Vịnh Yalong thuộc đảo Hải Nam, nơi đăng cai nhiều cuộc thi Hoa hậu Thế giới gần đây, có một cuộc sống hai mặt. Các khách sạn sang trọng nổi tiếng thế giới nhan nhản tại đây trên thực tế chỉ chiếm một nửa diện tích bãi biển, phần còn lại là một căn cứ hải quân mới nhất và hiện đại nhất của Trung Quốc.

Đảo Hải Nam chính là một trong những biểu tượng nổi bật nhất cho tham vọng cường quốc của Trung Quốc. Tọa lạc ở vị trí lí tưởng có thể tiếp cận nhanh chóng các tuyến hàng hải nhộn nhịp ở Biển Đông, căn cứ Hải Nam là một trong những nền tảng chính của hình thức phô diễn sức mạnh quốc gia kiểu cũ: đó là nơi hải quân có thể hoạt động bên ngoài vùng biển duyên hải của một quốc gia. Trong vài thập kỉ qua, kiểu chính trị sức mạnh như vậy đã trở nên lạc lõng bởi thế giới phẳng do toàn cầu hóa. Tuy nhiên, vịnh Yalong đã chứng tỏ một thực tế khác. Đây là một trong những bệ phóng của cái sẽ là tâm điểm tranh chấp địa chính trị của thế kỉ 21: thời đại cạnh tranh quân sự mới ở Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Mỹ. 

Vùng biển châu Á đang trở thành huyết mạch của nền kinh tế toàn cầu, song hiện tồn tại hai quan điểm rất khác biệt về tương lai của châu Á. Sau thất bại của Nhật Bản năm 1945, và đặc biệt từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, Hải quân Mỹ coi Thái Bình Dương gần như một vùng hồ riêng. Họ sử dụng sức mạnh để áp đặt một hệ thống quốc tế theo quan điểm riêng, một trật tự dựa trên luật pháp về tự do thương mại, tự do hàng hải, và, khi có thể, là cả các chính phủ dân chủ. Quan điểm đó đã được củng cố khi Mỹ và Trung Quốc nối lại quan hệ vào năm 1972. Bốn thập kỉ sau khi Richard Nixon gặp Mao Trạch Đông đã trở thành giai đoạn ổn định và thịnh vượng nhất trong lịch sử hiện đại của châu Á. Theo thỏa thuận này, Mỹ đón nhận Trung Quốc trở lại với cộng đồng quốc tế và Trung Quốc hoàn toàn chấp thuận sự thống trị quân sự của Mỹ ở châu Á. 

Sự thừa nhận bất thành văn này giữa Bắc Kinh và Washington về vai trò của Mỹ ở châu Á hiện đang lung lay. Giờ đây Trung Quốc mong muốn phân bổ lại động lực chính trị và quân sự trong khu vực để phản ánh tính trung tâm truyền thông của mình. 

Kết hợp giữa niềm tin và bất ổn 

Các cường quốc luôn được thúc đẩy bởi sự kết hợp giữa niềm tin và bất ổn. Trung Quốc mong muốn trở lại vị trí lãnh đạo mà họ thường có trong lịch sử châu Á. Cũng đang có quan ngại về an ninh thương mại hàng hải, đặc biệt tại khu vực mà họ gọi là “biển gần”, đó là các vùng biển duyên hải gồm Hoàng Hải, Hoa Đông và Hoa Nam. Căn cứ hải quân vịnh Yalong ở Hải Nam là một phần trong chiến lược mà Trung Quốc đang bắt đầu để củng cố kiểm soát các vùng biển gần, đẩy Hải quân Mỹ ra xa hơn ở Tây Thái Bình Dương. Trong tiến trình này, Bắc Kinh đang tạo ra một thách thức sâu rộng tới trật tự do Mỹ đứng đầu vốn đang là xương sống cho phép màu kinh tế châu Á. 

Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã thực hiện quá trình xây dựng quân đội nhanh chóng, và hải quân là một trọng tâm. Đáng nói hơn, Trung Quốc đã và đang đầu tư cho hải quân theo cách rất đặc biệt. Các nhà chiến lược Mỹ đôi lúc nói về một chiến lược “chống hải quân” kiểu Trung Quốc, gồm một loạt tàu chiến, tàu ngầm tĩnh và tên lửa chính xác, một số đặt trên bộ, một số trên biển, được dùng để chống hải quân xa nhất có thể từ đất liền. Tác động từ kế hoạch đầu tư này là Trung Quốc tìm cách ngăn chặn Hải quân Mỹ hoạt động ở khu vực rộng lớn trên Tây Thái Bình Dương. Theo Dennis Blair, cựu tư lệnh Thái Bình Dương và là người đứng đầu ngành tình báo Mỹ trong giai đoạn đầu của Chính quyền Obama, “90% thời gian họ dành để suy nghĩ những cách mới và thú vị để đánh chìm tàu chiến và bắn hạ máy bay của chúng ta.” 

Hải quân mới của Trung Quốc vừa là sự biểu hiện sức mạnh vừa là một phương tiện cho mục đích ngoại giao. Bằng việc làm yếu đi sự hiện diện hải quân của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương, Trung Quốc hi vọng dần dần làm xói mòn quan hệ đồng minh của Mỹ với các nước châu Á khác, nổi bật là Hàn Quốc, Philippines và thậm chí là cả Nhật Bản. Một khi ảnh hưởng của Mỹ suy giảm, Trung Quốc sẽ lặng lẽ chiếm lấy vị trí lãnh đạo ở châu Á, gây ảnh hưởng lớn đến quy tắc và hoạt động kinh tế toàn cầu. Thông qua hải quân, Trung Quốc hi vọng sẽ tái định hình sự cân bằng quyền lực ở châu Á. Sự cạnh tranh hải quân ở Tây Thái Bình Dương sẽ định hình phần lớn chính trị toàn cầu trong các thập kỉ tới. 

Trong khi các áp lực này được xây dựng lặng lẽ trong vài năm qua, thì chúng đã được công khai trong vài tháng gần đây, đặc biệt với tình trạng bế tắc căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến quần đảo tranh chấp ở Biển Hoa Đông, mà phía Nhật gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Gần như mỗi ngày, máy bay Trung Quốc đều bay gần quần đảo trên, khiến Nhật Bản phải đưa máy bay đáp trả, còn tàu Trung Quốc cũng tuần tra gần quần đảo đó, nơi Nhật Bản đang quản lí về mặt hành chính. Hai nền kinh tế lớn thứ hai và thứ ba thế giới chơi “trò con gà” về quân sự (phần chú thích cuối bài), trong khi nền kinh tế lớn nhất là Mỹ lại có hiệp ước cam kết bảo vệ Nhật Bản. 

Việc Trung Quốc gia tăng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này là một phần trong nỗ lực thúc đẩy kiểm soát vùng biển lân cận, đây cũng là một phần trung tâm trong sự cạnh tranh ảnh hưởng ngày càng tăng với Mỹ. Việc Trung Quốc hướng ra biển bắt nguồn từ lịch sử và địa lí hơn là từ hệ thống chính trị hiện hành. Chính biển là nơi từ đó Trung Quốc đã bị làm nhục trong suốt “thế kỉ nhục nhã” dưới bàn tay của phương Tây. 

Nạn nhân của ngoại giao chiến hạm thế kỉ 19 

Trung Quốc là một trong những nạn nhân nổi tiếng nhất của chiến lược ngoại giao chiến hạm thế kỉ 19, khi Anh, Pháp và các cường quốc thực dân khác sử dụng ưu thế hải quân vượt trội để kiểm soát Thượng Hải và hàng chục cảng biển khác của Trung Quốc. Khuynh hướng kiểm soát các vùng biển lân cận một phần bắt nguồn từ khát vọng phổ biến lâu nay là không bao giờ để Trung Quốc lại kém cỏi như vậy.

Yang Yong, một sử gia Trung Quốc nói: “Từ bỏ đại dương là một sai lầm lịch sử mà chúng ta đã phạm phải. Và hiện tại, thậm chí là cả tương lai, chúng ta sẽ vẫn trả giá cho sai lầm này”.

