hillary_386x256.jpg

Ý nghĩa và tầm quan trọng của cam kết chiến lược lớn tái cân bằng phần lớn vẫn chưa được Quốc hội, truyền thông và công chúng đánh giá đúng. Điều này lại là ngược lại tại Lầu Năm Góc và Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nơi mức độ và hoàn cảnh của chính sách mới này được hiểu rõ hơn. Bên trong giới an ninh Mỹ, người ta cũng hiểu rằng trọng tâm thực sự của chiến lược tái cân bằng là Đông Nam Á. Đây là nơi Trung Quốc đã thay đổi nguyên trạng lãnh thổ và là nơi những cuộc triển khai quân đội của Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ đối đầu với nhau. 

Tình hình chiến lược ở khu vực có thể vắn tắt qua một số điểm chính khi Trung Quốc có được một sự hồi phục đáng kinh ngạc chưa từng thấy với tư cách là một nước lớn về kinh tế và quân sự – trên một quy mô tương đối lớn so với phần còn lại của khu vực kể thời điểm cực thịnh triều nhà Minh trong thế kỷ 15. Ngày càng rõ ràng rằng Trung Quốc sẽ sử dụng những khả năng mới của mình để thiết lập ưu thế khu vực đối với Đông Nam Á, bao gồm việc kiểm soát trên biển ở Biển Đông. Vùng biển nửa kín này có những tuyến đường thương mại nhộn nhịp nhất thế giới – các tuyến đường biển mang theo dầu lửa và các hàng hóa tiêu dùng khác thiết yếu cho Nhật Bản và Hàn Quốc. Các tuyến đường trên biển (SLOC) gần như được Hạm đội 7 của Mỹ sử dụng hàng ngày khi triển khai AOR (khu vực chịu trách nhiệm) của mình – từ các căn cứ ở Đông Bắc Á qua Đông Nam Á tới Ấn Độ Dương. 

Tham vọng của Trung Quốc “sở hữu” Biển Đông và thực thi chính sách phủ quyết các quyết định của các chính phủ Đông Nam Á gây tác động lớn đối với các lợi ích quốc gia của Mỹ, mặc dù điều này chưa hẳn đã tác động điều chỉnh chính sách của Mỹ. Hoàn toàn có thể hình dung ra một lựa chọn chiến lược của Mỹ khi chấp thuận những tham vọng khu vực to lớn của Trung Quốc để đổi lấy một số điều kiện cụ thể, đặc biệt liên quan đến quyền tự do qua lại biển Biển Đông. Trên thực tế, đây là điều Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đã nghĩ đến khi ông chủ trương một “mối quan hệ nước lớn kiểu mới” tại cuộc gặp gỡ với Tổng thống Obama ở Sunnylands. Theo công thức này Mỹ sẽ công nhận rằng kỷ nguyên ưu thế chiến lược của Mỹ ở Đông Á đã kết thúc và một kỷ nguyên chi phối của Trung Quốc đã mở ra. Washington sẽ quyết định thông minh để nhượng bộ – và nền hòa bình và sự thịnh vượng của khu vực sẽ được duy trì và nâng cao. Biển Đông sẽ được các nhà chức trách Trung Quốc, cả dân sự lẫn quân sự, chiếm giữ và quản lý, trong khi hệ thống sông Mekong đã được đưa vào tầm kiểm soát hoạt động của Trung Quốc nhờ một loạt con đập lớn được xây dựng trên thượng nguồn ở miền Nam Trung Quốc.

Nhưng Washington đã không thực hiện theo công thức đó. Các quan chức Mỹ từ đầu đã dừng lại việc bàn về “Mô hình kiểu mới” và, quan trọng hơn, họ thực hiện chiến lược xoay trục/tái cân bằng nhằm cạnh tranh và ngăn cản những tham vọng của Trung Quốc, đặc biệt ở Biển Đông. Tại hội nghị Ngoại trưởng vào tháng 7/2010 của 26 chính phủ của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Ngoại trưởng Clinton đã chính thức tuyên bố cam kết của Mỹ với các SLOC ở Biển Đông như là một “tài sản chung toàn cầu” (không thuộc về một nước nào) và cam kết phương thức ngoại giao đa phương để giải quyết các tuyên bố chủ quyền chồng lấn của một số quốc gia ở Biển Đông. Bề ngoài, cả hai đề xuất đều có vẻ khá kiềm chế, nhưng đã gây ra phản ứng gay gắt từ Ngoại trưởng Trung Quốc – vì điều này thức trực tiếp lập trường của Trung Quốc rằng Biển Đông là một phần không thể thiếu của Trung Quốc và các tuyên bố chủ quyền khác (của Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines) là không có cơ sở. Theo lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc sau ARF – Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi” ở Biển Đông. 

