Đây là động thái nhằm tiếp tục khẳng định chính sách "trở lại" châu Á của Mỹ trước những lời chỉ trích cho rằng "lời nói chưa đi đôi với việc làm" của Mỹ, đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vốn đang gặp nhiều cản trở trong Quốc hội Mỹ và dọn đường cho chuyến công du châu Á sắp tới của Tổng thống Mỹ Barack Obama. 

Bộ trưởng Chuck Hagel và Bộ trưởng Penny Fritzker nhận định trong nhiều thập kỷ qua, khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có sự phát triển mạnh. Tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc của các quốc gia giáp Thái Bình Dương đã thay đổi bộ mặt của các quốc gia này và giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Bộ Quốc phòng và Bộ Thương mại Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với các nước này để giúp sự phát triển đi theo đúng hướng. Các nỗ lực này là đặc biệt quan trọng bởi khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phải đối mặt với những hận thù và tranh chấp lịch sử, làm gia tăng căng thẳng, bất ổn và có nguy cơ tạo ra một cuộc xung đột rộng lớn hơn. 

Theo ông Chuck Hagel và bà Penny Fritzker, thứ nhất, Mỹ cần phải hành động để thúc đẩy việc đặt ra các nguyên tắc chung và các quy tắc hợp lý cả trong lĩnh vực an ninh và kinh tế. Trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, điều này đồng nghĩa với việc phải kết thúc đàm phán về TPP. Tại cuộc gặp mới đây ở Singapore, Mỹ đã đạt được những tiến triển trong các vấn đề tiếp cận thị trường với một loạt quốc gia. Nhiệm vụ giờ đây là phải kết thúc đàm phán về thỏa thuận cuối cùng. Trong lĩnh vực an ninh, điều đó có nghĩa là phải tạo ra một không gian mà các lực lượng quân sự Mỹ có thể liên lạc tốt hơn, vượt qua được các vấn đề khó khăn và hợp tác trên cơ sở lợi ích chung. Mỹ đã bắt đầu làm việc với các quốc gia trong khu vực, trong đó có Trung Quốc, để thúc đẩy sự minh bạch và tạo ra những quy tắc rõ ràng trong các lĩnh vực thiết yếu như đi lại trên biển, trên không, vấn đề không gian, an ninh mạng và Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông. 

Thứ hai, các quốc gia Thái Bình Dương phải tiếp tục hợp tác với nhau khi xảy ra thảm họa. Thiên tai là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh và thịnh vượng trong khu vực, với những thiệt hại vật chất, sinh mạng con người không đếm được mỗi năm. Cục Hải dương và Khí quyển Quốc gia (NOAA) thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã tiếp tục đầu tư vào các hệ thống cảnh báo giúp ngăn ngừa thiệt hại về người và tài sản trên khắp khu vực Thái Bình Dương. 

Thứ ba, Mỹ cần tiếp tục xây dựng các mối quan hệ hợp tác về an ninh-quốc phòng. Điều này sẽ không chỉ giúp đảm bảo an ninh mà còn giúp tạo ra các cơ hội kinh tế mới. Bộ Quốc phòng đã hỗ trợ chủ trương này bằng cách hợp tác phát triển tên lửa đánh chặn mới với Nhật Bản để có thể đối phó với các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo tân tiến thế hệ tiếp theo. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Mỹ đang điều chỉnh việc kiểm soát xuất khẩu thiết bị quân sự tới các đối tác và đồng minh như Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc. Những thay đổi này sẽ giúp tăng cường an ninh trong khu vực và an ninh của Mỹ. Mặc dù Mỹ không cho phép xuất khẩu các thiết bị quân sự, hoặc liên quan tới quân sự, tới Trung Quốc, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục khuyến khích xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao tới Trung Quốc phục vụ mục đích dân sự. 

Bộ trưởng Chuck Hagel và Bộ trưởng Penny Fritzker khẳng định Bộ Quốc phòng và Bộ Thương mại Mỹ sẽ đẩy mạnh đối thoại với các nhà lãnh đạo trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và theo đuổi con đường hợp tác. Chẳng hạn, trong tháng 4 tới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ chủ trì cuộc họp với bộ trưởng quốc phòng các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Hawaii, nơi các bộ trưởng sẽ thảo luận về cách thức tăng cường hỗ trợ nhân đạo và các nỗ lực đối phó với thảm họa cùng nhiều vấn đề khác. An ninh, ổn định và thịnh vượng đòi hỏi sự quan tâm một cách liên tục, một sự cam kết thực hiện các nguyên tắc chung, và các nỗ lực hợp tác của Mỹ và tất cả các quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Mỹ Anh (gt)