Một số nhà lãnh đạo chính trị và chuyên gia chính sách của Mỹ cho rằng nếu Mỹ nỗ lực ngăn chặn hoặc kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, điều đó chỉ càng  thôi thúc Bắc Kinh tăng cường chống đối các chiến lược và cách tiếp cận hòa giải của Oasinhtơn. Các nhà lãnh đạo chính trị và chuyên gia chính sách này đề nghị Oasinhtơn nên cho phép Bắc Kinh đóng vai trò lãnh đạo trong hệ thống chính trị và an ninh quốc tế hiện có nhằm hạn chế Bắc Kinh thách thức Mỹ. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo chính trị và các chuyên gia chính sách khác của Mỹ lại khẳng định Trung Quốc đang quyết tâm ngăn chặn và hạn chế ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy Mỹ phải bao vây, ngăn chặn và sẵn sàng đối phó với mọi tình huống trước khi sức mạnh của Trung Quốc tăng hơn nữa và thống trị khu vực. Cả hai trường phái tư tưởng cho rằng thông qua các lựa chọn chính sách, Oasinhtơn sẽ xác định mối quan hệ trong tương lai giữa Mỹ-Trung là hợp tác hay đối đầu. Nhưng khả năng cả hai trường phái đều sai lầm. Bởi vì người Mỹ khó chấp nhận điều đó và thực tế Mỹ khó có thể kiểm soát sự phát triển của mối quan hệ Mỹ-Trung. Ngược lại, các nhân tố bên trong Trung Quốc sẽ quyết định kết quả của mối quan hệ. 

Lịch sử quan hệ gần đây của Mỹ với Liên Xô, một đối thủ cạnh tranh ngang hàng, mở ra cánh cửa cho động lực này. Khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ cố gắng tìm hiểu Liên Xô và đề ra chiến lược của Mỹ đối với Mátxcơva sau Chiến tranh Thế giới thứ II, ông George Kennan, chuyên gia hàng đầu về Liên Xô của Bộ Ngoại giao Mỹ, đã khẳng định: các chính sách và ưu tiên của Mỹ ít tạo nên các mối quan hệ so với lịch sử của người Nga và tình trạng bấp bênh của chế độ Xô Viết. Đối với Trung Quốc hiện nay cũng tương tự. Trung Quốc xem xét thế giới và vai trò của họ thông qua lăng kính lịch sử. Điều này bao gồm: Trung Quốc thống trị khu vực hàng thiên niên kỷ; tiếp đến giai đoạn yếu kém khiến Trung Quốc thường bị các cường quốc thực dân phương Tây và Nhật Bản xâm lược và bóc lột. Kết quả là: Bắc Kinh thường xuyên lo sợ sự yếu kém của họ kết hợp với sự tin tưởng rằng Trung Quốc thống trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương là vấn đề tất yếu. Tuy nhiên, nạn tham nhũng và bản chất khép kín của chế độ chính trị hiện nay làm cho Trung Quốc dễ đổ vỡ. Do đó tính hợp pháp của chế độ được dựa trên cơ sở của sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế liên tục nhằm đánh lạc hướng phe đối lập chính trị trong nước và chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ để các cường quốc khác không thể khai thác bất cứ điểm yếu nào của Trung Quốc nữa. Ý đồ này buộc Trung Quốc phải dựa vào chiến lược an ninh quốc gia vì cho rằng tăng trưởng kinh tế và ổn định chế độ không những phụ thuộc vào các nhiên liệu thô, đặc biệt là các nguồn cung cấp năng lượng, mà còn phải kiểm soát chúng. Nỗi lo sợ xuất phát từ những yếu kém của Trung Quốc khiến các nhà lãnh đạo luôn cho rằng các đối thủ bên ngoài sẽ sử dụng vấn đề lệ thuộc các nguồn tài nguyên để chống lại Trung Quốc. Khi kết hợp với sự thôi thúc giành lại sức mạnh lịch sử, Bắc Kinh sẽ theo đuổi quan điểm và hành động ngày càng quyết đoán với các nước láng giềng, đặc biệt trong các tranh chấp lãnh thổ có thể ảnh hưởng đến việc tiếp cận các nguồn năng lượng. Và đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến bất đồng đẩy Trung Quốc chống lại Việt Nam .

