Ngày 3/12, trong chuyến thăm Cộng hòa Xâysen, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lưu Quang Liệt đã gặp gỡ Tổng thống Xêysen James Michel và loan báo Trung Quốc mong muốn thúc đẩy hợp tác quân sự giữa hai nước. Đáp lại, Tổng thống Michel chính thức đề nghị Trung Quốc thiết lập một căn cứ quân sự ở nước này để giúp thúc đẩy các nỗ lực chống cướp biển. Tiếp đó, phát biểu trước một cuộc họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Xâysen Jean-Paul Adam cho biết: "Chúng tôi cần nâng cao khả năng giám sát Ấn Độ Dương, bởi vì Cộng hòa Xâysen chiếm vị trí chiến lược giữa châu Á và châu Phi". Trong chuyến thăm Xâysen lần này của Bộ trưởng Lưu Quang Liệt, hai bên đã nâng cấp hiệp định hợp tác quân sự được ký năm 2004, theo đó Trung Quốc sẽ tăng cường giúp đỡ tài chính, vũ khí, trang thiết bị và huấn luyện quân sự hơn nữa cho Cộng hòa Xâysen. 

Các nhà phân tích quân sự ở Oasinhtơn đánh giá việc nâng cấp hiệp định hợp tác quân sự giữa Bắc Kinh và Víchtoria trong chuyến thăm của Bộ trưởng Lưu Quang Liệt như một "lời cảnh báo" trước về tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Giáo sư Deborah Brautigam của Khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Tổng hợp Mỹ cho rằng: "Tất nhiên, Trung Quốc quan tâm vấn đề chống cướp biển ở Ấn Độ Dương. Họ đã yêu cầu các nước trong khu vực cung cấp các căn cứ hải quân như Kênia. Hiện nay Trung Quốc có nhiều tàu chiến đang tuần tiễu ở những nơi hay xảy ra cướp biển nhưng không có căn cứ để nghỉ ngơi và bảo dưỡng. Ngoài ra, thương mại là một bộ phận cực kỳ quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, vì vậy bảo vệ thương mại là vấn đề an ninh quốc gia của Trung Quốc". Một nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Oasinhtơn cho rằng, Trung Quốc muốn tránh cụm từ "căn cứ quân sự" ở Xâysen như Mỹ không muốn sử dụng cụm từ đó đối với căn cứ quân sự của Mỹ ở Darwin, Ôxtrâylia. Vấn đề khiến một số nhà phân tích Mỹ lo ngại bởi Cộng hòa Xâysen đang là nước có một căn cứ máy bay không người lái của Mỹ. Căn cứ này đang được Mỹ sử dụng để phát hiện các hoạt động cướp biển và thực hiện các nhiệm vụ giám sát Xômali. Ông Mark Tempest, một sĩ quan hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, cho rằng nếu Cộng hòa Xâysen cho phép Trung Quốc xây dựng một căn cứ lớn bao gồm các nhà xưởng sửa chữa, bảo dưỡng và đóng tàu, các địa điểm tiếp nhiên liệu và sân bay... thì đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược lớn ở Ấn Độ Dương và khu vực Đông Phi. Chắc chắn Ấn Độ cũng không bỏ qua. Còn nếu đề nghị của Xâysen chỉ là một căn cứ cho phép các tàu chiến Trung Quốc nghỉ ngơi, bảo dưỡng và tiếp nhiên liệu vài ngày, thì điều đó không có gì quan trọng.

Cũng như tất cả các nền kinh tế lớn khác, Trung Quốc có quyền quan tâm đến an ninh trên các tuyến đường biển. Do tình hình cướp biển ở ngoài khơi bờ biển Xômalia rất phức tạp và khó khăn cho các nỗ lực tuần tra của các nước phương Tây, một căn cứ "chống cướp biển" của Trung Quốc ở Xâysen có thể cho thấy Trung Quốc sẵn sàng và có khả năng bảo vệ các lợi ích kinh tế ngày càng tăng của mình ở châu Phi. Ông Tempest nói: "Cộng hòa Xâysen đang khuyến khích nhiều cường quốc hải quân tham gia các hoạt động chống cướp biển bởi vì nước này không đủ nguồn lực cần thiết để chống cướp biển trên các vùng biển quốc tế. Do đó, Xâysen sẵn sàng cho phép các nước đặt căn cứ trên lãnh thổ của họ để đổi lấy việc bảo vệ an ninh". Trước mắt, bước phát triển mới này của Trung Quốc sẽ thúc đẩy vai trò ngày càng tăng của nước này tại châu Phi và có lẽ đây là một chiến lược quan trọng của Trung Quốc. Về lâu dài, Trung Quốc càng thiết lập và duy trì nhiều mối quan hệ hơn với các nước trên toàn cầu, họ càng có điều kiện thâm nhập các căn cứ quân sự chiến lược quan trọng trong khi vị thế siêu cường quân sự duy nhất của Mỹ ngày càng bị thu hẹp hoặc bị mất. Đến lúc đó, quần đảo Xâysen sẽ mở rộng cánh tay đón Trung Quốc và các vùng biển ở ngoài khơi bờ biển Đông Phi sẽ xuất hiện một cường quốc hải quân khác.

 Theo ISN (27/12)

Vũ Hiền (gt)