Tháng 10 năm ngoái, trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thống nhất sẽ củng cố “lòng tin chính trị” giữa hai quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Tuần vừa rồi, trong khi tôi đang có bài phát biểu tại một hội thảo ở Đà Nẵng, Việt Nam (tại hội thảo này không hề có người Trung Quốc nào tham dự), thì bên ngoài cuộc đấu khẩu giữa hai bên liên tục xuất hiện trên mặt báo. Nguyên nhân trực tiếp nhất của căng thẳng giữa hai nước là việc Trung Quốc lắp đặt giàn khoan Hải Dương 981 ngay trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Kể từ khi hành vi đơn phương này diễn ra vào đầu tháng 5, Trung Quốc đã thiết lập hàng rào bảo vệ xung quanh giàn khoan bằng việc triển khai các lực lượng quân sự, phòng vệ bờ biển và các tàu cá tạo thành 3 vòng tròn bảo vệ. Cho đến nay, một tàu cá Việt Nam đã bị đánh chìm và Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố vô căn cứ cho rằng tàu Việt Nam đã đâm tàu Trung Quốc 1.400 lần. Các video đụng độ này có thể tìm thấy trên internet.

Để đáp trả Việt Nam, Trung Quốc  có thể ngụy biện tốt hơn cho hành vi của mình nếu nước này tuân thủ luật quốc tế. Trung Quốc có quyền bảo vệ giàn khoan nếu nó nằm trong vùng lãnh hải của Trung Quốc, nhưng giàn khoan nằm ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý thì chỉ được hưởng vùng an toàn 500m. Nhưng rõ ràng là người Trung Quốc đang muốn đạt được mục đích độc đoán hơn. Hải Dương 981 nằm trong đường lưỡi bò của Trung Quốc chiếm 80% Biển Đông. Người Trung Quốc do dự trong việc làm rõ yêu sách này do việc khẳng định yêu sách lịch sử không có cơ sở theo UNLCOS. Thực ra, Philippines đang đưa vụ việc ra tòa trọng tài quốc tế để có thể làm rõ luận điểm này. Bắc Kinh đang tìm mọi cách thể hiện sức mạnh của mình và biến đường 9 đoạn có hiệu lực cả trên thực tế và luật định. Trên thực tế, Trung Quốc muốn biến Biển Đông và Hoa Đông thành cáo hồ của riêng mình. Việc hạ đặt giàn khoan HD-981 là một phần khuôn mẫu cho các hành vi hung hăng của Trung Quốc. Một biện pháp khác của “hành vi cưỡng ép được che đậy tinh vi” đang được sử dụng là cải tạo các thực thể ở đảo Trường Sa. Các bức ảnh được công bố gần đây chụp vào tháng 3 cho thấy việc Trung Quốc cải tạo bãi Gạc Ma, địa điểm diễn ra đụng độ quân sự giữa hải quân Việt Nam và Trung Quốc năm 1988. Mặc dù Trung Quốc không phải là nước duy nhất nỗ lực củng cố các yêu sách chủ quyền và các lợi ích hàng hải, nhưng các hành vi của Trung Quốc lại mang tính leo thang. Trong Hội nghị Shangrila năm nay tại Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel coi các hành động của Trung Quốc “gây bất ổn và mang tính đơn phương” chống lại các quốc gia ven biển láng giềng.

Việc hạ đặt giàn khoan HD-981, xảy ra sau các khẳng định ngoại giao nhằm cải thiện quan hệ Bắc Kinh – Hà Nội, đã gây khó hiểu cho các nước trong khu vực. Tuy nhiên, chiêu bài của Trung Quốc ở các vùng biển gần lại liên quan đến việc tăng cường và giảm nhẹ hành vi ngoại giao cưỡng ép. Được coi như là một phần của chính sách tái tăng cường “ngoại giao ngoại vi”, Trung Quốc đang cân nhắc xem nước láng giềng nào sẵn sàng hợp tác với mình, cô lập các nước chống lại các đòi hỏi đơn phương của nước này. Những hành động như vậy được hoạch định theo kiểu hòa bình vừa đủ để không leo thang thành xung đột chính thức hoặc, vừa không đủ để tạo ra một liên minh chống lại Trung Quốc; hành động đó được sử dụng để phi quân sự vừa đủ trên hình thức và do đó hướng đến làm nổi bật quá trình hiện đại hóa nhanh chóng của lực lượng quân sự Trung Quốc; và được thiết lập để đưa ra thông điệp cho nhiều đối tượng – nội bộ, khu vực và quốc tế. Hành vi cưỡng ép được che đậy tinh vi của Trung Quốc hướng đến không chỉ các nước láng giềng mà còn là Mỹ. Trung Quốc muốn ép buộc Mỹ phải giảm quan hệ với các đối tác và đồng minh, từ Philippines đến Nhật Bản (ở Hoa Đông), Việt Nam và Malaysia. Không tính đến các hành vi cưỡng bức của Trung Quốc, Mỹ cần duy trì việc xây dựng một hệ thống mở, dựa vào luật ở châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng trong thời gian trước mắt, Mỹ cần tìm cách giải quyết sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc, thường được gọi là chiến lược lát cắt salami. Trong khủng hoảng Biển Đông hiện nay, Mỹ cần thúc đẩy quan hệ với Việt Nam để áp đặt cái giá phải trả đối Trung Quốc. Cộng với hai mục tiêu của Mỹ là duy trì an ninh khu vực và thiết lập trật tự, và tập trung chống lại việc sử dụng vũ lực của Trung Quốc để đơn phương thay đổi hiện trạng, có năm ưu tiên đáng lưu ý của cả Hà Nội và Washington cũng như cả khu vực nói chung.