Hiện nay, tranh chấp lãnh thổ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở biển Đông đã và đang thúc đẩy căng thẳng song phương giữa Trung Quốc và Việt Nam. Mặc dù những hòn đảo này không có ý nghĩa nhiều về diện tích lãnh thổ, nhưng nếu kiểm soát chúng sẽ tạo cơ hội cho việc thâm nhập các nguồn dự trữ khí đốt và dầu lửa khổng lồ dưới đáy biển. Cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với hai quần đảo. Từ đó hai bên xung đột với nhau về các quần đảo trong những năm 1970, 1980 và có thể tiến tới một cuộc xung đột bạo lực nữa trong tương lai. Những tháng gần đây, Trung Quốc triển khai lực lượng quân sự và nâng cấp vị thế hành chính của quần đảo Hoàng Sa, bất chấp quyền sở hữu quần đảo chưa được giải quyết. Đối với Việt Nam, đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc không ngần ngại sử dụng sức mạnh kinh tế, chính trị và quân sự để lấn chiếm trái phép lãnh hải Việt Nam và âm mưu thống trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai. Bên cạnh đó, hiện nay Trung Quốc cũng đang tranh chấp lãnh hải với Nhật Bản. Mặc dù Nhật Bản đầu tư rất lớn ở Trung Quốc, nhưng quan hệ hai nước vẫn căng thẳng do mâu thuẫn lịch sử gây nên khi Nhật Bản chiếm đóng và bóc lột tàn bạo Trung Quốc trong những năm 1930 và 1940. Thực tế, Trung Quốc có một số vấn đề đã khuấy động sự tức giận của chủ nghĩa dân tộc nhiều hơn sự tàn phá của Nhật Bản trong thời gian chiến tranh trước đây. Mặc dù việc phản đối Nhật Bản ở Trung Quốc rất sâu sắc và lâu dài, nhưng gần đây đã phát triển đến đỉnh điểm do hai bên tranh chấp quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) do Nhật Bản kiểm soát trên biển Hoa Đông. Tháng trước, việc Tôkyô quyết định mua một số hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ các cá nhân người Nhật Bản đã gây nên các cuộc biểu tình chống Nhật Bản ở 80 thành phố của Trung Quốc. Nhiều dấu hiệu cho thấy Chính phủ hoặc một số phe nhóm trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức các cuộc biểu tình nhằm đánh lạc hướng dư luận trong nước khỏi tiến trình chuyển giao lãnh đạo đang gặp nhiều khó khăn. Nhưng vấn đề chủ yếu ở đây là hành động ngày càng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực được thúc đẩy bởi các động cơ chính trị nội bộ. 

Mỹ không gây nên và cũng không thể kiểm soát hành động quyết đoán của Trung Quốc. Nhưng cách tốt nhất mà Mỹ có thể làm là khẳng định việc ủng hộ nỗ lực của các nước đối tác để chống lại Bắc Kinh. Điều này có thể áp dụng với các đối tác truyền thống của Mỹ như Nhật Bản và Philíppin, nhưng cũng có thể áp dụng với các đối tác mới, trong đó đặc biệt với Việt Nam. Nhiều thập kỷ qua, các nhà chiến lược Mỹ nhận định bất cứ cuộc xung đột nào giữa Mỹ với Trung Quốc đều bắt nguồn từ Đài Loan. Nhưng hiện nay dường như các nguồn tài nguyên năng lượng dưới đáy biển Đông cũng như biển Nhật Bản và các tranh chấp lãnh hải đều có thể là nguyên nhân dẫn đến xung đột với Trung Quốc nhiều hơn. Sự phát triển của mối quan hệ kinh tế và thương mại Mỹ-Trung có thể hạn chế nguy cơ của cuộc đối đầu hoặc xung đột, nhưng không loại trừ khả năng chính quan hệ kinh tế và thương mại cũng sẽ dẫn đến đối đầu hoặc xung đột Mỹ-Trung. Hiện nay tất cả thế giới đều quan tâm nhiều đến kinh tế Trung Quốc chứ không phải quân sự của nước này. Nếu kinh tế tiếp tục tăng trưởng chậm hoặc thậm chí suy thoái, Bắc Kinh sẽ dựa vào chủ nghĩa dân tộc quyết đoán, lo sợ yếu kém và sự bóc lột của nước ngoài để tăng cường sức mạnh. Nếu đúng vậy, các mối quan hệ Mỹ-Trung sẽ trở thành đối đầu và nguy hiểm hơn, bất chấp các biện pháp thỏa hiệp của Mỹ. Do đó, giải pháp tốt nhất mà Mỹ có thể làm là tìm mọi cách xây dựng mối quan hệ đối tác với Trung Quốc, nếu không thực hiện được điều đó, tính năng động nội bộ của Trung Quốc sẽ dẫn đến xung đột với Mỹ trong tương lai.

Tác giả Steven Metz là nhà phân tích quốc phòng, Chủ tịch Ban Chiến lược Khu vực, Giáo sư Nghiên cứu Các Vấn đề An ninh Quốc gia thuộc Đại học Chiến tranh Lục quân Mỹ.

Theo World Politics Review

Trần Quang (gt)