Mục tiêu nên là cho phép Trung Quốc có một vai trò lãnh đạo trong hệ thống an ninh và chính trị hiện hành để thuyết phục Bắc Kinh không chống lại nó. Trong khi đó, lại có ý kiến khác cho rằng, Trung Quốc đã quyết kiềm chế và làm giảm ảnh hưởng của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương. Bởi vậy tốt hơn là đưa ra một lập trường bây giờ trước khi sức mạnh của Trung Quốc tăng hơn nữa và trước khi Trung Quốc thiết lập được sự thống trị ở khu vực.

Cả hai trường phái tư duy này đều cho rằng thông qua các lựa chọn chính sách của mình, Mỹ sẽ quyết định quan hệ tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc là hợp tác hay thù địch. Cả hai trường phái này đều sai: Dẫu rằng sự thật là phũ phàng nhưng Mỹ không thể quản lý được sự phát triển của quan hệ Mỹ - Trung. Ngược lại, những nhân tố bên trong Trung Quốc sẽ quyết định mối quan hệ này.

Hiện nay, Trung Quốc nhìn nhận thế giới và vai trò của mình thông qua lăng kính lịch sử. Điều này bao gồm cả một ngàn năm thống trị khu vực được tiếp theo bởi một thời kỳ Trung Quốc suy yếu và bị các cường quốc châu Âu rồi sau đó là Nhật bóc lột. Kết quả là một sự pha trộn kỳ lạ: một sự lo sợ sâu sắc đi cùng với một niềm tin rằng sự thống trị của Trung Quốc tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là một điều tất nhiên. Nhưng nạn tham nhũng và bản chất của chế độ chính trị Trung Quốc được bưng bít làm cho nó dễ sụp đổ. Bởi vậy, tính hợp pháp của chế độ là dựa vào sự kết hợp giữa sự tăng trưởng kinh tế liên tục nhằm làm chệch hướng sự chống đối chính trị trong nước và chủ nghĩa dân tộc sâu sắc để tránh các cường quốc nước ngoài một lần nữa khai thác những yếu kém của Trung Quốc.

Điều này đã dẫn đến việc Trung Quốc hoạch định chiến lược an ninh quốc gia của mình với tính toán rằng sự phát triển kinh tế và ổn định của chế độ không chỉ phục thuộc vào việc có được nguồn nguyên, nhiên liệu, đặc biệt là cung cấp năng lượng và còn là phải quản lý chúng. Khi việc này lại đi kèm với đòi hỏi giành lại vai trò nổi trội của mình trong lịch sử, thì kết quả sẽ là một sự diễu võ giương oai và một lập trường ngày càng hiếu chiến đối với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là các tranh chấp lãnh thổ vốn liên quan đến các nguồn tài nguyên năng lượng.

Những nguyên nhân sâu xa đó đã khiến Trung Quốc tăng cường va chạm với các nước láng giềng. Ngày nay, những căng thẳng song phương được đẩy lên do các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông. Thời gian vừa qua, Trung Quốc đã triển khai quân lính tới các đảo và nâng cấp quy chế quản lý mặc dù chưa phân định được quyền sở hữu. Đối với Việt Nam, đây là một tín hiệu rõ ràng rằng Trung Quốc sẽ không ngần ngại sử dụng sức mạnh kinh tế, chính trị quân sự để thống trị khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Cuộc tranh chấp lãnh thổ khác đang diễn ra là với Nhật. Việc chính phủ Nhật tháng trước quyết định mua lại các đảo này từ một tư nhân, vốn được gọi là Điếu Ngư ở Trung Quốc, đã dẫn đến các cuộc biểu tình chống Nhật rất tồi tệ trên 80 thành phố Trung Quốc. Các dấu hiệu cho thấy có sự chỉ đạo của chính phủ Trung Quốc hoặc ít nhất là bởi một phái nào đó trong Đảng Cộng sản, vốn đang trong vòng đấu đá khó khăn để giành quyền lãnh đạo. Như đã thường xảy ra ở nơi này, những sự cứng rắn đối ngoại là một công cụ hữu hiệu để giải tỏa sự chú ý của những yếu kém của chính phủ hoặc để hỗ trợ cho một phe giành lợi thế hơn trong cuộc đấu đá giành quyền lực bên trong.

Mấu chốt ở đây là chỗ sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực được thúc đẩy bởi các thay đổi chính trị nội bộ: Mỹ không gây ra nó, và Mỹ cũng hoàn toàn không kiểm soát được chúng.

Điều tốt nhất mà Mỹ có thể làm là đảm bảo có sự ủng hộ đối với các đối tác khu vực về những nỗ lực của họ để đối phó với Bắc Kinh, với những đối tác truyền thống như Nhật Bản và Philippines vốn là những bên tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, nhưng Mỹ cũng nên ủng hộ cả những đối tác mới, đặc biệt là Việt Nam. Trong nhiều thập kỷ, nhiều nhà hoạch định chiến lược Mỹ cho rằng bất cứ cuộc xung đột nào mới xảy ra với Trung Quốc sẽ là vấn đề Đài Loan. Nhưng bây giờ thì rõ ràng rằng các xung đột về năng lượng, tài nguyên dưới biển và lãnh thổ vốn kéo dài hàng thế kỷ rất có thể là nguồn gốc của xung đột.

Mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung hiện nay có thể hạn chế các khả năng đối đầu hay xung đột. Nhưng nó không thể loại bỏ được các khả năng đó. Về quan hệ Trung - Mỹ, nên tập trung chú ý đến kinh tế của Trung Quốc hơn là quân sự của họ. Nếu nền kinh tế tiếp tục chậm lại hoặc thậm chí bị trì trệ, Bắc Kinh sẽ dựa vào chủ nghĩa dân tộc hung hăng, nỗi lo sợ yếu kém và sự bóc lột của bên ngoài để củng cố quyền lực của mình. Nếu như vậy, mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ trở nên đối đầu và nguy hiểm hơn dù Mỹ có làm gì. Điều tốt nhất Mỹ có thể làm là có những nỗ lực hợp lý để khai thác quan hệ đối tác với Trung Quốc và không bất ngờ nếu điều này không thực hiện được và những đấu đá nội bộ của Trung Quốc sẽ dẫn đến xung đột./.

Nhật Linh (gt)