Mỹ nhấn mạnh, những sự kiện đáng lo ngại trong những tháng gần đây không có lợi cho thúc đẩy hoà bình, ổn định khu vực. Mặc dù có ký ức chiến tranh, nhưng quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam vẫn phát triển nhanh chóng, trong đó có nguyên nhân do quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội ngày càng căng thẳng. Thượng Nghị sĩ Mỹ Jim Webb nói rằng, tình hình Biển Đông trên thực tế đã giúp thúc đẩy quan hệ của chúng ta (với Việt Nam), bởi vì Việt Nam biết họ có chung lợi ích với Mỹ. Chính phủ Obama coi trọng phát triển quan hệ với các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Hãng tin AP từ Manila ngày 18/6: nguyên nhân làm cho vấn đề Biển Đông phức tạp hơn là do Mỹ muốn đóng vai trò trong giải quyết tranh chấp Biển Đông. Mỹ đã ký Hiệp ước phòng thủ với Philippines, có nghĩa là một khi Trung Quốc tấn công, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Manila.

Mạng VOA Mỹ ngày 17/6: Tranh chấp Biển Đông đang nóng lên. Hải quân Trung Quốc gần đây đã tiến hành 2 cuộc diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển Biển Đông. Hải quân Philippines cũng đưa tàu chiến đến tuần tra ở vùng biển tranh chấp. Đồng thời, Hải quân Mỹ đã điều 1 tàu ngầm tấn công hạt nhân mang tên lửa “Tomahawk” đến Tây Thái Bình Dương trong thời gian 6 tháng.

Việt Nam và Philippines muốn tiến hành “chiến tranh tâm lý” với Trung Quốc.

Báo Sankei Shimbun của Nhật ngày 18/6 đăng bài “Cuộc chiến tranh tâm lý ở Biển Đông”, nội dung như sau: Trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines đã tiến hành cuộc chiến tranh tâm lý. Ngoài diễn tập quân sự, điều khiến người ta quan tâm nhất là việc tàu tuần tra biển lớn nhất của Trung Quốc “Hải tuần 31” đi qua Biển Đông đến thăm Singapore. Tàu này chở máy bay trực thăng, đi qua Biển Đông và đồng thời thực hiện hoạt động giám sát, có nghĩa là sẽ tuyên bố “chủ quyền và lợi ích biển” của Trung Quốc ở Biển Đông. Do đó, Philippines ngày 17/6 đã đưa 1 tàu hộ vệ đến Biển Đông. Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines cảnh báo: “Tàu tuần tra của Trung Quốc có thể sẽ đặt “tiêu chủ quyền” trong vùng lãnh hải của Philippines, nên quân đội Philippines cần giám sát chặt chẽ”. Sau khi Philippines đổi tên “biển Biển Đông” thành “biển Tây Philippines”, Việt Nam cũng xuất hiện kiến nghị đổi tên thành “biển Đông Nam Á”. Việt Nam và Philippines thậm chí còn vận động tẩy chay hàng hoá Trung Quốc.

Mạng “Los Angeles Times” Mỹ ngày 18/6: Báo chí và dân chúng Việt Nam với tinh thần chủ nghĩa dân tộc đang tăng cao thúc giục Chính phủ dũng cảm đối mặt với Trung Quốc. Cuộc xung đột trên biển xảy ra vào tháng 5 đã khơi dậy tinh thần “chống Hoa” ở Việt Nam mạnh mẽ. Chính phủ Việt Nam hiếm khi lại cho phép dân chúng biểu tình, để cho phần lớn là thanh niên tổ chức biểu tình bày tỏ phẫn nộ. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cũng quan tâm đến những rủi ro trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Việt Nam luôn thận trọng nhằm tránh khiêu khích Bắc Kinh quá mức.

Tiến Minh (Tổng hợp)