Ông Daniel Russel trước hết tiếp tục khẳng định cam kết của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2014 là không hề thay đổi và rằng “Mỹ sẽ tích cực thực hiện chiến lược tái cân bằng trong các tháng tới và các bạn sẽ thấy chúng tôi làm việc tích cực xử lý các vấn đề về kinh tế, an ninh, hợp tác bảo vệ môi trường, tăng cường các quan hệ đồng minh… Mỹ khẳng định cam kết thực hiện chiến lược "trở lại" khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ hướng nhiều hơn các nguồn lực vào khu vực này để đạt được các mục tiêu của chúng tôi". Để thực hiện những lời hứa này, ông Daniel Russel cho biết chính quyền Barack Obama sẽ chú trọng vào mặt trận kinh tế, đặc biệt là cuộc đàm phán liên quan tới Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước khác, coi đây là một biện pháp cần thiết trong việc thực hiện chiến lược của Mỹ đối với khu vực này. Ông Russel cũng đề cập vấn đề hợp tác bảo vệ môi trường trong đó có hợp tác bảo vệ môi trường sông Mekong với chuyến thăm vào cuối năm ngoái của Ngoại trưởng John Kerry tới Việt Nam. Nhân chuyến thăm này, Ngoại trưởng Mỹ đã cam kết khoản viện trợ 17 triệu USD cho chương trình thích nghi và chống biến đổi khí hậu. 

Về an ninh, ông Daniel Russel nhấn mạnh sự hợp tác chặt chẽ của Mỹ với các đồng minh để đối phó với các thảm họa và tình trạng khẩn cấp, đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, đặc biệt là tình hình căng thẳng tại biển Hoa Đông và Biển Đông thời gian gần đây, nhất là sau việc Trung Quốc thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông. Ông Russel cho biết Mỹ quan ngại trước những diễn biến tại biển Hoa Đông và Biển Đông, đặc biệt là những hành động đơn phương có tính gây hấn đòi chủ quyền theo các cách phi pháp và phi ngoại giao. Ông nhấn mạnh vai trò cường quốc của Mỹ không những trên thế giới mà còn ngay tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, do vậy Mỹ có quyền lợi lớn trong việc đảm bảo khu vực này được mở cửa với thế giới, và tuân thủ luật quốc tế. Ông Russel cũng nhắc lại quyền lợi của Mỹ trong việc đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực này, điều đã từng được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đề cập lần đầu tiên tại diễn đàn an ninh khu vực ở Hà Nội năm 2010. 

Trong cuộc họp báo, Daniel Russel cũng thông báo các nhà lãnh đạo Mỹ như Tổng thống Barack Obama, Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel sắp tới sẽ có nhiều chuyến thăm khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trả lời câu hỏi liên quan đến việc Trung Quốc thiết lập ADIZ tại biển Hoa Đông và có khả năng thiết lập một ADIZ trên Biển Đông, ông Russel một lần nữa khẳng định quan điểm của Mỹ là không chấp nhận ADIZ mới của Trung Quốc. Ông nói: “Chúng tôi đã nói rất rõ vào lúc đó và chúng tôi tiếp tục khẳng định chúng tôi không chấp nhận Vùng Nhận dạng Phòng không này. Như chúng tôi đã nói và như hành động mà chúng tôi đã thực hiện thì tuyên bố này không làm thay đổi cách thức chính phủ Mỹ hoạt động hay cách mà chúng tôi thực hiện các hoạt động quân sự trong khu vực. Chúng tôi thực sự nghĩ đây là hành động gây bất ổn trong khu vực. Chúng tôi coi đây là hành động làm tăng căng thẳng vào lúc mà các căng thẳng này nên được giảm. Chúng tôi coi đây là một hành động làm tăng chứ không phải làm giảm nguy cơ đối đầu”. Ông Russel nhấn mạnh việc Trung Quốc lập ADIZ đã gây khó hiểu, đe dọa tự do hàng không và đặt ra câu hỏi về ý định và hành động của Trung Quốc đối với các nước láng giềng. 

Về quan hệ với Việt Nam, ông Daniel Russel cho rằng “không có nước nào thu được nhiều hơn lợi ích từ TPP như Việt Nam. Nhưng cũng giống như các nước đang đàm phán TPP, có những điểm mà Việt Nam sẽ phải thực hiện. Chúng tôi đã có những cuộc đàm phán tích cực với quan chức Việt Nam về các điểm này". 

Ngày 5/2, Mỹ đã yêu cầu Trung Quốc làm rõ hoặc điều chỉnh những yêu sách chủ quyền của nước này trên Biển Đông, đồng thời kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho một trong những điểm nóng có nguy cơ ngày càng lớn ở châu Á.

