Hiện nay, hai nước Trung Quốc và Nhật Bản đã triển khai đấu tranh toàn diện xung quanh vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku và các đảo phụ cận, các cơ quan thi hành pháp luật của hai nước đều có nguy cơ xảy ra xung đột nổ sung bất cứ lúc nào. Quyết tâm của Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận sẽ không thay đổi, mục tiêu của Trung Quốc trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngư dân Trung Quốc trong vùng biển xung quanh đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận sẽ không thay đổi, Trung Quốc thông qua con đường luật pháp, chính nghĩa, cung cấp các văn kiện luật pháp về đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận lên Liên Hợp Quốc, phương hướng bảo vệ chủ quyền quốc gia của Trung Quốc trên phương diện pháp lý cũng sẽ không thay đổi. 

Trung Quốc căn cứ vào cục diện lớn hữu nghị lâu dài hai nước Trung-Nhật, quyết định tổ chức hoạt động kỷ niệm 40 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao hai nước. Nhưng như mọi người đã thấy, “cây muốn lặng mà gió chẳng đứng”. Trong vấn đề đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận, một số chính khách Nhật Bản đã áp dụng lập trường sai lầm, đồng thời còn mong muốn giành lợi ích chính trị từ sự kiện này, vì thế trong thời gian trước mắt, họ sẽ không thay đổi chủ trương của mình và cũng sẽ không có những nỗ lực thực sự nhằm làm dịu quan hệ giữa hai nước. Trong bối cảnh này, Trung Quốc buộc phải có hành động, bên cạnh đồng hành cùng với cộng đồng quốc tế, Trung Quốc cần không ngừng vạch trần tội ác của chủ nghĩa phân phiệt Nhật Bản, ngăn chặn nó hồi phục từ đống tro tàn. 

Nói về nguồn gốc vấn đề đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận, đây là vấn đề trao nhận riêng tư của Mỹ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Năm 1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, chấp nhận “Tuyên bố Cairo” và “Thông cáo Postdam”, có nghĩa là Nhật Bản chỉ có thể sở hữu 4 hòn đảo của nước mình, phải từ bỏ tất cả đất đai có được do sử dụng vũ lực cướp đoạt, Đài Loan và đảo Senkaku/Điếu Ngư phụ cận của nó quay trở về tổ quốc. Tuy nhiên, điều khiến mọi người đáng tiếc là năm 1971, do quan hệ Trung-Mỹ căng thẳng, Mỹ quyết định tự mình giao đảo Senkaku/Điếu Ngư của Trung Quốc và các đảo phụ cận cho phía Nhật Bản cai quản, khiến cho Nhật Bản chiếm quyền chủ động trên phương diện kiểm soát đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận. Bối cảnh lịch sử phức tạp này đã phản ánh đầy đủ hiện thực địa chính trị của Chiến tranh Thế giới thứ Hai, đồng thời cũng đã phản ánh hoàn cảnh chân thực Trung Quốc là một nước chiến thắng. Trong bối cảnh lịch sử lúc đó, bất luận là Trung Quốc đại lục hay là nhà cầm quyền Đài Loan, cũng rất rất khó có thể thảo luận, mặc cả với Mỹ, yêu cầu Mỹ huỷ bỏ quyết định đã đưa ra. Tuy nhiên, người Hoa trên khắp thế giới đã liên tục đưa ra ý kiến, một số trí thức trong đó bao gồm cả đồng bào Đài Loan đã thông qua các hoạt động, phản đối Mỹ tự ý giao đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận của Trung Quốc cho phía Nhật Bản. Nhà lãnh đạo khu vực Đài Loan từng lấy vấn đề đảo Senkaku/Điếu Ngư làm đối tượng nghiên cứu viết luận văn tiến sĩ, hơn nữa còn tổ chức các hoạt động biểu tình tập trung ở trong và ngoài nước. Chính phủ Mỹ khi đó hoàn toàn hiểu rõ lập trường của Trung Quốc, nhưng vẫn làm như vậy là vì họ cho rằng thiên vị Nhật Bản trong vấn đề đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận sẽ giúp Mỹ có thể duy trì sự hiện diện quân sự lâu dài tại khu vực Đông Á, đặc biệt là Đông Bắc Á, có lợi cho việc kiềm chế các đối thủ cạnh tranh chiến lược của mình ở khu vực này. 

