Những năm gần đây, Mỹ cao giọng tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á, liên tục có các hoạt động ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á, làm cho tình hình an ninh khu vực liên tục căng thẳng, đối đầu giữa các nước gay gắt, vấn đề điểm nóng liên tục nóng lên. Gần đây, Mỹ lại ra tuyên bố bày tỏ quan tâm sâu sắc đối với việc Trung Quốc thành lập “Thành phố Tam Sa” và “khu cảnh bị Tam Sa”. Xem ra Mỹ đang xúi giục phía sau, có ý đồ tay không bắt giặc, trực tiếp gây sự với Trung Quốc. Mỹ cao giọng nói rằng cần duy trì tự do hàng hải ở Biển Đông, ra sức cổ vũ các nước ASEAN liên kết lại để thảo luận vấn đề Biển Đông với Trung Quốc; đồng thời tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược với Philippines, Việt Nam. Do có sự can thiệp của Mỹ, tranh chấp Biển Đông liên tục nổi lên, tình hình trở nên căng thẳng. Sự thay đổi của tình hình Biển Đông đã khiến một số nước ASEAN bày tỏ mong muốn Mỹ tăng cường sự hiện diện ở khu vực để cân bằng với Trung Quốc.

Sự can thiệp của Mỹ có thể chia thành 3 tầng nấc: Một là, xây dựng khuôn khổ chiến lược “cân bằng từ xa” (offshore balance). Dưới sự chỉ đạo của chiến lược này, Mỹ thúc đẩy đa phương hóa quan hệ với đồng minh ở Tây TBD, đồng thời coi một số nước có lợi ích an ninh chung như Singapore, Ấn Độ là đối tác chiến lược để thu nạp vào một khuôn khổ chiến lược lớn dưới sự lãnh đạo của Mỹ, hình thành một cơ chế điều phối an ninh trên biển nhằm vào đại lục Đông Á. Hai là, đứng đằng sau thúc đẩy các hành vi đối đầu gay gắt với Trung Quốc. Mỹ thông qua các cuộc diễn tập quân sự liên hợp, tăng cường quan hệ chiến lược với các nước có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông như Philippines, Việt Nam, cổ vũ các nước này thực hiện hành vi khiêu khích ở Biển Đông, thậm chí dám công khai đối đầu quân sự với Trung Quốc. Ba là, bố trí lực lượng quân sự uy hiếp ở tuyến đầu. Trong khuôn khổ điều phối quân sự của mô hình “không - hải chiến”, thông qua việc bố trí tàu chiến gần bờ, máy bay tuần tiễu và chống ngầm ở khu vực Biển Đông, tạo ra cục diện quân sự lưu động ở tuyến đầu và liên kết với lực lượng tấn công chiến lược ở chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai, nhằm thực hiện “khống chế đối với khu vực biển gần” ở Tây TBD, từ đó tạo ra sự uy hiếp chiến lược có hiệu quả với mức đầu tư quân sự ít nhất.

Mỹ muốn thông qua việc can thiệp chiến lược nêu trên, cổ vũ một số nước gây xung đột với Trung Quốc để khuấy động Biển Đông, từ đó ngăn chặn Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở Biển Đông, tạo ưu thế chiến lược cho Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc đã có ứng phó phù hợp, không những không làm tổn hại quan hệ với các nước ASEAN, kể cả Việt Nam và Philippines, mà còn tăng cường quản lý đối với Biển Đông. Mục đích chiến lược của Mỹ dường như không hoàn toàn đạt được. Điều đó đã buộc Mỹ phải chuyển từ việc ủng hộ phía sau sang công khai chỉ trích trực tiếp Trung Quốc. Tuy nhiên, lập trường của Mỹ là có giới hạn, bày tỏ “giữ trung lập” đối với tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, mong muốn các nước ở khu vực thông qua hợp tác và nỗ lực ngoại giao để giải quyết bất đồng. Thực ra, Mỹ không muốn đối đầu và xung đột trực tiếp với Trung Quốc ở Biển Đông, không muốn xảy ra chiến tranh với Trung Quốc, mà Mỹ muốn sử dụng các sức ép, kể cả sức ép quân sự để hạn chế Trung Quốc phát triển, cổ vũ các nước ven Biển Đông khiêu khích Trung Quốc, phá hoại cơ sở hợp tác giữa Trung Quốc với ASEAN, từ đó xây dựng lại trật tự ở khu vực TBD do Mỹ làm chủ đạo.

Rõ ràng, việc thành lập “Thành phố Tam Sa” cho thấy Trung Quốc vẫn còn rất nhiều biện pháp có thể sử dụng để xử lý vấn đề Biển Đông. Trung Quốc có ưu thế gần về địa chính trị, có nguồn gốc lịch sử lâu đời, sức mạnh quốc gia ngày càng tăng và quan hệ hợp tác hữu nghị với láng giềng sẽ phát huy tác dụng để Trung Quốc bảo vệ hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Một khi đã không muốn xảy ra chiến tranh ở Biển Đông với Trung Quốc thì Mỹ nên tìm kiếm điểm đồng trong cuộc cạnh tranh lợi ích giữa hai nước lớn Trung - Mỹ. Có thể Biển Đông sẽ trở thành nơi để Mỹ và Trung Quốc tìm kiếm một quan hệ nước lớn kiểu mới hài hòa.

Thùy Anh(gt)