Bài viết dẫn lời Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương tại Đại Học Ngoại giao Trung Quốc Tô Hạo và Ian Storey, chuyên gia cao cấp tại Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á tại Singapore khẳng định, Mỹ đang tranh thủ cơ hội từ các cuộc tập trận để lôi kéo đồng minh kìm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc. Storey nhấn mạnh “Dù cả Manila và Washington đều tuyên bố rằng, cuộc tập trận thường niên Balikatan không có bất cứ mối liên hệ trực tiếp nào với các tranh chấp chủ quyền trên biển Đông nhưng rõ ràng vị trí cũng như nội dung diễn tập cho thấy điều ngược lại. Động thái mới càng giúp tăng cường sức mạnh liên minh Mỹ - Philippines nhằm chống lại Trung Quốc trước những diễn biến căng thẳng trên biển Đông”. Theo hai nhà phân tích trên, việc Mỹ và Philippines thay đổi địa điểm tập trận tư Luzon đến Palawan sát vùng biển tranh chấp hơn là một động thái đáng lưu ý. Tuy nhiên, Tô Hạo cho rằng, việc di chuyển đến địa điểm gần song không phải ngay tại vùng biển tranh chấp cho thấy Mỹ hiện tại chỉ muốn bày tỏ sự ủng hộ với Philippines trong cuộc xung đột trên biển Đông chứ không sẵn lòng đối đầu trực diện với Bắc Kinh tại khu vực nhạy cảm này. Trong khi đó, Philippines lại ngày càng cho thấy sự lệ thuộc vào Mỹ khi căng thẳng leo thang. Hai nước nhất trí thúc đẩy liên minh quân sự trong vài năm tới, theo đó, Philippines có thể tăng cường tiềm lực quân sự của mình, đồng thời tạo điều kiện cho Mỹ tái cân bằng lực lượng giữa Trung Đông và châu Á – Thái Bình Dương. Vì vậy, Tô Hạo nhận định, trong tương lai sẽ chứng kiến nhiều cuộc diễn tập quân sự thường xuyên và quy mô hơn giữa Mỹ và Philippines trong bối cảnh Manila nỗ lực tìm kiếm sự hậu thuẫn từ Washington. Và cũng từ những hoạt động quân sự chung này, cánh cửa vào châu Á của Mỹ sẽ rộng mở hơn.

Theo chuyên gia Trung Quốc, căng thẳng còn kéo dài tại biển Đông. Tuy nhiên, chuyên gia Storey cho rằng, dù tăng cường liên minh đến mức nào thì Mỹ cũng sẽ không đi xa đến mức thiết lập một căn cứ quân sự tại Philippines bởi nó quá tốn kém cũng như tiềm ẩn nhiều rủi ro về chính trị. Xây dựng căn cứ được xem là một hành động lộ liễu rõ ràng chống lại Trung Quốc và dễ dàng bị Bắc Kinh coi là một hành động khiêu khích. Về bế tắc cơ chế đàm phán trong tranh chấp biển Đông, Tô Hạo nhấn mạnh, trong khi Trung Quốc muốn đàm phán song phương thì Mỹ lại muốn đưa cách tiếp cận đa phương của ASEAN vào cuộc xung đột này, cách giải quyết mà Washington đưa ra không dễ gì thực hiện bởi những nước như Campuchia và Lào, hai nước không liên quan trực tiếp trong tranh chấp biển Đông và đặc biệt là muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc sẽ không nhất trí cách tiếp cận này. Do đó, Tô Hạo dự đoán, tình trạng bế tắc này sẽ còn kéo dài cho đến khi các nước thực sự đạt được sự đồng thuận. Với sự căng thẳng cũng như bế tắc kéo dài này, chuyên gia Storey nhận định, một cuộc xung đột vũ trang dường như sẽ không diễn ra tại biển Đông trong thời gian tới song thay vào đó là sự leo thang của các vụ va chạm nhỏ, dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao và quân sự nghiêm trọng tại khu vực này. Storey gợi ý về hướng giải quyết tranh chấp biển Đông rằng “Trung Quốc có quyền tăng cường sức mạnh hải quân của mình nhưng một khi lợi ích còn xung đột thì căng thẳng còn kéo dài. Để hạ nhiệt những căng thẳng này, Bắc Kinh không còn cách nào khác là linh hoạt hơn trong các cách đối phó xung đột cũng như minh bạch hơn về quá trình hiện đại hóa quân sự của mình.

Theo Thời báo hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 17/4

Trần Sáng (gt)