Tác giả bài báo nhấn mạnh xu hướng chuyển đến châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ trên thực tế là không thể tránh khỏi. Với vai trò đầu tàu dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu phát triển hiện nay, khu vực châu Á-Thái Bình Dương bao gồm cả 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản), hai quốc gia mới nổi tiềm năng nhất (Trung Quốc và Ấn Độ), bốn “con rồng nhỏ” (Hồng Công, Xinhgapo, Hàn Quốc và Đài Loan) đã trỗi dậy từ thế kỷ trước cùng hai quốc gia “tiềm năng mới nổi” (Inđônêxia và Việt Nam)… Cùng với đó, châu Á-Thái Bình Dương cũng là khu vực có cục diện biến đổi nhanh nhất, so sánh lực lượng kinh tế, chính trị và quân sự phức tạp nhất, quan hệ giữa các quốc gia thiếu ổn định nhất, các “điểm nóng” và “điểm khó” nhiều nhất. Do đó, việc coi trọng hay không coi trọng, can dự hay không can dự vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ quyết định vận mệnh của mỗi quốc gia trong thế kỷ 21. Từ trước đến nay, Mỹ chưa từng rời khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việc điều chuyển mạnh mẽ lần này chỉ là bước tăng cường tiếp theo của Oasinhtơn. Mỹ chuyển đến châu Á-Thái Bình Dương trong điều kiện đang thu hẹp chiến lược toàn cầu, điều này khác biệt rất lớn so với sự dịch chuyển từ Đông sang Tây trong bối cảnh mở rộng chiến lược toàn cầu thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh trước đây. Một bộ phận quân đội từng đồn trú nhiều năm liền ở các quốc gia thành viên NATO sẽ được Mỹ rút ra, Mỹ cũng chỉ để lại “dấu chân nhỏ” ở khu vực Mỹ Latinh và châu Phi thay vì tìm kiếm và mở rộng sự hiện diện quân sự. Chỉ bằng cách thu hẹp sự hiện diện tại các khu vực khác, Oasinhtơn mới có thể tập trung lực lượng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tác giả Đào Vân Trúc khẳng định chiến lược của Trung Quốc hoàn toàn ngược lại với chủ trương kể trên của Mỹ. Bắc Kinh đang thực hiện chiến lược “đi ra ngoài”, không chỉ có khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà còn vươn tới tất cả các nơi trên thế giới. Đầu tư quốc tế của Bắc Kinh đang dần vẽ lại bản đồ kinh tế thế giới, lưu lượng di chuyển của công nhân, lưu học sinh và khách du lịch người Trung Quốc hiển nhiên cũng lớn nhất thế giới hiện nay.

Lợi ích ở bên ngoài có quan hệ mật thiết với sự phát triển bền vững của Trung Quốc, cùng với việc “đi ra ngoài” trên lĩnh vực kinh tế tất nhiên cũng sẽ “đi ra ngoài” về phương diện quân sự. Do vậy, sự thu hẹp chiến lược toàn cầu của Mỹ rất có lợi cho việc “đi ra ngoài” một cách toàn diện của Trung Quốc. Châu Á-Thái Bình Dương là khu vực đa nguyên, đa dạng, nhiều cơ chế và lực lượng nhất, đồng thời cũng là nơi đi đầu cho cục diện đa cực hóa. Oasinhtơn khó có thể thực hiện chủ trương tập hợp các nước nhỏ xung quanh để kiềm chế Bắc Kinh do Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của một nửa số quốc gia láng giềng kể trên. Hầu như tất cả các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều hy vọng Trung Quốc tiếp tục phát triển để bản thân mình cũng thu được lợi ích từ sự phát triển đó. Một số nước mặc dù thực hiện chiến lược cân bằng giữa các nước lớn, nhưng chắc chắn không quốc gia nào thực sự hy vọng Trung-Mỹ đối kháng, hoặc tình nguyện làm tiên phong cho Oasinhtơn trong việc kiềm chế Bắc Kinh. Trung Quốc hiện nay đã vượt qua giai đoạn có thể bị bao vây và cô lập. Chỉ cần làm tốt công việc của mình, xu thế trỗi dậy của Trung Quốc sẽ không thể bị ngăn cản. Hơn nữa, trên thế giới hiện nay đang có rất nhiều sự việc khiến Mỹ bị phân tâm, không thể bỏ mặc hoặc “khoanh tay đứng nhìn”.Tác giả bài báo kết luận: Mỹ một lần nữa coi trọng châu Á-Thái Bình Dương là điều hiển nhiên. Việc Oasinhtơn thu hẹp chiến lược toàn cầu để tập trung vào châu Á-Thái Bình Dương là cơ hội đối với Trung Quốc. Chủ trương của Nhà Trắng trong việc lôi kéo các nước kiềm chế Trung Quốc chỉ “hoài công vô ích”. Trung Quốc chỉ cần nắm chắc đại mục tiêu phát triển hòa bình thì sẽ có đủ niềm tin chiến lược, ung dung thể hiện.

Theo “Thời báo hoàn cầu”-Trung Quốc (ngày 2/3)

Mỹ Anh (gt)