Và Trung Quốc đã hành động một cách nhanh chóng và với nỗ lực lớn để hợp lý hóa các tuyên bố chủ quyền của mình bằng việc chiếm đóng thực sự lãnh thổ. Các đảo ở biển Biển Đông trước đây được Việt Nam và Philippines kiểm soát đã bị Trung Quốc chiếm giữ và chiếm đóng. Một số cơ sở quân sự của Trung Quốc (sân bay và cảng biển) trên các bãi đá và đảo san hô đã được xây dựng hoặc đang được xây dựng; Biển Đông đang được chuẩn bị như một chiến trường. Toàn bộ phần phía Bắc của Biển Đông đã được đặt vào tầm kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc – và điều đó sẽ không thay đổi.

“Sứ mệnh” khi đó của chiến lược Tái cân bằng là một sứ mệnh gây nản lòng – ngăn cản sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc và làm giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc của các quốc gia ở Đông Nam Á – những nước lệ thuộc có đặc quyền về nhiều mặt nhưng vẫn là những nước lệ thuộc. Điều này phải thực hiện thành công để thách thức việc củng cố sức mạnh quân sự trên biển đang diễn ra rất nhanh chóng của Trung Quốc và quyết tâm mãnh liệt nhằm khôi phục vị trí đứng đầu trong lịch sử của Trung Quốc ở khu vực. Cho tới nay chiến lược tái cân bằng đã đưa ra những tuyên bố, thỏa thuận và hoạt động tái triển khai các phương tiện quân sự ở mức vừa phải – nhưng đã không ngăn cản việc mở rộng quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với vùng biển của Đông Nam Á. Vì vậy, cần phải làm nhiều hơn nữa. Hiện nay, sự đồng thuận ngày càng lớn hơn trong các nhà chiến lược an ninh của Mỹ rằng sự thành công hay thất bại sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ ủng hộ của khu vực đối với chiến lược này. Cơ hội vẫn có vì các hoạt động của Trung Quốc đã tạo ra phản ứng ngày càng lớn – cả nỗi sợ hãi lẫn sự cảnh giác – ở Đông Nam Á. Đối với những chính phủ này chiến lược tái cân bằng là biện pháp khả thi duy nhất để chống lại đòi hỏi địa vị đứng đầu của Trung Quốc. Đối với Mỹ, sự ủng hộ của khu vực đưa ra cách thức hợp lý duy nhất là duy trì một chiến lược tái cân bằng hiệu quả theo thời gian.

Là kết quả của Chiến tranh thế giới thứ hai ở Thái Bình Dương và là phản ứng ban đầu của khi xảy ra chiến tranh lạnh nhằm chống lại phe Cộng sản, Mỹ đã ký các thỏa thuận phòng thủ chính thức không chỉ với Nhật Bản và Hàn Quốc, mà còn với Australia, Philippines và Thái Lan. Trong từng trường hợp Mỹ cung cấp phúc lợi xã hội – an ninh – để đổi lấy quyền tiếp cận và sự ủng hộ. Kết quả là xây dựng một hệ thống an ninh thường được mô tả là “trung tâm và các vệ tinh”. Hình thức này về cơ bản vẫn giữ nguyên cho đến ngày nay – với lời cảnh báo quan trọng rằng các căn cứ quân sự lớn do Mỹ vận hành ở Thái Lan và Philippines trong Chiến tranh Lạnh đã trở nên không hiệu quả và không thích hợp vào đầu những năm 1990. Tuy nhiên cùng lúc đó một quá trình xây dựng của hệ thống mang tính liên kết chặt chẽ đã bổ sung thêm một vài thành tố và tầng nấc phức tạp – điều này tạo ra môi trường rắc rối đầy nhạy cảm mà chiến lược tái cân bằng giờ đây phải diễn ra trong đó.

