putin-and-obama.jpg

 

 

Sau khi đánh giá các chứng cứ tình báo, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đưa ra kết luận rằng Washington sở hữu đầy đủ bằng chứng về việc các đơn vị thông tin mạng của Nga đã xâm nhập vào các tổ chức chính trị của Mỹ trong suốt chiến dịch tranh cử tổng thống ở Mỹ gần đây. Quyết định giải quyết vấn đề này đã không được chuyển giao cho chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump, mà thay vào đó chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Obama đã đi trước một bước với một loạt biện pháp trừng phạt áp đặt đối với các nhà ngoại giao, các công ty và các cơ quan đại diện của Nga tại Mỹ.

Các biện pháp trừng phạt Nga được Washington áp đặt trong tuần qua (giống như nhiều biện pháp trừng phạt khác đã được thực thi sau khi Moskva sáp nhập Crimea năm 2014) được ban hành trên cơ sở quyền của tổng thống. Vì đây là những hành động mà tổng thống quyết định nên các biện pháp trừng phạt này có thể sẽ bị ông Donald Trump "đảo ngược" sau khi nhậm chức vào ngày 20/1 tới.

Thật vậy, phản ứng ngọt ngào ban đầu của Nga cho thấy một số nhân vật trong Điện Kremlin hy vọng rằng tổng thống thứ 45 của nước Mỹ sẽ đảo ngược quyết định này (chẳng hạn như việc phong tỏa các cơ sở của Nga ở Maryland và Long Island). Thách thức hiện nay là các thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ - những người hoài nghi cả về ý định của Nga và cam kết mà đội ngũ an ninh quốc gia của ông Trump đã đưa ra - có thể sẽ thảo luận với đảng Dân chủ và chính quyền sắp mãn nhiệm về thực hiện lệnh trừng phạt Nga bằng hành động lập pháp, và điều này sẽ khiến ông Trump gặp khó khăn nếu muốn "đảo ngược" quyết định trên.

Tương tự như các biện pháp trừng phạt Cuba và Iran đã được đưa vào luật của Mỹ khi Quốc hội thông qua (đáng chú ý nhất trong năm 1996) hoặc các lệnh trừng phạt trước đó như luật sửa đổi Jackson-Vanick, việc đưa các lệnh trừng phạt đối với Crimea, Ukraine vào luật pháp Mỹ sẽ hạn chế khả năng tự do hành động của ông Trump bằng cách khiến ông không thể đơn phương thay đổi biện pháp trừng phạt mà không có sự cho phép của Quốc hội.

Hơn nữa, một khi lệnh trừng phạt của Quốc hội Mỹ được đưa ra thì việc xây dựng sự đồng thuận để xóa bỏ lệnh trừng phạt còn "khó khăn gấp bội" bởi hành động trong nước và quốc tế của Nga sẽ luôn khơi dậy sự giận dữ của các cử tri quan trọng trong Quốc hội nước này. Những trận chiến kéo dài hàng thập kỷ đã dẫn tới sự ra đời của đạo luật Jackson-Vanik - mặc dù các hành động của Nga đã được đánh giá là phù hợp với nhiệm vụ của họ trong những năm 1990 - và được "luật hóa" để giới hạn những gì mà hai Tổng thống Mỹ lúc đó là Clinton và Bush lúc đó có thể đạt được với Nga.

Tổng thống sắp mãn nhiệm Obama có nhiều lợi thế khi nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên Quốc hội. Mặc dù đã rất muốn ủng hộ chính sách ngoại giao của ông Obama nhưng cuối cùng những người này vẫn phải hứa sẽ thay đổi một loạt biện pháp trừng phạt (như trong luật Magnitsky). Nếu Quốc hội Mỹ can thiệp vào lệnh trừng phạt mới đối với nước Nga, không cho tổng thống cơ hội để xóa bỏ các lệnh trừng phạt trên cơ sở an ninh quốc gia hoặc xác định thời gian thực hiện các lệnh trừng phạt ấy, đồng thời bất cứ thay đổi nào trong lệnh trừng phạt sẽ chỉ xảy ra thông qua cuộc bỏ phiếu của Quốc hội, thì kể cả ông Donald Trump, Rex Tillerson, Michael Flynn hay bất cứ ai khác cũng không thể tận dụng lợi ích của các biện pháp trừng phạt hoặc thậm chí biến chúng thành một "quân bài" mặc cả trong các giao dịch với Điện Kremlin trong tương lai - do quyền thay đổi sẽ không nằm trong tay họ nữa mà phụ thuộc vào Quốc hội.

Sau đó, chính quyền Donald Trump sẽ phải chiến đấu trên cả hai mặt trận: một là cố gắng đàm phán thỏa thuận với Nga (ví dụ về tương lai của Ukraine), hai là chờ xem liệu Quốc hội có ủng hộ quyết định luật hóa hay sửa đổi các lệnh trừng phạt đó hay không. Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đã chuẩn bị phản ứng với các biện pháp trừng phạt mới nhất, nhưng Moskva cũng vẫn đang "đếm ngược từng ngày" chờ đến thời điểm chính quyền mới ở Mỹ nhậm chức. Bên cạnh đó, Nga đang cố gắng kết thúc các trò chơi, đặc biệt là ở Syria, trước khi ông Trump bước vào Nhà Trắng.    

Theo "National Interest"

Hương Trà (gt)