Nỗ lực này có thể sẽ làm phức tạp các mối quan hệ của Mỹ với Nga và Trung Quốc, hai quốc gia vốn lo sợ các hệ thống phòng thủ như vậy có thể sẽ gây tổn hại tới tình hình an ninh của nước mình, cho dù Mỹ khẳng định các hệ thống này được xây dựng chỉ nhằm phòng vệ trước các quốc gia như Iran và Bắc Triều Tiên. Phát biểu tại cuộc họp báo do Cục Phòng thủ tên lửa của Lầu Năm Góc đồng tổ chức, bà Creedon cho hay để xúc tiến thiết lập các hệ thống phòng thủ mới, Mỹ sẽ tiến hành hai tiến trình đối thoại ba bên - một với Nhật Bản, Ôxtrâylia và một với Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo bà Creedon, những lá chắn như vậy có thể giúp chống lại các mối đe dọa được xác định là đến từ hai quốc gia láng giềng của những nước này là Iran và Bắc Triều Tiên, đồng thời giúp bảo vệ Mỹ trước bất cứ tên lửa tầm xa nào trong tương lai mà Têhêran và Bình Nhưỡng có thể phát triển. Bà Creedon nói: "Khi chúng ta làm việc để phát triển các lá chắn cho các khu vực này, chúng ta sẽ tập trung vào những cách tiếp cận tạo cơ hội dễ dàng cho việc hợp tác với các đồng minh và các đối tác nhằm đối phó với những thách thức an ninh hiện nay và sau này cũng như góp phần nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác". Bà cũng cho biết lá chắn tại châu Á sẽ phỏng theo mô hình của cái gọi là "Cách tiếp cận thích ứng theo giai đoạn" của hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Hệ thống này bao gồm việc triển khai tên lửa đánh chặn ở Ba Lan và Rumani, trạm rađa ở Thổ Nhĩ Kỳ và các tàu khu trục Aegis có khả năng phòng thủ tên lửa ở Tây Ban Nha. Mátxcơva lo sợ rằng một hệ thống lá chắn như vậy, căn cứ vào những cuộc nâng cấp theo kế hoạch, tới năm 2020 có thể sẽ đủ mạnh để làm suy yếu lực lượng hạt nhân răn đe của chính Mátxcơva. Nga đã đe dọa sẽ triển khai các loại tên lửa có thể xuyên thủng hệ thống lá chắn này.

Riki Ellison, nhân vật ủng hộ kế hoạch phòng thủ tên lửa và có mối quan hệ mật thiết với các quan chức và cựu quan chức quân sự cấp cao của Mỹ có liên quan tới nỗ lực này, cho rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ phản đối, thậm chí kịch liệt hơn cả Nga, đối với một hệ thống lá chắn tên lửa được bố trí ở các nước sân sau của mình. Theo Ellison, việc xây dựng các lá chắn trong khu vực này là một ý kiến hay trên lý thuyết, song không khả quan trên thực tế. Bà Creedon cho biết ở khu vực Trung Đông, Mỹ sẽ cố gắng đẩy mạnh "việc trao đổi và chia sẻ thông tin" giữa các thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh như Arập Xêút, Côoét, Baranh, Cata, các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Ôman khi các nước này có được khả năng phòng thủ tên lửa lớn mạnh hơn. Cũng tại cuộc họp báo này, chính quyền Obama đã đính chính một tuyên bố mới được đưa ra trong tháng 3 rằng họ đang cân nhắc khả năng cung cấp cho Nga một số thông tin mật về hệ thống phòng thủ tên lửa nếu như Nga chấp nhận hệ thống lá chắn ở châu Âu. Bà Ellen Tauscher, Đặc phái viên của Chính quyền Obama phụ trách về sự ổn định chiến lược và phòng thủ tên lửa, nói: "Chúng tôi không đề nghị cung cấp cho Nga các thông tin mật". Bà nói thêm rằng thay vào đó, Chính quyền Obama đã mời Mátxcơva quan sát một chuyến bay thử nghiệm của máy bay đánh chặn Stardard Missile-3 của Mỹ trên hải phận quốc tế. Theo bà, việc làm này là để các quan chức Nga có thể tự kiểm chứng được tính chính xác của "những gì chúng tôi đang nói về hệ thống của chúng tôi". Mỹ khẳng định rằng hệ thống này của Mỹ không đe dọa tới khả năng răn đe hạt nhân của Nga.

Theo Reuters (ngày 27/3)

Hương Trà (gt)