Ngoại trưởng Philíppin Albert del Rosario, trong chuyến thăm Oasinhtơn, đã nói rằng Philíppin hy vọng sẽ thuê được các trang thiết bị nhằm nâng cấp hạm đội đã lỗi thời của họ và kêu gọi hai nước đồng minh này (Mỹ và Philíppin) hàn gắn quan hệ trong bối cảnh có những mâu thuẫn với Trung Quốc. Khi được hỏi về danh sách các vũ khí hạng nặng mà phía Philíppin yêu cầu, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nói tại một cuộc họp báo chung rằng: "Chúng tôi quyết tâm và cam kết hỗ trợ quốc phòng cho Philíppin". Bà Clinton cho biết hai nước đang tiến hành "xác định xem Philíppin cần thêm những loại vũ khí nào và cách tốt nhất để Mỹ cung cấp các loại vũ khí đó (cho Manila)". Bà cũng cho biết Ngoại trưởng del Rosario sẽ gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates và các quan chức khác của Lầu Năm Góc.

Trong những tuần gần đây, căng thẳng tại khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên đã leo thang. Phát biểu với các phóng viên, bà Clinton nói: "Chúng tôi lo ngại rằng những vụ việc rắc rối gần đây tại Biển Đông có thể hủy hoại hòa bình và sự ổn định", đồng thời hối thúc "tất cả các bên kiềm chế". Trong khi đó, Ngoại trưởng del Rosario nói rằng Philíppin là một nước nhỏ nhưng "sẵn sàng làm mọi việc cần thiết để đương đầu với bất kỳ hành động gây hấn nào ở sân sau của chúng tôi".

Philíppin cũng đã thông báo việc triển khai tàu đô đốc hải quân Rajah Humabon ở hải phận đang bị tranh chấp. Là một trong những tàu chiến cổ nhất thế giới, Rajah Humabon là tàu khu trục nhỏ của Hải quân Mỹ trước đây, từng được sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Trong lịch sử, Philíppin đã mua rất nhiều vũ khí hạng nặng đã qua sử dụng, nhưng Ngoại trưởng del Rosario nói rằng Tổng thống Benigno Aquino đã dành 11 tỷ peso (252 triệu USD) để nâng cấp hải quân. Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, Ngoại trưởng del Rosario nói: "Chúng tôi cần các nguồn lực để có thể đứng vững và tự vệ. Tôi cho rằng trong chừng mực nào đó, chúng tôi có thể làm điều này, chúng tôi sẽ trở thành đồng minh mạnh hơn của Mỹ".

Theo Đài TNHK, Philíppin muốn Mỹ cam kết hỗ trợ trong trường hợp xảy ra chiến sự với Trung Quốc theo một hiệp ước quốc phòng giữa hai bên trong 60 năm qua. Mỹ khẳng định tôn trọng hiệp ước này nhưng không cho biết sẽ hỗ trợ như thế nào trong từng trường hợp cụ thể. Tuần trước, Đại sứ Mỹ tại Philíppin Harry Thomas nhấn mạnh: “Philíppin và Mỹ là đồng minh chiến lược. Chúng tôi là những đối tác hợp tác. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến và làm việc với nhau về mọi vấn đề, kể cả vấn đề Biển Đông và quần đảo Trường Sa”.

Một chuyên gia về Biển Đông thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Xinh-ga-po, giáo sư Ian Storey, đã đề cao sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông trong bối cảnh tình hình căng thẳng hiện nay. Ông Storey nói: “Mỹ vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại Biển Đông. Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực này sẽ giúp ngăn cản các hành động gây hấn, nhưng dĩ nhiên Mỹ vẫn phải thận trọng để duy trì mối quan hệ tốt với Trung Quốc”.

Đáp lại, Trung Quốc bác bỏ những lời kêu gọi Mỹ nên đóng vai trò lớn hơn giúp giải quyết tranh chấp tại Biển Đông và cảnh cáo Mỹ không nên can thiệp. "Tạp chí Phố Uôn" tại Mỹ trích phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải rằng một số nước đang "đùa với lửa" và ông hy vọng Mỹ không bị bỏng trong vụ này.

  Theo Jakarta Globe

 Hương Trà (gt)