South-China-Sea-440x314.jpg

Theo ông William R. Brownfield, Trợ lý Cục đặc trách về chất gây nghiện và thi hành luật pháp quốc tế của Mỹ, kinh phí cho SAMLEI được Ngoại trưởng John Kerry công bố vào tháng 12/2013 là 32,5 triệu USD, nhưng hiện đã tăng lên con số 100 triệu USD, số tiền này do tất cả các cơ quan thuộc chính phủ Mỹ tài trợ. Ước tính, tổng số kinh phí hỗ trợ cho vấn đề an ninh biển của Mỹ ở khu vực này trong hai năm tới sẽ là 156 triệu USD.

Mục tiêu của quỹ hỗ trợ này là nhằm thực thi sáng kiến, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp trang thiết bị (bao gồm cả tàu tuần tra), đào tạo, huấn luyện, xây dựng năng lực và điều phối các bên trong khu vực để thực thi luật biển. Sáng kiến này của Mỹ dựa trên nguyên tắc phối hợp chung và chỉ tập trung thực thi Luật Biển nên Washington sẵn sàng hợp tác với tất cả chính phủ các nước cùng tham gia vào các hoạt động này, đồng thời hoan nghênh sự tham gia và đóng góp của các nhà tài trợ quốc tế khác.

Trả lời câu hỏi về trường hợp của Việt Nam, ông Brownfield cho biết chính phủ Việt Nam đã yêu cầu xây dựng cơ sở đào tạo, bảo dưỡng các phương tiện hỗ trợ tàu thuyền và tăng cường năng lực hoạt động, trong đó có việc đảm bảo khả năng phối hợp và tác chiến. Ông Brownfield nêu rõ: "Chúng tôi đã thỏa thuận và đang kết hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong việc cung cấp và hỗ trợ phát triển năng lực và khả năng thực hiện SAMLEI. Ngoài ra, Việt Nam cũng bày tỏ sự quan tâm tới việc tăng cường hợp tác với lực lượng Cảnh sát biển Mỹ".

Trước đó, Đô đốc Paul Zukunft - người đứng đầu lực lượng Cảnh sát biển Mỹ -cũng hoan nghênh mối quan tâm này của Việt Nam và nói: "Tôi có thể chắc chắn rằng lực lượng Cảnh sát biển Mỹ mong muốn hai bên hợp tác chặt chẽ hơn nữa khi mà cả hai nước đều có truyền thống đáng tự hào về việc thực thi pháp luật trong lãnh hải của mình".

Phát biểu sau chuyến thăm và làm việc tại 3/4 nước tham gia sáng kiến trên (không có Malaysia), ông Brownfield cho biết khả năng chấp pháp biển của Indonesia, Philippines và Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Ông nói: "Theo quan sát của tôi, năng lực thực thi sáng kiến này ở Indonesia, Philippines và Việt Nam đã có bước tiến và hiệu quả hơn so với cách đây hai năm". Mặc dù vẫn nhấn mạnh sự lo ngại về những hành động làm gia tăng căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng ông Brownfield từ chối bàn luận về những vấn đề về chủ quyền và biên giới trên biển bởi theo ông nó "vượt quá phạm vi của SAMLEI".

Tuy nhiên, trên thực tế, ông Brownfield đã đề cập tới các vấn đề này khi tái khẳng định lập trường của Mỹ với 3 nguyên tắc cơ bản để kiểm soát vấn đề chủ quyền ở Biển Đông: Không bồi đắp, không quân sự hóa và không xây dựng công trình mới tại tất cả các đảo ở Biển Đông. Ông cũng nhấn mạnh rằng những nguyên tắc này của Mỹ phù hợp với cách tiếp cận của các nước thành viên ASEAN và nhận định việc tăng cường năng lực thực thi luật biển tại Đông Nam Á sẽ thúc đẩy các quốc gia ở khu vực này giải quyết các vấn đề liên quan khác. Ông cũng khẳng định rằng một quốc gia có thể thực thi luật biển tốt thì cũng sẽ giải quyết hiệu quả những vấn đề quan trọng và nhạy cảm khác.

Theo "The Diplomat"

Anh Thư (gt)