Quan hệ Mỹ-Thái: Hỗn hợp 

Trong bối cảnh Chiến tranh Việt Nam, liên minh của Thái Lan với Mỹ thân thiết và có tính vận hành cao độ với việc các sân bay Thái Lan đón nhận các máy bay ném bom hạng nặng của Mỹ tấn công miền Bắc Việt Nam thường xuyên. Nhưng việc ký kết Hiệp định Paris chấm dứt các cuộc chiến Đông Dương của Mỹ cùng với việc Học thuyết Nixon báo hiệu sự rút lui chiến lược khỏi Đông Nam Á đã khiến Bangkok cảm thấy bị bỏ rơi và bị đặt vào thế nguy hiểm trước một Hà Nội thắng lợi – và cay đắng vì sự phản bội của Mỹ. Liên minh Mỹ-Thái không chấm dứt, nhưng nó đã bước vào một thời kỳ hờ hững nghiêm trọng. Những nỗ lực trong thập kỷ qua nhằm thổi một luồng sinh khí mới vào liên minh đã bị sói mòn bởi tình trạng tê liệt chính trị ở Bangkok khi các phe “Áo đỏ” và “Áo vàng” đối đầu nhau trong một cuộc đấu kéo dài giành quyền kiểm soát chính phủ. Cuộc đấu chính trị đã bị ngắt quãng bởi những cuộc đảo chính quân sự thường kỳ, những cuộc đảo chính kích hoạt các biện pháp giới hạn trong luật pháp Mỹ về việc rút bớt hỗ trợ quân sự – và tạo ra sự oán giận trong quân đội Thái Lan làm giảm bớt phạm vi hợp tác an ninh song phương giữa hai nước. Tuy thế, liên minh này vẫn còn nguyên vẹn về mặt pháp lý/chính thức và cả hai thủ đô tiếp tục coi nó là có một vai trò chiến lược quan trọng. Bất chấp cuộc đảo chính mới nhất (năm 2014), Mỹ đã tiếp tục ủng hộ việc Thái Lan làm chủ nhà cho cuộc tập trận đa quốc gia Hổ mang Vàng. Nhưng chừng nào chiến lược tái cân bằng còn có trọng tâm vào biển Biển Đông, thì Thái Lan, một nước không giáp biển này, không có tuyên bố chủ quyền, sẽ vẫn nằm ngoài rìa chiến lược của Mỹ. Về thực chất Thái Lan cũng thoải mái với ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc hơn so với bất kỳ nước nào trong khu vực.

Mỹ và Australia: Những đồng minh thân cận nhất 

Australia là một vấn đề hoàn toàn khác. Mối quan hệ quốc phòng chính thức dựa trên Hiệp ước ANZUS (1951) vốn ban đầu có cả New Zealand với tư cách là một đối tác đầy đủ. Từ quan điểm chiến lược của Mỹ, Australia gặp bất lợi về vị trí; nước này cách rất xa gần như mọi nơi khác. Nhưng Australia có lợi thế về khả năng hiện đại – quân đội, công nghệ và tình báo. Với dân số và nền kinh tế tương đối nhỏ của mình, Australia phải ưu tiên một cách cẩn thận chi tiêu quốc phòng của mình. Nhưng trong một số lĩnh vực thích hợp, người Australia có đẳng cấp thế giới. Quan trọng hơn, Australia đã thể hiện thiện chí và khả năng tương tác hiệu quả với các thành phần/đồng cấp tiên tiến trong các lực lượng vũ trang Mỹ. Cũng ấn tượng không kém, theo một quan điểm của Mỹ, các Chính phủ Australia, cả của Công đảng lẫn đảng Bảo thủ, đã đầu tư vào liên minh này bằng cách đưa trang thiết bị và quân lính Australia với tư cách là những lực lượng viễn chinh tới chiến đấu bên cạnh Mỹ trong nhiều chiến dịch quân sự xa xôi, trong đó có Triều Tiên, Việt Nam, Afghanistan và Iraq. Ngoài ra còn có hai nhân tố nữa. Từ lâu các nhà lãnh đạo Australia đã quyết định phụ thuộc nhiều vào việc mua sắm trang thiết bị tiên tiến của Mỹ (chẳng hạn, máy bay chiến đấu tấn công kết hợp F-35), do đó khiến các lực lượng vũ trang của hai nước có khả năng vận hành chung cao độ. Cuối cùng, hai nước có một mối quan hệ tình báo lâu đời, thân cận bao gồm cả thông tin và phân tích chung cũng như các cơ sở chung. Tất cả điều này bổ sung vào một mối quan hệ chiến lược thân cận giống như Mỹ có ở bất kỳ nơi nào khác. Bất kỳ ai đã chứng kiến tương tác giữa binh lính Mỹ và Australia đều sẽ ấn tượng về mức độ dễ chịu và thoải mái của mối quan hệ đó.

