Cái gọi là “tái xây dựng Liên Xô” mà bà Clinton nói tới trên thực tế chính là Liên minh Âu-Á mà Nga đang rất tích cực thúc đẩy trong mấy năm gần đây. Đây là một liên minh xuyên quốc gia được tạo thành bởi các nước Bêlarút, Cadắcxtan, Nga, Cưrơgưxtan, Tátdigixtan và các nước khác thuộc Liên Xô (trước đây), chủ yếu là nhằm gia tăng sự hợp tác kinh tế và chính trị giữa các quốc gia thành viên. Thời kỳ đầu khi mới được đưa ra, kế hoạch này phát triển không mấy thuận thời, song mấy năm gần đây, dưới sự thúc đẩy mạnh mẽ của Tổng thống Vladimir Putin, nó đã có những bước phát triển nhanh chóng. 

Nga thúc đẩy Liên minh Âu-Á chủ yếu là nhằm mượn sân chơi hợp tác này để thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp Nga có thể lại trở thành cường quốc trên thế giới, song đây là điều Mỹ không thể chấp nhận. Dưới con mắt của Mỹ, khu vực lãnh thổ của Nga rộng lớn, tài nguyên phong phú, và đặc biệt là có lực lượng quân sự duy nhất trên thế giới có thể đối kháng với Mỹ, một khi để cho Nga một lần nữa trở thành cường quốc thế giới, “đế quốc” này chắc chắn sẽ lại trở thành đối thủ lớn nhất và cũng là đối thủ khó đối phó nhất của Mỹ. Do đó, mặc dù Liên Xô đã tan rã được hơn 20 năm, song Mỹ suốt thời gian qua chưa từng thả lỏng sự bao vây đối với Nga. 

Vấn đề nằm ở chỗ tuy Liên Xô đã tan rã, song khát vọng cường quốc của Nga chưa hề mai một, cho dù vào thời kỳ quốc lực suy yếu đến cùng kiệt, khát vọng này vẫn hừng hực cháy. Hơn nữa, Nga luôn coi các nước thuộc Liên Xô trước đây là nằm trong phạm vi thế lực của mình, luôn tìm cơ hội để tổ chức các quốc gia này lại với nhau để trở thành một liên minh các quốc gia có thể đối kháng với Mỹ. Liên minh Âu-Á được phát triển nhanh chóng trong bối cảnh như vậy càng khiến cho Mỹ cảm thấy đang phải đối phó với mối đe dọa hết sức thực tại. 

Hiện nay, Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật nhằm chống Nga, trong đó trừng phạt một số quan chức Nga bị cho là vi phạm nhân quyền. Hành động này đã bị phía Nga coi là sự sỉ nhục quá mức, là thách thức trắng trợn từ phía Mỹ, một số quan chức Nga còn bày tỏ cần phải “ăn miếng trả miếng”, tình hình căng thẳng khiến không ít dư luận cảnh báo về xu thế một cuộc đấu đá mới giữa Mỹ và Nga là khó tránh khỏi. 

Xét tình hình hiện nay, trên thực tế Mỹ không còn cách nào có thể ngăn cản Nga lại trở thành cường quốc thế giới. 

Thứ nhất, lực lượng của Mỹ hiện nay quá phân tán, vừa cần phải “trở lại châu Á”, vừa cần phải đối phó với tình trạng hỗn loạn ở Trung Đông, trong khi quốc lực của Mỹ vẫn đang tiếp tục bị giảm sút do kinh tế trì trệ. Cần nhớ rằng trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, gần như toàn bộ lực lượng chủ yếu của Mỹ đã được huy động để đối phó với Liên Xô, mà vẫn không thể đánh được một đòn quyết định. Nếu như ngày đó không phải là do sai lầm của chính bản thân Liên Xô, Mỹ chắc chắn không thể dễ dàng giành thắng lợi như vậy trong cuộc chiến tranh Lạnh. Hiện nay, Mỹ cơ bản không thể huy động lực lượng chủ yếu của mình để đối phó Nga.

Thứ hai, một số nước thuộc Liên Xô trước đây đã nhận thức được rằng nhiều năm qua đi theo Mỹ không hề có được nhiều điều tốt đẹp như họ từng nhầm tưởng, “thân thích ở xa không bằng láng giềng cận kề”, huống hồ Nga đối với các nước này lại còn thân thích hơn cả Mỹ, do đó, đứng về phía với Nga mới thực sự phù hợp với lợi ích quốc gia của họ. 

Theo “Thái Dương”, sự lớn mạnh của Nga là tất yếu. Với hai nhân tố trên, đối mặt với sự trỗi dậy của Nga, Mỹ chỉ có thể miễn cưỡng chấp nhận, chứ không có cách nào ngăn cản.

Theo báo “Thái Dương”  (Hồng Công)

Thuỳ Anh (gt)