Hiện tại, hai nước Trung-Nhật đang đối kháng trực diện xung quanh vấn đề đảo Senkaku/Điếu Ngư, xét trong thời gian ngắn trước mắt, Chính phủ Nhật Bản không có khả năng thu hồi quyết định quốc hữu hoá đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận, trong khi đó Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ không nhượng bộ trong vấn đề đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận. Liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ quốc gia, các nhà lãnh đạo Chính phủ Trung Quốc không thể đưa ra những phán đoán sai lầm.

Điều khiến dư luận đặc biệt chú ý là cùng với việc hai nước Trung-Nhật đọ sức xung quanh đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã đến thăm Trung Quốc, tạm thời thay đổi lộ trình thương lượng đối sách với Chính phủ Nhật Bản. Rất hiển nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ nhằm tăng cường Hiệp ước Bảo đảm An ninh Nhật-Mỹ. Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ luôn tuyên bố giữ lập trường trung lập trong tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận, nhưng việc Nhật Bản và Mỹ tổ chức diễn tập quân sự tại Okinawa, trên thực tế là nhằm tăng thêm dũng khí cho Nhật Bản. Nói cách khác, Mỹ sợ Chính phủ Nhật Bản chạy trốn khi lâm trận, từ đó làm cho cục diện khu vực Đông Bắc Á tái ổn định trở lại, điều này hoàn toàn không có lợi cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực này. Đúng như những gì một số nhà quan sát quốc tế nhận thấy, Mỹ hy vọng Nhật Bản và Trung Quốc va chạm với nhau vì chỉ như vậy sự hiện diện quân sự của Mỹ mới phù hợp với tình hình. Nhưng nếu quan hệ căng thẳng Nhật-Trung mất kiểm soát hoàn toàn, cuối cùng diễn biến thành một cuộc chiến tranh cục bộ thì lợi ích thực tế của Mỹ sẽ bị tổn hại. 

Cho nên, đứng đằng sau những khiêu khích công khai của Chính phủ do đảng Dân chủ Nhật Bản cầm quyền là hành động đổ thêm dầu vào lửa của Mỹ. Nếu không giải quyết vấn đề lập trường của Mỹ, thì tranh chấp đảo Điếu Ngư và các đảo phụ cận không thể giải quyết triệt để. Trong khi đó, muốn xoá bỏ về căn bản suy nghĩ của chủ nghĩa cơ hội mà Mỹ áp dụng tại khu vực Đông Bắc Á thì phải để Mỹ nhận thức được đầy đủ việc tái vũ trang của Nhật Bản có thể dẫn đến kết quả chủ nghĩa quân phiệt phục hồi. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, Mỹ rõ ràng đang tích cực lợi dụng Nhật Bản, hy vọng nhờ vào thế lực chủ nghĩa quân phiệt ở Nhật Bản, tạo ra nhiều tranh chấp hơn ở khu vực châu Á.

Điểm này được biểu hiện tương đối nổi bật khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đến thăm Trung Quốc. Phát biểu khi thăm Học viện Công trình binh chủng Thiết giáp Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Bộ trưởng Leon Panetta đã trả lời các câu hỏi của học viên về vấn đề lịch sử, trong đó chỉ rõ “tôi hiểu lịch sử, biết Trung Quốc chịu tổn thương sâu sắc trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Mỹ cũng chịu tổn thương nặng nề trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Tôi hy vọng để duy trì thịnh vượng và an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các nước liên quan nên cùng nhau nỗ lực tìm kiếm phương thức giải quyết vấn đề”. Nói cách khác, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, Mỹ và Trung Quốc kề vai chiến đấu, cùng nhau đánh bại chủ nghĩa phát xít Nhật Bản, nhưng vật đổi sao dời, nay không còn giống xưa, chúng ta không thể tìm đáp án giải quyết vấn đề trong lịch sử. Hiện tại, Mỹ và Nhật Bản sở dĩ thiết lập quan hệ đồng minh hoàn toàn xuất phát từ tính toán hiện thực địa chính trị.