Mỹ và Philippines: Một liên minh được hồi sinh

Mối quan hệ quốc phòng của Philippines với Mỹ có một lịch sử bất ổn hơn nhiều. Nó là kết quả từ thời cai trị thực dân của Mỹ và quyết định trao cho Philippines quyền độc lập (hoàn thành một cam kết trước đó) vào năm 1947. Đó cũng là một di sản đặc biệt của Chiến tranh thế giới thứ hai; các đơn vị kháng chiến Philippines chiến đấu bên cạnh lính biệt kích Mỹ và sau đó là các lực lượng chính quy chống lại sự chiếm đóng quần đảo này của Nhật Bản. Di sản này đã tạo ra một mối quan hệ gần gũi giữa lực lượng vũ trang hai nước – không bình thường đối với một cựu thuộc địa và cựu thực dân. Nền độc lập của Philippines đã đạt được vào đầu Chiến tranh Lạnh, và không lâu sau đó, Chiến tranh Triều Tiên. Bản thân Philippines phải đối mặt với một cuộc nổi loạn Cộng sản trong nước nghiêm trọng (Hukbalahap). Năm 1951, hai nước đã ký kết Hiệp ước An ninh Chung (MST) trong đó Mỹ cam kết tham gia phòng thủ Philippines để đổi lấy các hợp đồng cho thuê cho phép xây dựng và tận dụng số lượng lớn các cơ sở quân sự, kể cả các căn cứ lớn ở đồn hải quân vịnh Subic và căn cứ không quân Clark. Những căn cứ này đóng một vai trò hỗ trợ quan trọng trong nỗ lực quân sự của Mỹ ở cả Triều Tiên lẫn Việt Nam. Với việc Chiến tranh Lạnh kết thúc, sự ủng hộ chính trị đối với các căn cứ này đã giảm xuống cả ở Manila lẫn Washington và các hợp đồng cho thuê ủy quyền đã được phép hết hiệu lực vào đầu những năm 1990. Trong hai thập kỷ sau, những nghĩa vụ của hiệp ước vẫn còn trên giấy tờ nhưng được coi chẳng khác gì một thứ vô dụng khi không nước nào nhận thấy một mối đe dọa an ninh chung thật sự. Điều đó đã thay đổi hoàn toàn vào năm 2012 khi các lực lượng trên biển của Trung Quốc đuổi ngư dân Philippines ra khỏi một số ngư trường truyền thống của họ ở biển Biển Đông và chiếm giữ các đảo mà Philippines coi là của mình. Tổng thống Benigno Aquino đã bày tỏ quan điểm phản kháng và chống đối những hành động của Trung Quốc và đã làm hồi sinh liên minh với Mỹ. Tháng 4/2014, sau chuyến thăm Manila của Tổng thống Obama, hai chính phủ đã ký kết một Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA) chuẩn bị cho việc luân chuyển mới các lực lượng quân đội, tàu, máy bay và trang thiết bị của Mỹ khắp Philippines, trong đó có Clark và Subic. Tuy nhiên, Washington đã không tán thành đề nghị từ lâu của Philippines đòi đưa các tuyên bố chủ quyền của Manila ở biển Biển Đông vào MST. Có một cảnh báo quan trọng; MST bao gồm các tàu và máy bay của Philippines nếu bị tấn công trong khi ở/phía trên biển khơi (tức là biển Biển Đông). Điều này tạo ra nhiều kịch bản rõ ràng có thể đưa các lực lượng trên biển của Mỹ và Trung Quốc vào một cuộc đối đầu.