Đầu tiên, là một phần của đối thoại an ninh Mỹ - Việt đang hình thành, cả hai nước nên tập trung vào việc phát triển các chiến lược áp đặt cái giá phải trả, chiến lược có thể can ngăn Trung Quốc áp dụng các thay đổi hiện trạng đơn phương hoặc áp dụng các hình phạt cứng rắn cho hành vi hung hăng. Các chiến lược áp dụng cái giá phải trả có thể trực tiếp hoặc gián tiếp, quân sự hoặc bán quân sự, ngắn hạn hoặc dài hạn. Nhưng các chiến lược này nên cơ động, tiết kiệm chi phí và có hiệu quả. Việt Nam cần cử các lãnh đạo cấp cao đến Washington để nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại này.

Thứ hai, cần có cuộc tập trận song phương và triển khai quân của Mỹ với quy mô lớn hơn và thường xuyên hơn trong khuôn khổ cùng là thành viên của Sáng kiến Chống Phổ biến Vũ khí Hủy diệt Hàng loạt (PSI). Thông qua PSI, Mỹ có thể đảm bảo sự hiện diện mà không có gánh nặng, chi phí hay nguy cơ về việc cần phải duy trì căn cứ quân sự. Cùng lúc, hợp tác Mỹ - Việt sâu rộng hơn có thể cải thiện sự chuyên nghiệp hóa của quốc phòng Việt Nam và năng lực của các hành động mang tính phối hợp. Cải thiện khả năng báo động phòng bị là một mục tiêu có thể đồng thời củng cố cả PSI và có lợi cho việc phát hiện các hành vi hung hăng ở Biển Đông.

Thứ ba, Mỹ nên ủng hộ đối thoại ba bên và hợp tác thực chất giữa các nước trong tranh chấp Biển Đông, đặc biệt là Việt Nam, Malaysia và Philipines. Mỹ có thể ủng hộ đối thoại này thông qua các diễn đàn đa phương khu vực như ARF, ADMM+ và EAS. Washington có thể khuyến khích các đồng minh và đối tác khác (Nhật, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và các thành viên ASEAN khác) để đưa ra trợ giúp về đào tạo và huấn luyện, trang bị và chia sẻ thông tin. Mỹ nên khuyến khích Nhật, nước đã cung cấp các tàu tuần tra cho Việt Nam bắt đầu từ năm nay và Ấn Độ, nước vận hành các tàu ngầm của Nga để hỗ trợ hải quân Việt Nam vận hành và triển khai các tàu ngầm Kilo của Nga. Do Việt Nam biên chế cả 6 tàu ngầm vào một lực lượng hải quân chưa thực sự mạnh, nên các nước khác cần giúp Việt Nam tiến hành vận hành tàu ngầm một cách độc lập.

Thứ tư, Mỹ cần gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Phạm vi và hình thức hỗ trợ quân sự trực tiếp vẫn có thể có mối liên hệ với những cải thiện về vấn đề nhân quyền. Nhưng giờ là thời điểm nới lỏng việc bán vũ khí, hành động này sẽ giúp ích cho việc chống lại chính sách cưỡng ép được che đậy tinh vi của Trung Quốc. Hệ thống như vậy có thể thúc đẩy những nhận thức về vấn đề trên biển và tăng cường khả năng phòng thủ nếu các loại vũ khí sát thương vẫn có khả năng trừng phạt bất kỳ kẻ tấn công nào. Ngư lôi và tên lửa tầm ngắn sẽ tăng cường khả năng răn đe, và một kẻ hiểu chiến sẽ phải suy tính kỹ lưỡng trước khi công khai sử dụng hành vi cưỡng bức hoặc một lực lượng có giới hạn nhằm khẳng định các yêu sách của mình.

Thứ năm, Mỹ nên thúc đẩy Việt Nam và các thành viên ASEAN ủng hộ những nguyên tắc chung để duy trì trật tự trên biển và bảo đảm các lợi ích toàn cầu trên Biển Đông. Những bước tiến cụ thể, suy cho cùng phải là một phần của nguyên tắc ứng xử, nên được đẩy mạnh và đi vào thực hiện càng sớm càng tốt. Trọng tài quốc tế theo quy định của UNCLOS cần phải được chấp nhận. Những thực thể cần được liệt kê và định nghĩa một cách có hệ thống để phát triển sự hiểu biết chung trong khu vực về việc thực thể nào là đảo và thực thể nào là đá.

Những bước đi này thể hiện như một công cụ lớn hơn thuộc quyền sử dụng của Việt Nam, Mỹ và khu vực để đưa ra cái giá phải trả cho những hành vi vi phạm và đưa ra các biện pháp bảo vệ cho việc tuân thủ các nguyên tắc mà hai bên đã thỏa thuận. Đây là việc cần thiết bởi vì Trung Quốc đang ngày càng đi theo xu hướng thực hiện hành động cưỡng bức. Đồng thời, việc hướng tới phát triển một lộ trình với Trung Quốc trong việc làm thể nào để ngăn chặn những sự cố nguy hiểm và điều chỉnh cạnh tranh chiến lược. Thông qua những bước này, những hình thức cưỡng ép tương ứng cần được ngăn chặn trước khi trở thành những quy định buộc phải chấp nhận tại Biển Đông.

TS. Patrick M. Cronin là Giám đốc của Chương trình An ninh Châu Á – Thái Bình Dương tại Trung tâm An ninh Mới của Mỹ. Bài viết được đăng trên East-West Center.

Người dịch: Tú Anh