Mặc dù Hải quân Mỹ đã thực hiện các chuyến đi như vậy từ trước tới nay nhằm đảm bảo tự do hàng hải tại khu vực này, song đây là lần đầu tiên một tàu chiến Mỹ đã đến rất gần các đảo mà Trung Quốc chiếm giữ. Hoạt động bay qua khu vực này là một phần trong nỗ lực tăng cường của Mỹ nhằm ngăn chặn Trung Quốc thúc đẩy các  yêu sách chủ quyền của nước này tại quần đảo Trường Sa một cách quá hung hăng. Nỗ lực đó bao gồm việc công khai đặt vấn đề về các yêu sách biển của Trung Quốc hồi tháng 12/2014 và khuyến khích Nhật Bản đóng một vai trò an ninh lớn hơn tại khu vực hồi đầu năm nay.

Mới đây, Mỹ cũng đã tiết lộ rằng nước này đang cân nhắc triển kahi tàu và máy bay trinh sát đi vào phạm vi 12 hải lý (vùng lãnh hải xung quanh các đảo tự nhiên được quốc tế công nhận) của các đảo mới được Trung Quốc xây dựng, những đảo mà Mỹ không công nhận là các đảo tự nhiên. Nếu điều đó xảy ra, một vụ chạm trán giữa các lực lượng của Mỹ và Trung Quốc có thể diễn ra.

Hiện nay, tàu Fort Worth có căn cứ tại Singapore, là chiến hạm duy nhất mà cảng nhà của nó thể là bất cứ nơi đâu gần quần đảo Trường Sa. Mặc dù Hải quân Mỹ có kế hoạch cuối cùng là đồn trú bốn tàu ven biển của mình tại Singapore, song vào thời điểm nào thì vẫn còn chưa rõ. Bên cạnh đó, hoạt động tuần tra của tàu vỏ xám (tàu quân sự) của Mỹ ở Biển Đông thực sự sẽ rất thưa thớt.

Do đó, Lầu Năm Góc cần phải xem xét cách thức nước này sẽ phản ứng trước một cuộc khủng hoảng nếu nó xảy ra ở Biển Đông. Nhìn chung, Hải quân Mỹ sẽ đưa lực lượng từ các nơi khác trên thế giới đến khu vực này. Tuy nhiên để tới được Biển Đông, những lực lượng này sẽ phải đi qua hoặc tới gần một số nút thắt. Những nút thắt đó sẽ là các địa điểm tự nhiên mà Trung Quốc có thể đánh chặn lực lượng của Mỹ.

Hạm đội 7 của Mỹ đóng ở Nhật Bản sẽ là lực lượng tiếp viện gần nhất mà Mỹ có thể điều động. Lực lượng này cũng dễ bị Trung Quốc đánh chặn nhất. Để tới được Biển Đông, Hạm đội 7 nhiều khả năng sẽ di chuyển xuống sườn phía Đông của quần đảo Ryukyu và qua eo biển Luzon. Trên đường đi, nó sẽ vượt qua eo biển Miyako, nơi mà các tàu ngầm và tàu chiến của Hạm đội Đông Hải của Trung Quốc được tin là đổ về Thái Bình Dương. Sau đó, khi hạm đội 7 của Mỹ đi qua eo biển Luzon, nó sẽ phải đối mặt với lực lượng hải quân và không quân Trung Quốc đóng dọc theo bờ biển phía Nam của nước này, trong đó có các căn cứ chính của Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc tại Trạm Giang và Vịnh Á Long. Mặc dù các tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles di chuyển dưới mặt nước từ đảo Guam có thể tránh được lực lượng không quân của Trung Quốc, song các lực lượng cả trên và dưới mặt nước của Mỹ nhiều khả năng sẽ chạm trán với các tàu ngầm của Trung Quốc trong các không gian chật hẹp của eo biển Luzon và trong các vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa.

Hạm đội 5 của Mỹ thường hoạt động gần vùng Vịnh Persian sẽ là nguồn tiếp viện gần nhất tiếp theo. Thách thức chủ yếu của nó để tới được Biển Đông sẽ là phải di chuyển tự do xuyên qua eo biển Malacca dài và hẹp. Tại đó, lực lượng hải quân và không quân có năng lực của Singapore có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc theo dõi các máy bay và tàu ngầm của Trung Quốc, thậm chí trong trường hợp bản thân Singapore không muốn can dự trực tiếp vào tranh chấp này.

Các lực lượng cuối cùng tới Biển Đông có thể được triển khai từ những nơi xa hơn như đảo Hawaii hay Bờ Tây nước Mỹ. Lực lượng này, chủ yếu được lấy từ Hạm đội 3 của Mỹ, có thể chọn cách tránh eo biển Luzon và hỗ trợ các hoạt động tác chiến tại Biển Đông từ các vùng biển Sulu hoặc Celebes. Tại đây, lực lượng trên có thể hoạt động trong điều kiện tương đối an toàn, mặc dù vẫn nằm trong tầm bắn của các tên lửa đạn đạo chống tàu của Trung Quốc. Ít nhất các ngọn núi của đảo Palawan sẽ làm giảm khả năng của các thiết bị định vị tần số cao đặt trên trên đất liền cũng như loại radar định vị tầm xa của Trung Quốc. Hoạt động tiếp tế có thể thực hiện bằng đường không qua Zamboanga (nơi lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã hoạt động trong khoảng một thập kỷ qua) hoặc bằng tàu qua Davao (Philippines) hoặc Koror (Cộng hòa Palau).

Tất cả những điều trên cho thấy sự thành công hay thất bại của phản ứng của Mỹ trước một cuộc khủng hoảng ở Biển Đông phụ thuộc một phần không nhỏ vào những gì diễn ra ở bên trong và gần các eo biển này. Các tư lệnh hải quân Mỹ cần phải quan tâm tới các eo biển này. Điều này nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng lâu dài của vị trí địa lý, ngay cả trong các trận hải chiến./.

Theo “Eurasia Review

Anh Thư (gt)