Singapore: Một đồng minh trên thực tế

Về mặt địa chiến lược, Singapore trái ngược với Australia – một mảnh đất nhỏ bé nhưng là một vị trí hoàn toàn ở trung tâm. Khi Mỹ dường như sắp đánh mất sự hiện diện quốc phòng của mình ở Philippines, Singapore, lo sợ một khoảng trống quyền lực ở Đông Nam Á, đã hành động để níu giữ quyền lực của Mỹ bằng cách cung cấp cho Lầu Năm Góc các cơ sở (kể cả bến tàu sân bay) mà diện tích đất hạn chế của nước này cho phép. Một cảm giác dễ bị tổn thương sâu sắc đã khiến giới tinh hoa ra quyết định bị ám ảnh bởi an ninh quốc gia. Người Singapore đã trở thành những nhà chiến lược ưu việt của Đông Nam Á mà tiêu biểu là nhà sáng lập và vị thủ tướng đầu tiên của nước này, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu – tin rằng sự tồn tại của Singapore phụ thuộc vào việc luôn thông minh hơn và suy nghĩ nhanh hơn mọi người dân nước khác trong khu vực. Hệ tư tưởng này đã khiến họ nuôi dưỡng mối quan hệ quốc phòng thân cận với Mỹ – nước duy nhất có khả năng chịu trách nhiệm cho sự ổn định và an ninh khu vực – và hành động để kiềm chế những tham vọng của Trung Quốc. Ưu tiên chiến lược đã tuyên bố của Singapore là tạo điều kiện cho một sự hiện diện quân sự liên tục, mạnh mẽ của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á trên biển.

Một loạt thỏa thuận bắt đầu với Bản ghi nhớ năm 1990 cho phép sử dụng các cơ sở của Singapore để sửa chữa cho hải quân và ghé thăm cảng (kể cả các tàu sân bay) và triển khai luân chuyển lực lượng không quân. Cơ quan hậu cần chính cho Hạm đội 7, Commander, Logistics Group Western Pacific, đã di chuyển từ Subic đến Singapore vào năm 1992. Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng cho phép tổ chức các cuộc đối thoại chính sách chiến lược hàng năm giữa các quan chức cấp cao cũng như các cuộc tập trận chung. Năm 2013, Hải quân Mỹ đã triển khai tàu tác chiến tuần duyên tiên tiến đầu tiên của mình tới Singapore – sau này là 3 tàu nữa trên cơ sở luân chuyển tới năm 2018. Không bất ngờ khi mà Singapore từ lâu đã là bên đối thoại ưa thích của Washington về tất cả những gì mang tính chiến lược trong khu vực. Vì tất cả những mục đích thực tiễn, Singapore đã trở thành một đồng minh trên thực tế mà không có một thỏa thuận chính thức nào theo nghĩa đó. Nhưng Singapore, với cộng đồng dân số chủ yếu là người Hoa, cũng đã duy trì mối quan hệ đúng mực thân cận với Trung Quốc – và các nhà lãnh đạo Singapore đã tự do cố vấn cho cả Bắc Kinh lẫn Washington.

Mối lo ngại an ninh tối cao của Việt Nam: Trung Quốc

Lôgích quân sự của chiến lược tái cân bằng lập luận ủng hộ mở rộng và đa dạng hóa hợp tác quốc phòng của Mỹ với các nước Đông Nam Á khác bên ngoài nhóm cốt lõi này. Nước đáng chú ý nhất, và có khả năng là quan trọng nhất, trong số này là Việt Nam. Việt Nam có một vị trí chiến lược độc nhất vô nhị do các biên giới chung trên đất liền và trên biển của nước này với Trung Quốc (và 3.000 năm qua lại gần gũi giữa người Việt và người Hán) – và lịch sử gần đây của nước này về cuộc chiến tranh với Mỹ. Nhưng trong lịch sử cũng có một cuộc chiến tranh ngắn ngủi, đẫm máu gần đây hơn (1979) với Trung Quốc, trong đó PLA phái 30 sư đoàn lục quân tràn qua biên giới để tấn công Việt Nam. Đối với người Việt Nam, điều này đơn thuần đã xác nhận Trung Quốc đã, và sẽ luôn, là mối lo ngại an ninh tối cao của Việt Nam. Hà Nội đã không quên hay tha thứ cho vụ Trung Quốc chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa ở biển Biển Đông năm 1974 – được Việt Nam coi là một phần không thể tách rời trong lãnh thổ thuộc chủ quyền của mình.