Sự bao vây này thậm chí còn tồi tệ hơn nếu nhìn trên bản đồ. Trung Quốc đang đề cập đến “chuỗi đảo thứ nhất”, một vành đai dọc Tây Thái Bình Dương từ Nhật Bản ở Đông Bắc, qua Đài Loan, đến Philippines ở phía Nam, tất cả đều là đồng minh hoặc bạn bè của Mỹ. Đây vừa là hàng rào địa lí, trong đó tạo ra một loạt các kênh để một đối thủ vượt trội có thể phong tỏa đánh úp hải quân Trung Quốc, và là một hàng rào chính trị mà các nước gần gũi với Washington kiểm soát. Các nhà chiến lược Trung Quốc đang đề cập đến việc “đột phá vòng vây”: phát triển năng lực hải quân cho phép hoạt động bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất. 

Khi Trung Quốc hướng ra biển, họ sẽ nhanh chóng nhìn thấy Mỹ. Trong những thập kỉ mà Trung Quốc chẳng khác nào một lực lượng tuần duyên, họ phần lớn không nhận thức được Hải quân Mỹ đang tuần tra vùng biển gần bờ của họ. Song giờ đây khi năng lực đã tiến xa, họ chứng kiến gần như mỗi ngày rằng hải quân Mỹ là vượt trội và hoạt động chỉ cách nhiều thành phố lớn của họ có vài dặm. Chu Shulong, một học giả Đại học Thanh Hoa nhiều năm tại ngũ trong quân đội Trung Quốc, nói: “Với họ, đây là sự sỉ nhục lớn phải chịu đựng mỗi ngày. Thật sỉ nhục khi một quốc gia lại có thể hoạt động rất gần bờ biển của Trung Quốc, rất gần căn cứ ở Hải Nam. Đó là lí do mà hải quân muốn làm gì đó để thách thức Mỹ”. 

Những lo lắng về lịch sử và địa lí đang kết hợp với các quan ngại về an ninh kinh tế. Một trong những bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực hướng tới biển xa của Trung Quốc đã diễn ra khi họ lần đầu tiên phải nhập khẩu dầu mỏ vào năm 1993. Đến năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nước tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới, với ½ lượng dầu mỏ là nhập khẩu. Các cường quốc mới thường băn khoăn chuyện các đối thủ có thể hủy hoại kinh tế mình bằng cách phong tỏa. Cứ mỗi 10 thùng dầu mà Trung Quốc nhập khẩu thì hơn 8 thùng vận chuyển bằng tàu qua eo biển Malacca, eo biển hẹp giữa Indonesia, Malaysia và Singapore, mà tàu Mỹ đang tuần tra. 

Người dân thành Venice thế kỉ 15 từng cảnh báo: “Bất kì ai làm lãnh chúa Malacca đều đang đặt tay lên cổ họng Venice”. Hồ Cẩm Đào từng lặp lại tâm lí đó khi cảnh báo trong diễn văn năm 2003 rằng “một số cường quốc” đang có khuynh hướng kiểm soát tuyến hàng hải trọng yếu này. Đến nay, an ninh hàng hải của Trung Quốc phần lớn do Hải quân Mỹ bảo đảm. Tuy nhiên, giống như nhiều cường quốc trước mình, Trung Quốc bị buộc phải đối mặt với một tình thế tiến thoái lưỡng nan về địa chính trị: Liệu có thể dựa vào đối thủ để bảo vệ tuyến đường huyết mạch kinh tế nước nhà hay không? 

Năm 2005, Nhà nghiên cứu Mỹ Mỹ Robert Kaplan đã viết một bài báo cho tờ The Atlantic có tiêu đề “Chúng ta sẽ tranh đấu với Trung Quốc thế nào”. Theo đó, Kaplan đã nêu một vấn đề quan trọng. Trung Quốc không có kế hoạch đế quốc lớn xâm chiếm các nước láng giềng, giống như Liên Xô. Song, tại bất kì quốc gia nào có một quân đội phát triển nhanh - một quân đội đang phô trương sức mạnh và liên quan đến một loạt tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết - luôn có nguy cơ giới lãnh đạo chính trị có thể bị thúc đẩy bởi một giải pháp quân sự nào đó, bởi sự hấp dẫn của một thắng lợi chớp nhoáng để sắp đặt lại cán cân khu vực. 

