FlagEagleBIG.jpg

Việc Mỹ tìm cách khôi phục quan hệ với Thái Lan không gây bất ngờ bởi hai nước từ lâu đã chia sẻ lợi ích chung tại khu vực. Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm mời nhà lãnh đạo Thái Lan tới thăm Mỹ, đồng thời nói rằng “quan hệ Mỹ-Thái sẽ gần gũi hơn bao giờ hết”. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã nhận lời mời.

Một số người coi đây là bước tái điều chỉnh quan trọng của Mỹ với Thái Lan. Bất chấp những thăng trầm trong quan hệ song phương, từ việc Mỹ giảm quy mô các cuộc tập trận đến việc giảm hỗ trợ tài chính cho Thái Lan, cuộc điện đàm của ông Trump với ông Prayuth hay hệ quả của cuộc đảo chính quân sự năm 2014 đều không làm thay đổi những lợi ích song trùng giữa hai nước. Cả Washington và Bangkok đều muốn duy trì một Thái Lan ổn định, thống nhất. Dù Trung Quốc có ý định và hành động lôi kéo chính quyền Prayuth, song Mỹ và Thái Lan vẫn tiếp tục chia sẻ nhiều lợi ích thiết yếu.

Mối quan tâm lớn nhất của Thái Lan về an ninh là ngăn chặn sự can dự của các thế lực bên ngoài, đồng thời giảm thiểu các xung đột dân sự. Liên minh với Mỹ giúp Thái Lan đạt được cả 2 mục tiêu: Vừa chặn đà xâm lấn của Trung Quốc, vừa có được sự hỗ trợ tài chính, trang bị quân sự để duy trì khả năng kiểm soát khi phải đứng trước nguy cơ xuất hiện căng thẳng trong nước do bất đồng, chia rẽ nội bộ gắn với yếu tố sắc tộc. Về phần mình, Mỹ đã sớm nhận ra đối đầu với Liên Xô trong quá khứ là điều không thể tránh khỏi và cần phải có các đồng minh ở Đông Nam Á để triển khai chính sách bao vây đối thủ. Quan hệ Mỹ-Thái phát triển nhanh trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, với việc không quân Mỹ được sử dụng các sân bay, căn cứ quân sự ở Thái Lan để ném bom, tấn công miền Bắc Việt Nam. Chưa xuất hiện nguy cơ về một cuộc chiến quy mô lớn ở Đông Nam Á trong thời điểm hiện nay, nhưng căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương đang ngày một gia tăng. Mỹ cần các đồng minh ở vùng ngoại vi Trung Quốc nhằm kiềm chế đà xâm lấn của Bắc Kinh.

Lợi ích của Mỹ ở Thái Lan về cơ bản không thay đổi sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Thái Lan hiện được coi là một phần trong chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc thay vì Liên Xô. Vị trí địa lý của Thái Lan giúp Mỹ "phóng" tầm ảnh hưởng trên nhiều hướng. Dù Mỹ không có lực lượng lớn binh sĩ đồn trú ở Thái Lan, song chính quyền Bangkok cho phép Mỹ tiếp cận căn cứ không quân-hải quân U-tapao, từng là trung tâm hỗ trợ trong các cuộc can dự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan. Hơn nữa, do Thái Lan không có đường biên giới trực tiếp với Trung Quốc, Mỹ có thể xây dựng tiềm lực quân sự tại Thái Lan mà không tạo cớ để Trung Quốc phản đối.

Sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, Mỹ giảm tập trận quân sự với Thái Lan và cắt hỗ trợ tài chính cho quân đội nước này. Tuy nhiên, mức giảm tài chính này không nhiều và tập trận quân sự sau đó cũng được nối lại, dù ở quy mô nhỏ hơn. Chính quyền quân sự Thái Lan đáp trả bằng cách mời Trung Quốc tham gia khóa diễn tập hỗ trợ nhân đạo trong tập trận thường niên “Hổ mang Vàng” (Cobra Gold). Thái Lan cũng đã quyết định mua 3 tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel của Trung Quốc. Có vẻ như Thái Lan, một nước đồng minh truyền thống của Mỹ, đã xích lại gần Trung Quốc.

Tuy nhiên, ẩn sau đó vẫn tồn tại những mâu thuẫn giữa hai nước về tính toán chiến lược tại khu vực. Trung Quốc từng là nước láng giềng có sự chia rẽ, xung đột trong nước, không để bất kì một nước nào tập trung được quyền lực và ảnh hưởng lớn ở sườn biên giới phía Nam. Mối nguy từ phía Thái Lan đối với Trung Quốc nhỏ hơn so với các nước trực tiếp giáp Trung Quốc, bởi giữa hai nước không có đường biên giới chung. Tuy vậy, sự nổi lên của một Thái Lan thống nhất, hòa nhập sắc tộc, theo đường lối dân tộc chủ nghĩa sẽ không mang lại lợi ích cho Trung Quốc, vì đây là nhân tố có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trên bán đảo Đông Dương. Ngược lại, Thái Lan luôn muốn duy trì quyền kiểm soát của trung ương đối với các khu vực địa lý có sắc tộc khác nhau, muốn gắn kết dân tộc. Mỹ cũng muốn Thái Lan ổn định như là một đối tác quân sự đáng tin cậy. Đó là điểm khác biệt quyết định chiều hướng hợp tác giữa Thái Lan với hai cường quốc này.

Những biểu hiện bên ngoài có thể gây hiểu lầm. Mặc dù lên án việc quân đội Thái Lan lên nắm quyền bằng cách đảo chính, nhưng Mỹ vẫn cần một đồng minh vững mạnh trong ASEAN. Tương tự, Thái Lan cũng muốn liên minh với một cường quốc có chiến lược dài hạn không dựa trên việc muốn giữ Thái Lan yếu kém và chia rẽ.

Theo “Geopolitical Futures

Vũ Hiền (gt)