Phải mất 2 thập kỷ sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, tới giữa những năm 1990 những động thái đầu tiên để xây dựng một mối quan hệ giữa quân đội hai nước Mỹ và Việt Nam mới bắt đầu. Khi sức mạnh quân sự và sự quyết đoán của Trung Quốc tăng lên, Hà Nội đã chỉ có một đối tác đáng tin cậy để đem đến một đối trọng và thậm chí một chút sự bảo vệ - đó là Mỹ. Trong 20 năm kể từ những tương tác đầu tiên, được dàn dựng kỹ lưỡng đó, quan hệ giữa hai quân đội đã phát triển ở một tốc độ được kiểm soát nhưng đều đặn. Các chuyến thăm Việt Nam của tàu hải quân Mỹ đã trở thành các sự kiện thường xuyên. Tháng 6/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã tới Vịnh Cam Ranh trên một tàu tiếp tế Hải quân Mỹ và đón tiếp một đoàn đại biểu các sĩ quan cấp cao quân đội Việt Nam. Mới đây, đáp lại sự vận động hành lang của Việt Nam, Mỹ đã nới lỏng một phần các hạn chế bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Có dấu hiệu rõ ràng cho thấy Washington cũng đã sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam về Cảnh sát Biển của nước này và “khả năng trên biển” (rađa bờ biển, các hệ thống thông tin liên lạc và máy bay do thám). Nhịp độ và chiều sâu hợp tác được xác định một cách cẩn thận ở cả hai thủ đô với một số sự kiềm chế sẵn có. Mỹ tiếp tục tìm kiếm “tiến bộ có thể chứng minh được về nhân quyền” trong khi ban lãnh đạo đảng Việt Nam coi sức ép của Mỹ đòi cải cách chính trị là một mối đe dọa đối với sự cầm quyền của họ. Việt Nam cũng phải liên tục đánh giá phản ứng của Trung Quốc đối với những dấu hiệu ấm lên giữa Lầu Năm Góc và Bộ Quốc phòng Việt Nam. Cả hai Bộ Quốc phòng đều đã thể hiện rõ ràng mong muốn của họ về một mối quan hệ gần gũi hơn – nhưng xa và nhanh tới đâu vẫn là một vấn đề phải tính toán cẩn thận. Có một nhân tố không nói ra khác trong tư duy của Mỹ. Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á mà các quan chức quốc phòng Mỹ tin rằng sẽ thực sự chiến đấu nếu bị Trung Quốc gây áp lực đủ lớn.

Malaysia: Quan hệ kinh tế thân cận với Trung Quốc, quan hệ an ninh thân cận với Mỹ

Cả Malaysia lẫn Indonesia đều nằm trong nhóm các nước thân thiết dù không phải là đồng minh với mối quan hệ quốc phòng khiêm tốn nhưng ngày càng phát triển với Mỹ - trong khi cả hai nuôi dưỡng quan hệ thân thiện với Trung Quốc, kể cả hợp tác giữa hai quân đội ở một mức độ nào đó. Malaysia đáng chú ý vì thực tế rằng mối quan hệ an ninh (quốc phòng và tình báo) đã không bị phá hoại suốt một thời kỳ dài bất hòa về chính trị/ngoại giao trùng hợp với thời kỳ nắm quyền của Thủ tướng Mahathir (1981-2003). Môi trường chính trị đã ấm lên đáng kể từ khi Thủ tướng Najib Razak lên nắm quyền năm 2010 – và với đó là tiềm năng hợp tác quốc phòng gia tăng. Malaysia đã ngày càng dễ tiếp nhận khi các lực lượng hải quân/hàng hải của Trung Quốc bắt đầu xuất hiện ở các vùng biển thuộc cực Nam của Biển Đông rất gần Malaysia. Theo yêu cầu của Kuala Lumpur, Mỹ đã hỗ trợ các kế hoạch của Malaysia về căn cứ hải quân mới ở Bintulu trên biển Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia đã tuyên bố rằng nước ông “muốn tận dụng kiến thức chuyên môn của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ và đã thảo luận với Mỹ về hỗ trợ, huấn luyện và trao đổi chuyên môn”. Malaysia cũng đã cho phép các máy bay do thám Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra không công khai trên biển Biển Đông từ một căn cứ hải quân Malaysia ở đảo Labuan. “Đối thoại chiến lược cấp cao” đã trở thành một đặc trưng hàng năm của tương tác quốc phòng Mỹ-Malaysia. Các nhà lập kế hoạch ở Lầu Năm Góc nhận thấy tiềm năng bề nổi đáng kể trong quan hệ quốc phòng Mỹ-Malaysia – nhưng một lần nữa tốc độ và quy mô có thể có vẫn rất thiếu chắc chắn. Một trở ngại quan trọng là quan hệ kinh tế sâu sắc của Malaysia với Trung Quốc và mức độ hưởng lợi của giới tinh hoa chính trị từ mối quan hệ đó. Tháng 4/2014, Tổng thống Obama đã trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Malaysia sau 48 năm.

