Tuần qua, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work đã nêu rõ rằng Mỹ sẽ không chấp nhận Trung Quốc áp đặt một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Ông Work phát biểu trên tờ “Bưu điện Washington: “Chúng tôi sẽ không công nhận ADIZ ở Biển Đông”, đồng thời lưu ý rằng một động thái chiến lược tương tự ở Biển Hoa Đông cũng không được Mỹ công nhận... vì nó “không có cơ sở luật pháp quốc tế, và chúng tôi đã nói đi nói lại rằng chúng tôi sẽ đi qua bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.

Theo các quan chức Lầu Năm Góc, có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang lên kế hoạch áp đặt một ADIZ mới ở khu vực mà giới quân sự Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với khoảng 1.200 ha đảo đang tranh chấp và bắt đầu đưa tên lửa - cả tên lửa phòng không và gần đây là tên lửa chống hạm - tới Đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Trung Quốc không phủ nhận việc nước này đang cân nhắc thiết lập một vùng cấm bay mới. Các phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc từng nói rằng việc một ADIZ được tuyên bố hay không là tùy thuộc vào các mối đe dọa. Đây là một tuyên bố bóng gió rằng những hoạt động tự do hàng hải của Hải quân Mỹ trong phạm vi 12 dặm quanh các đảo tranh chấp là lý do căn bản cho việc xác lập khu vực này.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có áp đặt ADIZ (ở Biển Đông) hay không, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân không ngần ngại nói rằng điều này có thể sẽ được thực hiện trong tương lai. Ông nói: “Về ADIZ ở Biển Đông, chúng tôi đã nhiều lần nhắc lại lập trường của mình. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là việc thành lập một ADIZ là quyền của một quốc gia có chủ quyền và chúng tôi không cần các nước khác phải đưa ra ý kiến”.

Theo các quan chức Lầu Năm Góc, nếu Trung Quốc tuyên bố thiếp lập ADIZ ở Biển Đông thì không những căng thẳng trong khu vực sẽ tăng cao mà khả năng đối đầu quân sự (giữa Trung Quốc) với các lực lượng của Mỹ - cả trên không và trên biển - có thể xảy ra. Theo lời các quan chức thì nếu áp đặt ADIZ ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ yêu cầu tất cả các máy bay bay qua khu vực này phải thông báo cho giới hữu trách Trung Quốc trước mỗi chuyến bay. Như thế, việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Đông có thể báo hiệu một giai đoạn tiếp theo, trong đó Trung Quốc muốn các nước phải "luồn cúi" trước sự bá chủ của Trung Quốc ở khu vực này. Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, từng nói rằng đó là một phần trong mục tiêu của Trung Quốc muốn “thay đổi hiện trạng hoạt động” ở khu vực.

Các cơ quan tình báo Mỹ đang theo dõi chặt chẽ các hoạt động và phát ngôn của Trung Quốc, và tháng trước đã kết luận rằng Bắc Kinh đang tiến tới việc áp đặt vùng cấm bay ở Biển Đông. Truyền thông nhà nước Trung Quốc kể từ tháng 10/2015 đã liên tục kêu gọi áp đặt một ADIZ của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu quân sự Vương Hồng Lượng, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia ở Thượng Hải, đã công bố một bài viết phác thảo phản ứng của Mỹ trước việc máy bay Mỹ bị bắn hạ ở Biển Đông. Ông Vương cho rằng Washington sẽ phản ứng theo một trong 3 cách: trả đũa quân sự ngay sau hành động ngăn chặn về ngoại giao và quân sự; gia tăng áp lực ngoại giao thông qua ngăn chặn quân sự mà không sử dụng lực lượng vũ trang; và phát động tấn công chớp nhoáng nhằm vào các mục tiêu quân sự và chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông và sau đó nhanh chóng xuống thang để tránh chiến tranh lan rộng. 

Nhà nghiên cứu này kết luận: vì Trung Quốc chưa áp đặt ADIZ ở Biển Đông nên Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thiếu các quy định bay an toàn ở khu vực được gọi là “không phận đang tranh chấp mà Trung Quốc có thể tuyên bố cho nước ngoài biết”. Ông nhấn mạnh: “Nếu máy bay Mỹ bay vào không phận này, Bắc Kinh đương nhiên có quyền bắn hạ theo như nhận thức của mình về quyền sở hữu các đảo này. Điều này không vi phạm luật pháp quốc tế, dù Mỹ và một số nước (ở Biển Đông) sẽ không nhìn nhận mọi việc theo cách này. Điều đó thực sự là nguy cơ lớn nhất để tai nạn xảy ra ở không phận Biển Hoa Nam”.

Tư lệnh Harris đã nêu rõ rằng về mặt quân sự, các trang thiết bị quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, hiện tại là các sân bay, tên lửa phòng không HQ-9 và tên lửa mang đầu đạn hạt nhân YJ-62, có thể dễ dàng bị phá hủy bởi lực lượng quân sự tinh nhuệ của Mỹ với các khả năng tấn công chính xác. Do đó Trung Quốc đang tìm cách tránh đối đầu quân sự trực diện với Mỹ và thay vào đó sử dụng cuộc chiến tranh pháp lý, tâm lý và truyền thông để đạt được mục tiêu của mình là biến Biển Đông thành "ao nhà" của Trung Quốc.

Bài viết có tính kích động về việc bắn hạ máy bay quân sự Mỹ rõ ràng là một phần trong cuộc chiến tranh cân não của Trung Quốc với Mỹ và nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng cường kiểm soát ở Biển Đông. Và như vậy, mọi việc có thể sẽ sớm trở nên căng thẳng. Một quan chức Lầu Năm Góc nói: “Trung Quốc có thể tuyên bố ADIZ (ở Biển Đông) bất cứ lúc nào”.

Theo Asia Times

Văn Cường (gt)