Nếu Trung Quốc và các nước láng giềng đều tin rằng Mỹ có một kế hoạch đáng tín cậy chuẩn bị cho xung đột, điều này sẽ vừa răn đe bất kì quyết định phiêu lưu nào của Trung Quốc vừa giảm thiểu nguy cơ châu Á sẽ bắt đầu cuộc chạy đua vũ trang riêng với Bắc Kinh. 

Nước Mỹ đã không mất một tàu sân bay nào kể từ khi Nhật Bản đánh chìm tàu Hornet vào năm 1942. Với ý nghĩa cả về thực tế và biểu tượng, tàu sân bay là trung tâm phô diễn sức mạnh của Mỹ trong 6 thập kỉ qua, giai đoạn họ thống trị Thái Bình Dương. Song giờ đây cũng chính các tàu này lại đang nằm trong nguy cơ tiềm tàng từ hàng loạt tên lửa mới của Trung Quốc. Việc mất một tàu sân bay sẽ là đòn tâm lí lớn đối với uy tín của người Mỹ, một vụ 11/9 trên biển. Viễn cảnh này có thể khiến tàu sân bay chỉ được sử dụng hạn chế. Thậm chí ngay cả khi các chỉ huy Hải quân Mỹ nghĩ rằng tàu sân bay vẫn có thể “sống sót” sau xung đột, họ sẽ miễn cưỡng chấp nhận nguy cơ này. Hệ quả là Mỹ cần một Kế hoạch B. 

Trong nội bộ Lầu Năm Góc, một kế hoạch mới đang được hình thành. Không thực sự được xem là một kế hoạch, thay vào đó giới chức Lầu Năm Góc gọi đó là một “khái niệm” mới trong chiến tranh. Tuy nhiên, nó vẫn có tên gọi, Hải-Không Tác chiến, lặp lại học thuyết chiến tranh có từ giai đoạn cuối Chiến tranh Lạnh mang tên Lục-Không Tác chiến, khi lực lượng lớn quân đội Liên Xô dường như có năng lực vượt trội so với Tây Âu. 

Khái niệm Hải-Không Tác chiến 

Đến nay, nhiều chi tiết về Hải-Không tác chiến vẫn còn mơ hồ. Tuy nhiên, một vài dấu hiệu được công khai đến nay cho thấy một cách tiếp cận mà nếu đẩy mạnh lên thì có thể coi là một tuyên ngôn về cuộc chiến tranh lạnh mới. 

Một quan chức Lầu Năm Góc cấp cao từng khẳng định: “Đây không phải kế hoạch tác chiến chống Trung Quốc”. Tuy nhiên, khi Lầu Năm Góc bắt đầu mô tả các mối đe dọa mà họ đối mặt, như tên lửa tấn công tầm xa và chính xác có thể hạn chế hoạt động của tàu chiến; tàu ngầm hiện đại; và thành thạo về chiến tranh mạng, có thể thấy rõ Hải-Không Tác chiến phần lớn nhằm vào Trung Quốc. Mối đe dọa giả thuyết mà các nhà hoạch định Lầu Năm Góc đưa ra mô tả xác đáng về chiến lược chính xác mà Trung Quốc đang phát triển để hạn chế Mỹ tiếp cận Tây Thái Bình Dương. 

Đầu năm 2012, Lầu Năm Góc đã công bố một tài liệu có tên “Khái niệm tiếp cận hoạt động hỗn hợp” (hay còn gọi là JOAC). Theo tài liệu này, trong trường hợp xảy ra xung đột, Mỹ nên “tấn công năng lực mạng và không gian của kẻ thù”. Cùng lúc đó, Mỹ cũng nên tấn công lực lượng chống tiếp cận của kẻ thù “về chiều sâu”. Sự ám chỉ rõ ràng của lời khuyên này là nếu chiến tranh nổ ra, Mỹ nên lên kế hoạch rải bom mở rộng trên khắp Trung Quốc Đại lục. Các căn cứ tên lửa “chống hải quân” và thiết bị theo dõi của Trung Quốc hiện được đặt ở các cơ sở rải rác khắp cả nước. 