Indonesia: Lo lắng ngày càng nhiều với Trung Quốc, quan hệ an ninh ngày càng phát triển với Mỹ

Indonesia, nước lớn nhất và quan trọng nhất ở Đông Nam Á, chưa bao giờ có một mối quan hệ an ninh gần gũi với Mỹ. Trong kỷ nguyên Sukarno (1945-1965), mối quan hệ này đã trở nên thù địch công khai khi nhà lãnh đạo Indonesia củng cố quan hệ của ông với Đảng Cộng sản Indonesia và Trung Quốc. Với việc Sukarno bị lật đổ và sự xuất hiện của một chính phủ “Trật tự mới” định hướng phương Tây dưới thời Tổng thống Suharto, quan hệ chính trị, kinh tế và ngoại giao đã cải thiện mạnh mẽ. Nhưng các lực lượng vũ trang Indonesia đã nuôi dưỡng một sự hoài nghi không thay đổi về quân đội Mỹ bắt nguồn từ sự ủng hộ bán quân sự của CIA cho một phong trào ly khai chống Cộng sản trong những năm 1950 bên ngoài Java. Hồ sơ dài về sự tàn bạo của quân đội Indonesia ở Timor Leste, phần lớn trong đó được truyền thông quốc tế chứng kiến, và sự đàn áp sau đó của nước này đối với những cuộc phản kháng của sinh viên phản đối Suharto ở Jakarta tất cả đều để lại cho nước này một hồ sơ nhân quyền hoen ố sâu sắc (trong mắt Mỹ). Các biện pháp trừng phạt do Quốc hội đưa ra đã hạn chế nặng nề tương tác giữa quân đội Mỹ với quân đội Indonesia. Sự sụp đổ của Suharto, sự nổi lên đáng của một nền dân chủ Indonesia hoạt động đúng chức năng, và những mối lo ngại chung về chống khủng bố sau vụ 11/9 tất cả đã xóa bỏ các hạn chế hợp tác giữa hai quân đội. Cứu trợ thảm họa mang tính quyết định mà Hải quân Mỹ cung cấp để đối phó với trận sóng thần kinh hoàng năm 2008 cùng với sự bất bình ngày càng tăng của Indonesia về các hoạt động bành trướng của Trung Quốc ở biển Biển Đông đã đặt ra tiền đề cho một mối quan hệ an ninh Indonesia-Mỹ gần gũi hơn bao giờ hết. Hai quân đội tiến hành các cuộc tham vấn hàng năm ở cấp sĩ quan cao cấp và kể từ năm 2010 đã tham gia các cuộc tập trận chung. Washington đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương – để bổ sung các máy bay tấn công Apache được cho là sẽ được đưa vào phiên chế ở Indonesia năm 2016. Cuối năm 2015, Tổng thống Jokowi sẽ tới thăm Nhà Trắng. Chuyến thăm đó có thể đem đến một dịp để gia tăng thêm các “sản phẩm” hợp tác quốc phòng.
Bước ngoặt tiến tới dân chủ của Myanmar

