scs-400x300(1).jpg

 

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã có chuyến công du đến một loạt nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Indonesia, từ ngày 15-24/4 nhằm tiếp tục khẳng định tầm quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ đối với khu vực này. Tại Indonesia, ông Pence đã chào xã giao Thống thống Joko Widodo, hội đàm với Phó Tổng thống Jusuf Kalla và chứng kiến việc ký kết các dự án đầu tư, hợp tác giữa 2 quốc gia có giá trị lên đến 10 tỷ USD.

Chuyến thăm của ông Pence tới Indonesia và các nước trong khu vực diễn ra vào một thời điểm rất quan trọng. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Pence tới châu Á-Thái Bình Dương. Chuyến thăm này cho thấy một thông điệp rõ ràng: Mỹ tiếp tục cam kết duy trì liên minh và lợi ích quan trọng trong khu vực cũng như quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia. Chuyến thăm của ông Pence không chỉ khẳng định việc coi trọng hợp tác song phương giữa Mỹ và Indonesia mà còn góp phần tạo cơ hội để 2 bên hiểu nhau hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Có 3 lĩnh vực quan trọng mà Indonesia cần quan tâm. Thứ nhất là thương mại song phương. Thứ hai là an ninh khu vực. Và thứ ba là vai trò của Indonesia trong việc xây dựng cầu nối giữa Mỹ và thế giới Hồi giáo.

Mặc dù đã có những chuyển đổi mô hình kinh tế quan trọng kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ (ngày 20/1), nhưng Washington vẫn chưa đưa ra chính sách thương mại cụ thể đối với Indonesia cũng như châu Á. Quan hệ thương mại giữa Indonesia và Mỹ vẫn tương đối ổn định và khá thuận lợi đối với Indonesia.

Chuyến thăm của ông Pence diễn ra sau khi Tổng thống Trump tích cực thực hiện cam kết khi tranh cử, đó là làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với một số quốc gia. Đối với Indonesia, điều quan trọng nhất là việc Mỹ tiếp tục đóng vai trò giữ ổn định kinh tế toàn cầu thông qua việc thúc đẩy một hệ thống thương mại mở và công bằng. Khoảng 90% vốn đầu tư của Mỹ vào Indonesia được thực hiện trong lĩnh vực khai thác tài nguyên. Với chuyến thăm của ông Pence, Indonesia đã khuyến khích đối tác Mỹ tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong nền kinh tế xanh với các công nghệ tiên tiến có thể giúp Indonesia đáp ứng được nhu cầu năng lượng và tiếp cận công nghệ để xử lý rác thải thành các sản phẩm có giá trị. Các lĩnh vực tiềm năng khác là xây dựng cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và biển.

Mặc dù Indonesia là nền kinh tế lớn nhất trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) song kim ngạch thương mại của quốc gia này với Mỹ chỉ đứng ở vị trí thứ năm so với các nước thành viên khác của ASEAN. Hai quốc gia có rất nhiều tiềm năng để mở rộng hợp tác kinh tế, thương mại. Trong chuyến thăm này, 2 bên đã tích cực bàn thảo về nội dung đó.

Vì các xung đột tiềm ẩn trên Bán đảo Triều Tiên và ở Biển Đông, Indonesia mong muốn đóng vai trò của một nhà trung gian có thể giải quyết tất cả các vấn đề của khu vực. Tuy nhiên, tìm ra nền tảng chung hoặc giải pháp cho những vấn đề liên quan đến khu vực này có thể là một nhiệm vụ khó khăn. Chuyến thăm của ông Pence có thể giúp thúc đẩy các chương trình nghị sự chiến lược của Mỹ hướng tới một cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn để thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực.

Hiện nay, với sự trỗi dậy và sức mạnh của Trung Quốc đang ngày càng tăng ở khu vực, Indonesia mong muốn duy trì chính sách đối ngoại "độc lập và chủ động" của nước này nhằm góp phần tạo ra sự cân bằng giữa 2 siêu cường này. Do đó, nỗ lực của Indonesia lôi kéo sự tham gia liên tục của Mỹ ở mức cao nhất trong các cơ chế khu vực, như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) là rất quan trọng. Chính quyền của Tổng thống Jokowi hiện đang tích cực coi trọng việc bảo vệ an ninh biên giới cũng như các lợi ích trên biển của nước này. Do đó, chuyến thăm của ông Pence là dịp để 2 bên trao đổi, thúc đẩy hợp tác đảm bảo an ninh biển, hợp tác quốc phòng giữa 2 nước.

Một lĩnh vực hợp tác dự kiến sẽ được tiến hành trong năm nay là giữa lực lượng Cảnh sát biển Mỹ với lực lượng An ninh biển của Indonesia (Bakamla) cũng như với Cơ quan tìm kiếm, cứu nạn quốc gia (Basarnas). Điều này là vô cùng quan trọng đối với Indonesia vì 2 lý do: Một là, nó cung cấp một điều kiện quan trọng để Indonesia tiếp tục thực hiện chiến lược trở thành “trục biển toàn cầu” của nước này. Hai là, góp phần vào việc giúp Indonesia tiếp cận các phương tiện, công nghệ hiện đại để thực thi nhiệm vụ bảo vệ an ninh trên biển.

Một lực lượng tuần tra với sự hiện diện, giúp sức của Mỹ sẽ là cơ sở để giúp Indonesia có thể đóng một vai trò lớn hơn trong việc góp phần vào việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, hiện nay khủng bố vẫn là một mối đe dọa toàn cầu. Hai cuộc tấn công quân sự gần đây của Mỹ vào Syria và Afghanistan đã chứng minh lập trường cứng rắn của Tổng thống Trump đối với vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chiến thuật quân sự thuần túy này chỉ là một nỗ lực vô ích.

Indonesia, quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, đang ở một vị trí thuận lợi để có thể giúp Chính quyền mới của Mỹ có cách tiếp cận toàn diện, hiệu quả để góp phần loại bỏ các nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố. Cách tiếp cận bằng quyền lực mềm đã được Indonesia coi trọng kể từ khi tiến hành chương trình phục hồi nhân phẩm, tuyên truyền, giáo dục đối với các tù nhân liên quan đến khủng bố, hoạt động cực đoan. Tổng thống Jokowi hiện cũng đang tích cực áp dụng việc giáo dục cho người dân về các giá trị tốt đẹp của tôn giáo cũng như văn hóa nhằm giảm bớt sự tác động của các tư tưởng Hồi giáo cực đoan.

Tác giả Akbar Makarti công tác tại Cơ quan Phụ trách các Vấn đề Mỹ và Châu Âu, thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia. Bài viết đăng trên tờ “Bưu điện Jakarta”.

Mỹ Anh (gt)