Có nhiều lí do giải thích tại sao đây là lối tư duy nguy hiểm về một cuộc xung đột với Trung Quốc. Ngay từ đầu đó là một cách thức leo thang chiến tranh. Với việc dính líu tới hai cường quốc hạt nhân, nên có những động lực lớn để chừa chỗ cho các nhà ngoại giao tìm kiếm một lối thoát giải quyết tình hình. Tuy nhiên, trong khi kêu gọi lực lượng Mỹ triệt tiêu các khẩu đội tên lửa của Trung Quốc ngay từ giai đoạn đầu, ý tưởng của Lầu Năm Góc có thể gây leo thang nhanh chóng bất kì xung đột nào. Người Trung Quốc hoàn toàn có thể kết luận rằng Mỹ cũng nhắm mục tiêu vào vũ khí hạt nhân của họ. 

Áp dụng ý tưởng Hải-Không Tác chiến chống Trung Quốc là kế hoạch tác chiến “được ăn cả ngã về không”. Nếu các chỉ huy nhanh chóng ra lệnh rải bom khắp Trung Quốc, sẽ có rất ít cơ hội cho các nhà ngoại giao. Không có sự đầu hàng hoàn toàn từ người Trung Quốc, sẽ rất khó để biết một cuộc chiến tranh như vậy kết thúc như thế nào. 

Hải-Không Tác chiến cũng sẽ rất đắt đỏ. Nó đòi hỏi Lầu Năm Góc phải tăng tốc nhiều dự án vũ khí, như thế hệ máy bay ném bom tàng hình mới, ở thời điểm mà ngân sách đang phải chịu áp lực. Không chỉ bởi những chỉ trích thường lệ về tổ hợp công nghệ quân sự, vốn lo ngại đây là một phần chương trình bí mật của Hải-Không Tác chiến. Đến cuối Chiến tranh Lạnh, cuộc chạy đua vũ trang rốt cuộc đã làm phá sản Liên Xô trước khi những áp lực chi tiêu quốc phòng bắt đầu tác động nghiêm trọng đến Mỹ. Tuy nhiên, nếu một cuộc chạy đua vũ trang sâu sắc nảy sinh giữa Trung Quốc và Mỹ, không chắc Washington có khởi điểm tài chính vững chắc hơn hay không. 

Và còn cả các đồng minh. Các chính phủ châu Á tin tưởng mạnh mẽ rằng quân đội Mỹ có thể đẩy lùi sự gây hấn của Trung Quốc và háo hức trông cậy vào sự giúp đỡ của Mỹ. Tuy nhiên, một số đồng minh có thể ngần ngại trước viễn cảnh của kế hoạch tấn công sâu vào Trung Quốc Đại lục, đặc biệt nếu như chiến dịch rải bom xuất phát từ lãnh thổ của họ. Thay vì tạo ra sự đảm bảo, kế hoạch tác chiến mới của Washington có thể dễ dàng gây lo ngại cho một số bạn bè và đồng minh. 

Tất cả những bất lợi này còn tạo ra một vấn đề cuối cùng với Hải-Không Tác chiến: liệu cách tiếp cận mang tính chính trị như vậy có khả thi? Dựa trên các rủi ro, đặc biệt là khả năng leo thang hạt nhân, không chắc một Tổng thống Mỹ sẽ phê chuẩn một kế hoạch chiến tranh. Sự răn đe thành công nằm ở khả năng chứng minh một mối đe dọa quân sự là thực tế và đáng tin cậy. Các nhà hoạch định Lầu Năm Góc hy vọng quân đội Trung Quốc sẽ bị dọa nạt bởi ý tưởng thuần túy về một chiến lược quân sự Mỹ dựa trên Hải-Không tác chiến. Song đồng thời người Trung Quốc có thể coi đây là một trò bịp lớn. 
Ít nhất Hải-Không Tác chiến đang thể hiện ý định của mình. Nó gây ra tranh luận lớn tại Mỹ về việc làm thế nào để đối phó với thách thức Trung Quốc. Với ưu thế giờ đây bị đe dọa, Washington phải đối mặt với một lựa chọn: họ có thể tìm cách duy trì sự ưu việt của mình bằng mọi giá hoặc có thể chuyển sang cách tiếp cận mang tính phòng vệ hơn, hướng đến việc ngăn chặn một thế lực khác kiểm soát khu vực. Răn đe không phải lúc nào cũng có nghĩa là vượt trội. 