Trong khi việc Bắc Kinh áp đặt Vùng xác định phòng không (ADIZ) ở các đảo thuộc quyền quản lý của Nhật Bản ở biển Hoa Đông làm căng thẳng tăng cao, thì người ta cũng ngày càng lo ngại về một vụ đụng độ mới trong cuộc tranh chấp riêng rẽ trên Biển Đông. Đề cập đến những tranh chấp này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Danny Russel đã bày tỏ sự phản đối trước cái gọi là "đường 9 đoạn" của Trung Quốc mà Bắc Kinh sử dụng để thể hiện tuyên bố chủ quyền của họ đối với phần lớn lãnh hải trên Biển Đông. Ông Russel cho rằng các yêu sách biển theo luật quốc tế cần phải được dựa trên đặc điểm đất đai. Phát biểu trước Ủy ban Quốc hội, ông Russel nói: "Bất kỳ đòi hỏi nào của Trung Quốc đối với các quyền trên biển mà không dựa trên đặc điểm đất đai được tuyên bố đều không phù hợp với luật pháp quốc tế. Trung Quốc có thể thể hiện sự tôn trọng của họ đối với luật pháp quốc tế bằng cách làm rõ hoặc điều chỉnh những đòi hỏi của họ để phù hợp với luật biển quốc tế".

Ông Russel cũng ủng hộ quyền của Philippines đưa vụ việc tranh chấp với Trung Quốc lên tòa án Liên hợp quốc như một phần của nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp "hòa bình và không sử dụng vũ lực". Được biết, động thái này bị Trung Quốc bác bỏ hồi năm 2013. Ông Russel nhận định: "Việc Trung Quốc không làm sáng tỏ những yêu sách của họ ở Biển Đông đã tạo ra bất ổn trong khu vực và làm hạn chế triển vọng đạt được giải pháp đồng thuận hay các thỏa thuận phát triển chung công bằng".

Những bình luận của ông Russel đã thể hiện lập trường ngày càng quyết liệt của Mỹ ở Biển Đông. Năm 2010, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton trong chuyến thăm tới Việt Nam đã tuyên bố rằng quyền tự do hàng hải thuộc lợi ích quốc gia của Mỹ ở Biển Đông, mà thông qua tuyến đường đó, hơn một nửa khối lượng hàng hóa của thế giới được vận chuyển. Tuy nhiên, mặc dù thúc đẩy hợp tác quân sự với các đồng minh Nhật Bản và Philippines, Mỹ cũng thường xuyên nhấn mạnh rằng họ giữ vị trí trung lập trong một loạt các tranh chấp chủ quyền ở châu Á - quan điểm đã được ông Russel lặp lại.
Quan ngại về các tranh chấp trên Biển Đông đang ngày càng tăng lên. Trong cuộc trả lời phỏng vấn "Thời báo New York", Tổng thống Phillipines Benigno Aquino đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới không nên "nhượng bộ" Trung Quốc. Tờ "Asahi Shimbun" của Nhật Bản mới đây đăng tin rằng Trung Quốc vừa soạn thảo bản đề xuất thiết lập ADIZ ở Biển Đông, tương tự động thái nước này thiết lập ADIZ trên biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013 làm gia tăng căng thẳng với Tokyo. Trung Quốc đã bác bỏ thông tin này và cáo buộc các "lực lượng cánh hữu" ở Nhật Bản đang làm gia tăng căng thăng. Trong khi đó, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã công kích Tổng thống Aquino khi viết rằng những bình luận của ông cho thấy ông chỉ là "một chính khách nghiệp dư, không hiểu gì về lịch sử và hiện tại".

Ông Russel cũng nhắc lại lời cảnh báo với Trung Quốc rằng nước này không nên áp đặt ADIZ mới ở Biển Đông. Ông Russel nói: "Chúng tôi không công nhận cũng như không chấp nhận ADIZ được Trung Quốc tuyên bố. Chúng tôi đã nói rõ với Trung Quốc rằng họ đừng nên cố gắng thực thi ADIZ đó và nên kiềm chế đưa ra những hành động tương tự ở những vùng biển khác trong khu vực". Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thách thức ADIZ của Trung Quốc ở biển Hoa Đông với việc cho các chiến đấu cơ bay qua vùng này mà không thông báo cho Bắc Kinh. Tuy nhiên, nghị sĩ đảng Cộng Hòa Steve Chabot, Chủ tịch tiểu ban châu Á thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, đã cáo buộc chính quyền Tổng thống Barack Obama vì đã gửi những "tín hiệu lẫn lộn" khiến Trung Quốc ngày càng lấn tới. Ông Chabot nói: "Đã đến lúc chính quyền hành động thay vì lời nói, và tìm cách để đảm bảo với khu vực rằng Mỹ luôn hiện diện ở đó, và tương lai của Mỹ ở châu Á là mạnh mẽ, cam kết và chắc chắn".

Vũ Hiền (gt)