Lần đầu tiên, Trung Quốc sẽ đăng cai tổ chức Diễn đàn Hải quân Tây Thái Bình Dương (WPNS) - cuộc họp diễn ra hai năm một lần giữa các quốc gia nằm bên Thái Bình Dương. Diễn đàn này bao gồm các nước thành viên là Mỹ, Australia, Chile, Canada và một số quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc và Nhật Bản.

Thông thường, tại các cuộc họp của WPNS, nước chủ nhà sẽ tổ chức lễ duyệt hạm quốc tế, trong đó các nước quan khách có thể tham gia lễ duyệt binh trên biển và phô trương một số vũ khí hạng nặng. Đây sẽ là cuộc trình diễn ngoạn mục của các tàu chiến, tàu ngầm tấn công và tuần dương hạm tên lửa. Vào năm 2008, khi Hàn Quốc đăng cai tổ chức hội nghị, Mỹ đã gửi tới đây tàu sân bay George Washington, tuần dương hạm tên lửa Cowpens và tàu ngầm tấn công John S. McCain để tham gia lễ duyệt hạm.

Trong lễ duyệt hạm năm nay tại Thanh Đảo, nước chủ nhà Trung Quốc đã mời tất cả các nước thành viên hội nghị tham gia - ngoại trừ Nhật Bản. Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ đề nghị được giấu tên phát biểu: "Hành động này (của Trung Quốc) hoàn toàn giống cách cư xử của học sinh cấp 3".

Bởi vậy, trước chuyến công du Trung Quốc của ông Hagel, bao gồm chuyến thăm tới Thanh Đảo, các quan chức của Lầu Năm Góc thông báo rằng nếu Nhật Bản không thể tham gia lễ duyệt hạm, thì Mỹ cũng sẽ không tham gia. Lầu Năm Góc cho biết Mỹ sẽ tham dự cuộc họp, song sẽ không có một tàu chiến nào của Mỹ tham gia lễ duyệt hạm.

Một quan chức Lầu Năm Góc phát biểu một cách thận trọng: "Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ không có ý định gửi tàu chiến đến tham gia. WPNS là một cuộc họp đa phương quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hải quân các nước trong một diễn đàn toàn diện, hợp tác và mang tính xây dựng".

Mỹ đã tìm cách giải quyết tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, nhưng trong những tháng gần đây, tình hình dường như trở nên hết sức căng thẳng. Cuối năm 2013, Trung Quốc đã làm dấy lên làn sóng phản đối ở cả hai bờ Thái Bình Dương sau khi nước này tuyên bố thiết lập "Vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) để cho phép họ có quyền xác định và có thể hành động quân sự chống lại máy bay tới gần các đảo không người sinh sống ở biển Hoa Đông mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. 

Hồi tháng 2, Đại tá hải quân James Fanell, chỉ huy hoạt động tình báo và thông tin của Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết Trung Quốc đang huấn luyện các lực lượng của mình để có khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh "ngắn và bất ngờ" với Nhật Bản ở vùng biển Hoa Đông. Các quan chức khác của Mỹ ngày càng quan ngại trước việc Trung Quốc tăng cường lực lượng và cái mà họ gọi là sự thiếu minh bạch ở các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Trong bối cảnh đó, ông Hagel tới Trung Quốc và nơi đầu tiên ông hạ cánh là Thanh Đảo, căn cứ của một trong ba hạm đội hải quân của Trung Quốc. Theo một quan chức quốc phòng Mỹ, ông Hagel sẽ thăm tàu sân bay của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và là vị khách nước ngoài đầu tiên được Trung Quốc cho phép lên tàu. Thanh Đảo cũng là nơi mà Trung Quốc giới thiệu cho người tiền nhiệm của ông Hagel, ông Leon E. Panetta, hai năm trước.

Giờ Trung Quốc cho người Mỹ được thấy tàu sân bay của mình, và đó là một bước tiến mới so với chuyến thăm của ông Panetta năm 2012. Tuy nhiên, các phóng viên đi cùng ông Hagel không được phép lên thăm tàu, và thay vào đó sẽ tới thăm một xưởng sản xuất rượu bia ở địa phương.

Trong cuộc họp báo ngày 6/4 với Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera, ông Hagel đã phát biểu có phần bực tức với Trung Quốc. Ông nói: "Tôi sẽ nói với phía Trung Quốc về cách tôn trọng láng giềng của họ". Ông chỉ trích Trung Quốc và kêu gọi nước này hãy sử dụng "sức mạnh" của mình một cách có trách nhiệm. Ông nói: "Anh không thể đi khắp thế giới, xác định lại các đường biên giới, vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của các nước khác bằng vũ lực, ép buộc hay hăm dọa, dù đó là ở những hòn đảo nhỏ trên Thái Bình Dương hay ở những quốc gia rộng hơn tại châu Âu".

Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết trong chương trình nghị sự chính thức của ông Hagel không có việc thảo luận với các quan chức nước chủ nhà về vấn đề duyệt hạm, song vẫn để ngỏ khả năng bàn thảo vấn đề này.

Theo các chuyên gia châu Á, việc Nhật Bản xâm lược Trung Quốc hồi Chiến tranh Thế giới Thứ hai là một trong những lý do khiến Bắc Kinh không thích các tàu Nhật Bản tham gia cuộc diễu binh. Song các chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo về chiến dịch quảng bá khắp thế giới mới đây của Trung Quốc nhằm gia tăng sự chỉ trích Nhật Bản. Hàng chục đại sứ Trung Quốc đã viết thư gửi tới các tờ báo trên khắp thế giới để chỉ trích Nhật Bản, trong số đó, Đại sứ Trung Quốc tại Anh đã so sánh Nhật với Chúa tể Hắc ám Voldemort trong cuốn truyện "Harry Potter" nổi tiếng. 

Ở Tokyo, việc Mỹ quyết định tránh cuộc duyệt hạm nhằm thể hiện sự đoàn kết với Nhật Bản đã được hoan nghênh nhiệt liệt, như giới phân tích cho rằng điều đó có thể giúp xoa dịu mối quan ngại đang gia tăng của Nhật Bản về việc liệu Mỹ thực sự đứng về phía Tokyo chống lại sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc hay không. Narushige Michishita, Giám đốc nghiên cứu an ninh và quốc tế thuộc Học viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản, nói: "Đây là một bước tiến rất tích cực nhằm giải đáp mối quan ngại của Nhật Bản. Quyết định này được xem như một tín hiệu của phía Mỹ rằng sự bảo vệ của họ vẫn đáng tin cậy".

Song theo Andrew Oros, chuyên gia về Đông Á và phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Washington ở Maryland, "kiểu ăn miếng trả miếng này cho thấy Mỹ đang bị lôi kéo vào một vấn đề lịch sử ngày càng rắc rối liên quan tới Trung Quốc và Nhật Bản. Các vấn đề thuộc bề nổi thể hiện những rắc rối bên trong giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á và lớn thứ hai và thứ ba trên thế giới".

Theo tờ "Thời báo New York"

Thuỳ Anh (gt)