Tận dụng địa lí của khu vực 

Mỹ cũng có thể sử dụng một vài lôgích của chính Trung Quốc để chống Trung Quốc. Cùng với các đồng minh, Washington có phát triển các thỏa thuận phòng vệ tận dụng địa lí của khu vực và khiến Trung Quốc gần như không thể chiếm được các khu vực tranh chấp, và duy trì hiện trạng của các đảo này. Bằng việc làm rõ những cái giá lớn phải trả cho mọi nỗ lực chiếm đoạt các đảo tranh chấp, nó có thể đảm bảo rằng Trung Quốc không thể thay đổi hiện trạng của khu vực. Một mục tiêu như vậy sẽ vừa ít tốn kém vừa tránh bớt sự đối đầu, hơn là kế hoạch không kích Trung Quốc Đại lục. 

Các sử gia hải quân Mỹ Toshi Yoshihara và James Holmes cho rằng Mỹ nên tâp trung phần nào vào cái mà họ gọi là “chiến tranh giới hạn bởi yếu bất ngờ”, đó là các chiến dịch quy mô nhỏ nhằm ngăn chặn nguy cơ leo thang song lại gây khó khăn cho hải quân Trung Quốc. Họ đưa ra điểm tương đồng trong chiến dịch của Wellington ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha năm 1807-1814, mà theo thuật ngữ quân sự là hành động gây xung đột lớn với Pháp khiến Napoleon phải than phiền là làm ông bị “một chỗ loét”. 
Địa lí cùng với chuỗi đảo thứ nhất tạo ra nhiều địa điểm chiến lược có thể được dùng để xây dựng các cơ sở quy mô nhỏ với các khẩu đội tên lửa có thể gây tổn thất cho hải quân đối phương. Tàu ngầm và ngư lôi có thể bổ sung tác động răn đe trước bất kì nỗ lực chiếm đảo nào. Holmes nói: “Ý tưởng rằng Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược chống tiếp cận có thể tác động đến cả hai bên. Có nhiều cách khiến Trung Quốc bị ‘một chỗ loét’, mà có thể là một trong những phương thức răn đe tốt nhất đối với hành động gây hấn trước khi nó diễn ra”. 

Với các nhà quan sát bi quan hơn, Mỹ và Trung Quốc sẽ buộc phải lặp lại sự cạnh tranh an ninh căng thẳng thời Chiến tranh Lạnh. John Mearsheimer, học giả Đại học Chicago, cho rằng sự thù địch có thể còn lớn hơn với Liên Xô do đang có nhiều tranh chấp tiềm tàng hơn. Ông cũng cho rằng mình sẽ không bất ngờ nếu như Trung Quốc và Nhật Bản “bắt đầu nổ súng vào nhau” ở giai đoạn nào đó trong 5 năm tới. 

Những hệ quả ảm đạm như vậy dĩ nhiên có thể tránh khỏi, do sự kết nối kinh tế mạnh mẽ đang làm thu hẹp không gian của hành vi bất cẩn. Tuy nhiên, thời đại toàn cầu hóa trước đây đã không thể ngăn cản Anh và Đức gây chiến. Shinzo Abe, Thủ tướng Nhật Bản, không hề đơn độc khi so sánh tình hình hiện nay ở châu Á với châu Âu năm 1914. Các đội quân châu Á đang thiếu kế hoạch chiến tranh kĩ lưỡng mà vốn là nguyên nhân đẩy châu Âu vào xung đột, và rồi cả thực tế là ở khu vực này đang có sự kết hợp tương tự giữa chủ nghĩa dân tộc và nguy cơ tính toán sai có thể đẩy mọi chuyện vượt ngoài tầm kiểm soát. Khu vực Tây Thái Bình Dương giờ đây có thể là động lực của kinh tế thế giới, song nó cũng đang biến thành một trong những điểm nóng nguy hiểm nhất.

Bài viết của Deoff Dyer đăng trên tạp chí Finacial Times

Thuỳ Anh (gt)