Myanmar và Mỹ đã bắt đầu một giai đoạn bất hòa sâu sắc sau các cuộc biểu tình của sinh viên chống lại chính quyền quân sự (năm 1988) và việc chính quyền quân sự bác bỏ kết quả bầu cử (năm 1990) trong đó phe đối lập do Aung San Suu Kyi lãnh đạo đã giành chiến thắng. Mỹ và châu Âu đã đáp lại bằng những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc khiến Myanmar phụ thuộc sâu sắc vào Trung Quốc về hỗ trợ kinh tế, ngoại giao và quân sự. Nhưng với cuộc bầu cử năm 2011, Myanmar đã bắt đầu một bước ngoặt bất ngờ tiến tới dân chủ và dân trị. Aung San Suu Kyi đã được thả và được cho phép hoạt động chính trị trở lại. Quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Washington và Naypyidaw đã được nối lại; phần lớn các biện pháp trừng phạt đã được tạm ngưng và cả Ngoại trưởng Clinton lẫn Tổng thống Obama đều đã tới thăm Myanmar. Bất chấp những diễn biến này, quan hệ giữa hai quân đội vẫn bị hạn chế chặt chẽ. Sự hợp tác của Mỹ với quân đội Myanmar bao gồm việc cho phép các nhà quan sát tham gia trong hai cuộc tập trận Hổ mang Vàng mới nhất, và những cuộc trao đổi và hội thảo về nhân quyền và kiểm soát dân sự đối với quân đội. Năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã mời Myanmar cử một đại diện đến cuộc họp đầu tiên của các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN được tổ chức ở Mỹ.

Bất chấp mức độ hoạt động khiêm tốn này, tiềm năng cho quan hệ giữa hai quân đội là đầy hấp dẫn. Rõ ràng các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của Myanmar lo lắng về việc giảm sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc. Cũng rõ ràng rằng họ coi quân đội Mỹ là tiêu chuẩn vàng toàn cầu – và do đó vô cùng thu hút. Nhưng không điều nào trong số này sẽ đem lại những kết quả hữu hình trừ phi quân đội Myanmar có thể cải thiện đáng kể hồ sơ của mình về nhân quyền và đàn áp bạo lực các nhóm sắc tộc thiểu số – trong khi thể hiện một cam kết đáng tin cậy để tiếp tục củng cố dân chủ và dân trị.

Tầm quan trọng của liên kết chiến lược Mỹ-Đông Nam Á

Tập hợp các liên minh, quan hệ đối tác, dàn xếp và cơ sở đa dạng, hay thay đổi này bổ sung thêm được điều gì về mặt chiến lược? Trong bối cảnh tái cân bằng, chúng cấu thành một tài sản đáng kể nhưng không cố định. Chúng đem lại những cơ sở và sự hỗ trợ cơ sở hạ tầng thực sự (nhất là Singapore, Philippines và Australia). Những cam kết đồng minh cho thấy một sự ủng hộ tác chiến hữu hình nào đó trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ nhất định về quân sự. Tiềm năng cho sự tiếp cận có giới hạn bổ sung đối với các cơ sở khác sẽ tồn tại trong trường hợp của Việt Nam và có thể Malaysia và/hoặc Indonesia. Tất cả điều này, mang lại một mức độ ủng hộ ngoại giao/chính trị/tượng trưng – rằng Mỹ không hành động một mình hoặc không có bạn bè khi nước này tìm cách khiến việc tái cân bằng trở nên hiệu quả một cách chiến lược. Điều này, lại phụ thuộc vào nhận thức chung rằng các lợi ích chiến lược của Mỹ và Đông Nam Á liên kết với nhau. Đây là nền tảng của chiến lược tái cân bằng. 

Và cuối cùng, chiến lược tái cân bằng chỉ có thể hiệu quả – và duy trì theo thời gian – nếu nó trao sức mạnh cho các nước trong khu vực để đứng lên đối đầu với Trung Quốc. Điều đó, sẽ đòi hỏi Mỹ phải thể hiện cả ý chí lẫn khả năng – về quân sự – để ngăn chặn sự bành trướng lãnh thổ hơn nữa của Trung Quốc. Nó cũng sẽ đòi hỏi các chính phủ Đông Nam Á phải chấp nhận chiến lược tái cân bằng là công việc của họ và hành động với Mỹ để xây dựng khả năng biến nó trở nên khả thi về mặt chiến lược./. 

Theo Foreign Policy Research Institute

Thùy Anh (gt)