152cdf66fbadea_img.jpg

Người đứng đầu Lực lượng Không quân Mỹ bà Deborah James cho biết không quân và hải quân Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động "tự do hàng hải" ở Biển Đông nhằm đáp trả việc Trung Quốc quân sự hóa và xây đảo nhân tạo trái phép ở vùng biển này, đồng thời coi hoạt động bồi đắp các bãi đá của Trung Quốc ở Biển Đông là các hành vi "đáng lo ngại".

Sau chuyến công du kéo dài hai tuần vừa qua ở châu Á, bao gồm nhiều cuộc họp với lãnh đạo các quốc gia đồng minh, bà James đi đến kết luận rằng Trung Quốc rõ ràng đang nỗ lực củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý của mình trên Biển Đông thông qua hoạt động xây đảo nhân tạo. "Ở những nơi chúng tôi đến thăm, chúng tôi đều thảo luận về tình hình Biển Đông. Trung Quốc vẫn đang xây đảo nhân tạo và không có dấu hiệu ngừng lại. Đây rõ ràng là điều đáng quan ngại. Chúng tôi muốn một mối quan hệ tốt đẹp và cân bằng với Trung Quốc, nhưng chúng tôi cũng muốn Bắc Kinh tuân thủ luật pháp.”

Chắc chắn Washington sẽ tiến hành thêm các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông", bà James nhấn mạnh. Gần đây, báo "Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng" dẫn lời giới chức Trung Quốc cho biết Bắc Kinh thực sự có thể thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Nếu như vậy, rõ ràng là hành động này đang khiêu khích và có khả năng châm ngòi cho những phản ứng mạnh mẽ từ phía Mỹ và các đồng minh. Hơn nữa, trong tình huống này, không quân Mỹ rất có thể sẽ tiến hành các hoạt động đảm bảo quyền "tự do trên không".

Hoạt động bồi đắp các bãi đá của Trung Quốc ở Biển Đông đã tạo ra hơn 1.620 héc-ta lãnh thổ nhân tạo, trong đó bao gồm cả các công trình hạ tầng như đường băng, tháp chỉ huy và kiểm soát. Ngoài ra, nhiều báo cáo còn cho biết Bắc Kinh đã di chuyển các máy bay chiến đấu, cũng như thay đổi vị trí của các hệ thống vũ khí (như hệ thống tên lửa pháo binh và đất đối không) trên các đảo nhân tạo này. Theo bà James, "Việc Trung Quốc mở rộng 'tầm với' là điều rất đáng quan ngại. Đây cũng là lý do khiến các đồng minh của Mỹ trong khu vực yêu cầu sự hỗ trợ từ lực lượng không quân Mỹ để đẩy mạnh sự hiện diện và hoạt động của lực lượng này. Cụ thể căn cứ không quân hiện có 45.000 binh lính ở Thái Bình Dương và sử dụng chiến lược "máy bay ném bom liên tục" nhờ việc triển khai các máy bay B1, B2 và B52",

Các quan chức Lầu Năm Góc đã chỉ trích nỗ lực liên tục của Trung Quốc trong việc xây dựng các đảo nhân tạo ở gần hoặc trong khu vực thuộc quần đảo Trường Sa và gọi đó là hoạt động "khai hoang". Đây dường như còn là một nỗ lực ngang ngược của Bắc Kinh nhằm củng cố và tăng cường yêu sách lãnh thổ ngày càng mở rộng ở Biển Đông. Tuy nhiên, lập trường của Mỹ (căn cứ vào một số quy định quan trọng củaUNCLOS năm 1982) xác định rằng các cấu trúc nhân tạo không thể xác định hoặc "cấu thành" lãnh thổ đảo hợp pháp. Do đó, các lực lượng quân sự Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động "tự do hàng hải" và "tự do trên không" trong khuôn khổ "phù hợp với luật pháp quốc tế".

Trước đó, Người phát ngôn của lực lượng hải quân Mỹ Terry Loren nhấn mạnh: "Hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tại khu vực biển quốc tế ở Biển Đông. Mặc dù chúng tôi chưa thể bình luận nhiều về các hoạt động cụ thể tại khu vực này, nhưng Mỹ có lập trường kiên định trong việc duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, duy trì thương mại hợp pháp không bị cản trở, duy trì tự do hàng hải và trên không, đồng thời giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình".

Theo "National Interest"

Hùng Sơn (gt)