11898-1.jpg

Động thái trên được cho là nhằm đẩy lùi những nỗ lực của Trung Quốc tại vùng biển này. Tuyên bố trên của ông Carter được đưa ra sau cuộc họp kéo dài hai ngày giữa các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của Mỹ và Úc. Hai đồng minh lâu năm này nhất trí mở rộng hợp tác quốc phòng và bày tỏ “quan ngại sâu sắc” đối với các công trình mà Bắc Kinh xây dựng trên các đảo tranh chấp.

Bộ trưởng Carter nói: “Không hề có sai lầm, Mỹ sẽ điều máy bay, tàu thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. Chúng tôi đã làm điều này trên khắp thế giới và Biển Đông không phải là một ngoại lệ”. Người đứng đầu Lầu Năm Góc nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiến hành điều đó vào thời gian và địa điểm mà chúng tôi lựa chọn.” Bộ trưởng Carter cũng được hỏi về những báo cáo cho biết Mỹ đã quyết định tiến hành các chương trình tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền xung quanh các hòn đảo được xây dựng trên những rạn đá ngầm ở quần đảo Trường Sa.

Tại Bắc Kinh, khi được hỏi về những tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc không quân sự hóa khu vực Biển Đông. Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh: “Tôi muốn chỉ ra rằng một vài quốc gia, ở trong khu vực cách xa những vùng đất của họ, đã triển khai vũ khí tấn công trên phạm vi lớn và không ngừng tăng cường sức mạnh quân sự của họ ở Biển Đông”. Theo bà Hoa Xuân Oánh, đây là "nhân tố lớn nhất trong quá trình quân sự hóa ở Biển Đông. Chúng tôi hi vọng các quốc gia liên quan chấm dứt thổi phồng vấn đề Biển Đông".

Trong cuộc họp nói trên, ngoài sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter còn có sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne. Đây là hội nghị thường kỳ giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai nước. Tuyên bố chung của hội nghị kêu gọi “các bên liên quan chấm dứt hoạt động cải tạo đất, xây dựng và quân sự hóa”. Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop bày tỏ vui mừng trước tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng trước rằng Trung Quốc không có ý định quân sự hóa các hòn đảo và cho biết bà hi vọng Bắc Kinh sẽ giữ vững cam kết của mình.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông. Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao nước này cảnh báo Bắc Kinh không ủng hộ sự xâm phạm các vùng nước thuộc lãnh thổ nước này dưới danh nghĩa tự do hàng hải. Một số nhà phân tích ở Washington tin rằng việc tuần tra của Mỹ có thể sẽ diễn ra vào cuối tuần này hoặc trong tuần sau. Phía Mỹ cho biết trong luật quốc tế, việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo trên các bãi đá ngầm trước đây chìm dưới mặt biển không cho phép một quốc gia tuyên bố giới hạn lãnh thổ và việc duy trì tự do hàng hải ở vùng biển mà mỗi năm có hơn 5.000 tỷ USD giá trị thương mại thế giới vận chuyển qua lại này là hết sức quan trọng.

Điều làm gia tăng căng thẳng ở vùng biển tranh chấp là việc Trung Quốc hồi tuần trước đã tổ chức lễ khánh thành hai ngọn hải đăng ở Đá Châu Viên và Đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Ngày 14/10, Việt Nam phản đối Trung Quốc về việc xây dựng các ngọn hải đăng, cho rằng động thái trên vi phạm chủ quyền của Việt Nam và làm gia tăng căng thẳng.

Theo “Scmp

Quang Lê (gt)