Dự luật sửa đổi, kèm theo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng của Mỹ trong tài khóa 2013, được thông qua tuần trước, nhấn mạnh mặc dù Chính quyền Mỹ không có quan điểm liên quan đến chủ quyền quần đảo, nhưng công nhận quyền quản lý quần đảo này thuộc Nhật Bản. Và những hành động đơn phương của bên thứ ba sẽ không ảnh hưởng đến quan điểm đó. Đặc biệt, dự luật sửa đổi tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với Nhật Bản theo Hiệp ước An ninh và Hợp tác Lẫn nhau, đồng thời cảnh báo một cuộc tấn công vũ trang chống một trong hai nước ở các khu vực lãnh thổ dưới sự quản lý của Nhật Bản sẽ bị đáp trả mạnh mẽ theo các điều khoản và quy định trong hiệp ước. Hiện nay Thượng viện Mỹ tiếp tục tranh luận để hoàn thiện dự luật. Thượng viện và Hạ viện Mỹ phải thông qua dự luật và tiếp đó Tổng thống Barack Obama phải ký trước khi dự luật trở thành luật. 

Các nhà quan sát cảnh báo việc ủng hộ Nhật Bản của Quốc hội Mỹ sẽ thúc đẩy hơn nữa thái độ đối đầu của Tôkiô đối với Bắc Kinh trong cuộc tranh chấp lãnh thổ đã từng ảnh hưởng nghiêm trọng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong mấy tháng qua và hiện cuộc khủng hoảng đang có nguy cơ phát triển ngoài tầm kiểm soát. Ngày 3/12, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh bày tỏ mối quan ngại sâu sắc và kiên quyết phản đối dự luật sửa đổi của Quốc hội Mỹ. Phát biểu trước cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 3/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho rằng Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh và không nên vượt quá phạm vi song phương hoặc phá hoại các lợi ích của bên thứ ba. Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ quan tâm nhiều hơn đến các lợi ích hòa bình và ổn định trong khu vực, tôn trọng lời hứa đi đôi với hành động và không tạo ra mâu thuẫn cũng như các tín hiệu sai lầm. 

Trước đó, Mỹ nhiều lần cam kết không đứng về bên nào trong cuộc tranh chấp lãnh hải giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nhưng Oasinhtơn cũng nhắc lại quần đảo nằm trong phạm vi của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật Bản được ký năm 1960. Ông Jin Canrong, Giáo sư nghiên cứu về Mỹ và Phó Khoa Nghiên cứu các Vấn đề Quốc tế của Đại học Tổng hợp Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhận định dự luật sửa đổi của Quốc hội Mỹ cho thấy tính thiên vị thực sự của Oasinhtơn đằng sau quan điểm trung lập. Dự luật sửa đổi đang ảnh hưởng rất lớn đến các nỗ lực song phương của Bắc Kinh và Tôkiô nhằm kiềm chế nguy cơ của một cuộc xung đột vũ trang lớn về quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Động thái thù địch cho thấy Oasinhtơn lo lắng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự lo ngại đó không tạo điều kiện thuận lợi cho các mối quan hệ Trung-Mỹ. Ông Feng Wei, một chuyên gia nghiên cứu Nhật Bản tại Đại học Tổng hợp Phúc Đán ở Thượng Hải, cho rằng sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực được coi như một mối đe dọa đối với Nhật Bản, đồng minh quan trọng của Mỹ. Do đó, các nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Tôkiô cần xác nhận rõ sự ủng hộ của Oasinhtơn.

 

Theo Diplo News

Thuỳ Anh (gt