Đối với Myanmar: Mỹ có thể tăng cường sự hỗ trợ và đào tạo nhằm giúp Myanmar xây dựng các đảng chính trị, củng cố Nghị viện và chuẩn bị giám sát các hoạt động trước cuộc bầu cử 2015 để đảm bảo rằng cuộc bầu cử này diễn ra minh bạch, trọn vẹn và đáng tin cậy. Nếu việc sửa đổi Hiến pháp Myanmar nhằm hạn chế quyền phủ quyết của quân đội đối với quyết định sửa đổi Hiến pháp không diễn ra trước cuộc bầu cử năm 2015, thì Mỹ sẽ hối thúc để việc sửa đổi này sớm diễn ra ngay sau khi quốc hội mới và chính phủ mới của Myanmar lên nắm quyền vào đầu năm 2016. Đó là điều cần thiết để khẳng định với người dân Myanmar rằng quốc gia Đông Nam Á này đã chuyển đổi từ chế độ quân phiệt sang chế độ dân chủ. Ngoài ra, Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ những nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Chính phủ Myanmar và các nhóm sắc tộc ở nước này. 
Đối với Indonesia: Tổng thống Barack Obama sẽ nhân danh cá nhân mời tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đến thăm Mỹ. Ông Obama sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ "đối tác toàn diện" mà Mỹ và Indonesia đã thiết lập từ năm 2010. Hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng là một ý tưởng mà hai bên có thể hợp tác. Ông Jokowi thể hiện quyết tâm nhanh chóng thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng để giảm thiểu tình trạng ách tắc giao thông, đồng thời phát triển Indonesia trở thành một "cường quốc biển". Chính sách ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng của Indonesia cũng tạo cơ hội để khu vực tư nhân Mỹ có thể tham gia. 

Đối với Việt Nam: Tổng thống Obama có thể sẽ thăm Việt Nam trong năm 2015 nhằm làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác toàn diện mà hai nước đã thiết lập vào khoảng giữa năm 2013. Chính quyền Mỹ, tháng 9/2014 đã dỡ bỏ từng phần lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam và sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam trong vấn đề kiện toàn Quốc hội trước khi diễn ra chuyến thăm nêu trên. Tháng 11/2015, ông Obama dự kiến sẽ tới tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái bình dương (APEC) ở Philippines và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) ở Malaysia. Đó có lẽ là thời điểm tốt để ông Obama tới thăm Hà Nội. 

Đối với Thái Lan: Mỹ sẽ tiếp tục giám sát diễn biến tình hình ở Thái Lan sau vụ đảo chính hồi tháng 5/2014, đồng thời xem xét những khả năng Mỹ có thể cam kết với đối tác lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á này. Các tướng lĩnh ở Thái Lan trước đây cam kết tổ chức bầu cử vào cuối năm 2015, song hiện nay họ có vẻ đã quyết định trì hoãn bầu cử tới năm 2016, hoặc thậm chí tới khi thời kỳ quá độ then chốt diễn ra ở quốc gia quân chủ này. Ngay cả khi bầu cử chưa diễn ra, Mỹ vẫn muốn tìm kiếm những cơ hội tiếp xúc với khu vực tư nhân của Thái Lan để hỗ trợ phát triển một cơ sở trung tâm - nơi người ta có thể bàn luận về dân chủ, pháp quyền và quyền con người. 

Đối với Biển Đông: Trước khi kết thúc năm 2015, Tòa án Trọng tài quốc tế được thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), có thể sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Bất kể Tòa án Trọng tài phán quyết gì thì phán quyết này sẽ là một bước ngoặt trong quá trình diễn ra các sự kiện tranh chấp ở Biển Đông. Việc Mỹ tập hợp sự ủng hộ của quốc tế dành cho Tòa án này sẽ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, củng cố và khích lệ ý chí quyết tâm, sự can đảm của các quốc gia Đông Nam Á. 

Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần đẩy mạnh nỗ lực nhằm tăng nâng cao sự hiểu biết về lĩnh vực hàng hải, tuần tra biển và tăng cường khả năng răn đe ở Đông Nam Á. Điều đó bao gồm cả việc hối thúc Philippines triển khai "Hiệp định Hợp tác Phòng vệ Nâng cao" được ký kết vào đầu năm 2014, tăng cường tài trợ, huấn luyện và chuyển giao phương tiện cho các đối tác của Mỹ ở Đông Nam Á, gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam. Riêng với Việt Nam, trong năm 2015, chính quyền Mỹ không chắc sẽ cung cấp các loại tàu, các loại rađa hoặc các loại pháo lớn, song Mỹ có thể sẽ tích cực trao đổi ý kiến với Việt Nam về những nhu cầu của Việt Nam và chuẩn bị các bước đi tiếp theo, một khi chính trị chín muồi.

Bộ Ngoại giao Mỹ cần hợp tác giúp đỡ các quốc gia Đông Nam Á có khiếu nại làm sáng tỏ yếu tố pháp lý của việc khiếu nại để duy trì cơ sở đạo lý cao cả đối với Trung Quốc. Mỹ cũng cần hối thúc các quốc gia Đông Nam Á thực hiện việc: theo đuổi những thỏa thuận song phương về khai thác các vùng chồng lấn tại những địa điểm có thể; cùng thỏa thuận việc xác định những khu vực thuộc diện xung đột pháp lý tại vị trí xung quanh Quần đảo Hoàng Sa và Quần đảo Trường Sa, và cùng tham gia vào việc nghiên cứu toàn diện những khu vực thuộc diện xung đột pháp lý nêu trên nhằm mục đích chống lại hỏa mù pháp lý của Trung Quốc, phát sinh từ việc Trung Quốc tiến hành cải tạo xây dựng và sửa đổi ở những địa điểm thấp và ngập nước.

Theo trang mạng CSIS

Thuỳ Anh (gt)