Người Mỹ hoàn toàn không hiểu tội ác tày trời của Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, cũng hoàn toàn không hiểu các hành động của Chính phủ Nhật Bản hiện nay, nhưng sở dĩ Mỹ mong muốn hợp tác quân sự với Chính phủ Nhật Bản là vì hai nước đang đối mặt với kẻ thù mới, hai nước này đều cần bắt tay, cùng nhau đối phó với đối thủ cạnh tranh của mình. Đây là một dạng của chiến lược địa chính trị chủ nghĩa cơ hội, cũng là nguyên nhân căn bản để Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á, đặc biệt là tại khu vực Đông Bắc Á.

Trên thế giới không có bạn bè vĩnh viễn, cũng không có kẻ thù vĩnh viễn. Thái độ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thể hiện trong chuyến thăm Trung Quốc, trên thực tế đã định ra quan điểm cơ bản cho hai nước Trung-Nhật giải quyết tranh chấp lãnh thổ đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận. Được coi là người gây ra tranh chấp đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận, sở dĩ người Mỹ giữ lại “ngòi nổ” có thể dẫn đến chiến tranh, là vì họ cho rằng làm như vậy phù hợp với lợi ích của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, Chính phủ Trung Quốc một mặt cần tích cực cho phía Mỹ biết về hiểm hoạ do chính sách chủ nghĩa bình định có thể đem lại đối với chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, mặt khác cũng cần chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu nhất, chuẩn bị độc lập tự chủ giải quyết tranh chấp lãnh thổ đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận.

Lập trường của Mỹ, trên thực tế đã làm cho đảo Điếu Ngư và các đảo phụ cận biến thành một cuộc đọ sức giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ. Mỹ hoàn toàn không phải không hiểu về thế lực cánh hữu trong nội bộ Nhật Bản, mà còn lạc quan về thế lực này vì như vậy sẽ phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, người Mỹ dù sao cũng không thể quá tự tin, không thể vác đá tự đập vào chân mình, vì nếu thế lực cánh hữu Nhật Bản làm mưa làm gió trong nước, kẻ theo chủ nghĩa quân phiệt quay trở lại nắm chính quyền, thì cái mà họ muốn sát hại không chỉ là người dân châu Á, mà còn gồm cả người Mỹ - nước đã ném 2 quả bom nguyên tử xuống lãnh thổ Nhật Bản. 

Nói một cách thẳng thắn, trong vấn đề đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận việc Mỹ áp dụng chính sách hai mặt, hai lòng không chỉ làm tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc, mà còn làm tổn hại đến lợi ích của chính bản thân nước Mỹ. Hiện tại, để duy trì hệ thống công ngiệp quân sự của mình, Mỹ không ngừng tạo ra các điểm nóng trên thế giới. Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á sẽ khiến cho cục diện khu vực này căng thẳng hơn. Mỹ kích động Trung Quốc, hy vọng Trung Quốc thay đổi con đường phát triển của mình, hoặc thiết lập chướng ngại vật đối với sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc, xét trong thời gian trước mắt là phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ, nhưng xét về lâu dài, vì bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ, nếu Trung Quốc không thể không bị cuốn vào một cuộc chiến tranh, thì cái mất của Mỹ không chỉ là thị trường Trung Quốc, mà còn đánh mất động lực mạnh mẽ giúp kinh tế Mỹ phát triển lâu dài.

