lái "con Rồng" mới của Trng Quốc đang gây nên nỗi lo sợ của một cuộc chạy đua máy bay không người lái giữa Mỹ và Trung Quốc. 

Mỹ rất lo ngại trước tốc độ của chương trình máy bay không người lái của Trung Quốc và việc Bắc Kinh ngày càng dành nhiều nguồn lực cho chương trình này. Theo báo cáo của DSB, mối quan tâm chủ yếu hiện nay của Mỹ là: Trung Quốc thúc đẩy các hệ thống máy bay không người lái ở mức báo động. Trung Quốc có nhiều công nghệ, các nguồn và rõ ràng đang tận dụng tất cả các thông tin sẵn có trong việc phát triển các hệ thống máy bay không người lái của phương Tây. Trung Quốc có thể dễ dàng đuổi kịp hoặc vượt chi tiêu của Mỹ cho các hệ thống máy bay không người lái, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách công nghệ và trở thành một đối thủ cạnh tranh toàn cầu đáng gờm về các hệ thống máy bay không người lái. Về cơ bản, Oasinhtơn sợ rằng Mỹ không có khả năng theo kịp một Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ để cạnh tranh với chương trình máy bay không người lái của Mỹ về số lượng và chất lượng kỹ thuật, và là một sản phẩm xuất khẩu cho các khách hàng trong thế giới đang phát triển. Trên cấp độ chiến lược, máy bay không người lái của Trung Quốc có thể là công cụ giá trị giúp Trung Quốc giành lợi thế trong các tranh chấp tương lai ở châu Á khi Mỹ đang nỗ lực thiết lập an ninh khu vực như một phần của chính sách "Trở lại châu Á”.

Nhưng một số sự kiện có thể giúp Mỹ bớt lo ngại, vì các máy bay không người lái của Trung Quốc còn lâu mới trở thành một thách thức thực sự đối với chương trình máy bay không người lái của Mỹ. Trước hết, các máy bay không người lái của Trung Quốc không hiện đại như các máy bay không người lái Mỹ về tầm bay, các hệ thống quang học và động cơ. Các hệ thống kỹ thuật của Mỹ hiện nay gần như vô địch. Thứ hai, Trung Quốc thiếu nhân lực để đáp ứng nhu cầu của phi đội máy bay không người lái mới. Trong khi đó, Mỹ đã đào tạo và rèn luyện một số lượng lớn phi công, nhân viên kỹ thuật và các nhà quản lý hoạt động của UAV được 15 năm. Cuối cùng, chương trình máy bay không người lái của Mỹ đi trước chương trình của Trung Quốc 20 năm. Các mô hình máy bay không người lái hiện nay trong cuộc triển lãm của Trung Quốc được đánh giá là nguyên mẫu chứ không phải sản phẩm hoàn chỉnh. Người Trung Quốc cũng không có cơ hội để có kinh nghiệm thực tế sử dụng các máy bay không người lái.

Do đó, Mỹ không nên quá lo ngại trước các thực tiễn đó và cũng không nên quá coi trọng chương trình máy bay không người lái của Trung Quốc. Mỹ cần áp dụng các biện pháp chống lại những rủi ro trong tương lai từ các máy bay không người lái của Trung Quốc, nhưng không cần báo động hoặc lo lắng. Rõ ràng, Mỹ cần nỗ lực để bảo đảm sức mạnh cạnh tranh của các máy bay không người lái so với “các máy bay con Rồng” của Trung Quốc nhằm thực hiện chính sách trở lại châu Á và theo đuổi quyền lợi của Mỹ trong sự cân bằng sức mạnh trong khu vực.

Theo PolicyMic

Trần Quang (gt)