Thuyết phục Mỹ thay đổi lập trường, đầu tiên cần giải quyết quan niệm ý thực hệ sai lầm của các nhà lãnh đạo Chính phủ Mỹ để cho họ thực sự nhận thức được rằng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Trung Quốc cũng cần một môi trường quốc tế ổn định lâu dài, Trung Quốc mong muốn duy trì hợp tác tích cực với Mỹ trong việc giải quyết xung đột khu vực. Nếu nhằm mục đích kiềm chế Trung Quốc mà dung túng hoặc ngầm đồng ý cho thế lực chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản không ngừng gây sự trong vấn đề đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận, thì không chỉ có Trung Quốc bị tổn hại, mà cuối cùng Mỹ cũng sẽ chịu thiệt hại nặng nề.

Một số học giả Trung Quốc cho rằng Mỹ không có lợi ích thực chất trong vấn đề đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận. Đây là một biểu hiện điển hình của việc thiếu tầm nhìn chiến lược. Ngày càng nhiều người ý thức được rằng vấn đề đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận, về bản chất là vấn đề lợi ích quốc gia của Mỹ, hoặc có thể nói là công cụ quan trọng để Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực châu Á. Có thể tưởng tượng rằng nếu Trung Quốc và Nhật Bản xảy ra xung đột quy mô thông thường trên vùng biển đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận, thì Mỹ không những có thể tăng cường sự hiện diện quân sự tại khu vực này, mà còn có thể yêu cầu Nhật Bản mua vũ khí của Mỹ, từ đó kích thích sự phát triển của ngành công nghiệp quân sự Mỹ. Vì thế, tác giả nhiều lần cho rằng nếu muốn phá vỡ cục diện bế tắc lịch sử này sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Chính phủ Trung Quốc cần phải đoàn kết tất cả lực lượng có thể, lựa chọn chính sách đối phó có lợi nhất cho mình. Khuyến khích Chính quyền hiện nay của Đài Loan phát huy vai trò nhiều hơn nữa trong quá trình bảo vệ đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận, nên là sự lựa chọn đầu tiên của Chính phủ Trung Quốc. Vì xét trong tình hình hiện nay, Chính quyền Đài Loan và Mỹ đang duy trì quan hệ gắn bó, trong đó đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận trong lịch sử đều là do huyện Nghi Lan, Đài Loan quản lý, vì thế, để Chính quyền Đài Loan áp dụng các biện pháp bảo vệ đảo Senkaku/Điếu Ngư, có thể có lợi hơn trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền lợi biển của Trung Quốc. Trong phương diện bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, Đại lục và Đài Loan cần vứt bỏ những hiềm nghi trước đây, áp dụng các biện pháp tích cực hơn nữa, thúc ép Chính phủ Nhật Bản từ bỏ quyền kiểm soát của mình. Hiện tại, Đại lục đã lần lượt rút các đội tàu thực hiện nhiệm vụ tuần tra xung quanh khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thi hành pháp luật Đài Loan thực hiện quyền quản lý tại khu vực này. Nhà cầm quyền Đài Loan nhất định có thể xuất phát từ việc bảo vệ lợi ích thiết thân của dân tộc Trung Hoa, áp dụng các biện pháp hiệu quả hơn, kiểm soát đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận, khiến cho Chính quyền Nhật Bản không thể thực thi các kế hoạch, làm cho Mỹ ý thức được rằng việc áp dụng chính sách bình định đối với Nhật Bản trong vấn đề đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận, rất có thể sẽ biến thành một cuộc chơi “xôi hỏng bỏng không”. Về phương diện bảo vệ chủ quyền đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận, cần thúc ép Mỹ thay đổi chủ trương, rút ra bài học lịch sử. Trong quá trình giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đảo Senkaku/Điếu Ngư và các đảo phụ cận, hai bờ eo biển Đài Loan cần hợp tác chặt chẽ, để giành được lợi ích lớn nhất với cái giá nhỏ nhất.

Theo Tin tức Trung Quốc

Quốc Trung (gt)