Trên tờThe  Wall Street Journal, Thượng nghị sĩ Robert Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đãn nhận xét rằng: Hội nghị giữa các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), diễn ra trong hai ngày 14-15/9, là cơ hội quan trọng để đạt được tiến bộ, hướng tới trật tự trên cơ sở luật pháp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hội nghị đã thảo luận về việc thành lập Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) để giải quyết các tranh chấp quan trọng trên biển. Mỹ không thể tham gia các cuộc tham vấn này nhưng rất quan tâm đến kết quả.

Những năm gần đây, Biển Hoa Đông và Biển Đông xuất hiện hàng loạt diễn biến đáng báo động. Tình trạng tranh chấp ở các bãi đá không người sinh sống và các bãi san hô có thể xa lạ với người Mỹ, nhưng đối với các nước châu Á bị ảnh hưởng, người dân rất quan tâm đến những tranh chấp đó. Mặc dù Mỹ không bày tỏ quan điểm rõ ràng về các tranh chấp đó, nhưng là một nước thuộc châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ cũng có lợi ích an ninh quốc gia trong việc duy trì ổn định khu vực. Mỹ cũng quan tâm đến tự do thương mại hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết hòa bình các tranh chấp. Do Nhật Bản, Đài Loan và Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông, đồng thời Trung Quốc, Philippines, Brunei, Malaysia và Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền đối với các hòn đảo trên Biển Đông, nên các tranh chấp này đã gây căng thẳng thực sự và nguy cơ xung đột. 

Đầu năm nay, nhiều báo cáo cho biết một tàu chiến của hải quân Trung Quốc đã chĩa rađa vào một tàu chiến Nhật Bản. Gần đây, các tàu chiến của Trung Quốc đã bao vây bãi cạn Second Thomas II trên Biển Đông (Bãi Cỏ Mây) hiện do lực lượng lính thủy đánh bộ Phillipines kiểm soát. Bên cạnh đó, Việt Nam tố cáo tàu chiến Trung Quốc nhiều lần đâm và nổ súng vào các tàu cá của ngư dân Việt Nam. Một tàu cá của Đài Loan hoạt động ở vùng biển tranh chấp bị một tàu chiến của cảnh sát biển Philippines nổ súng làm chết một ngư dân. Không ai có thể dám chắc rằng một trong những sự kiện đó không leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn. 

Vậy Mỹ có thể làm gì để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời giúp các bên liên quan quản lý và giải quyết các tranh chấp trên biển?

Thứ nhất, Mỹ khẳng định rằng điều quan trọng là tất cả các bên phải kiềm chế, chấm dứt và không được có hành động đe dọa hay sử dụng vũ lực để khẳng định tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp. Nguyên tắc này đã được ghi nhận trong Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) giữa ASEAN-Trung Quốc năm 2002. Mỹ phải tiếp tục ủng hộ ASEAN nỗ lực đạt được tiến bộ quan trọng hướng tới hoàn tất một Bộ Quy tắc Ứng xử mới toàn diện để thiết lập các quy tắc rõ ràng nhằm giải quyết các bất đồng. Các cuộc họp vừa qua là một cơ hội quan trọng để Trung Quốc và ASEAN chứng minh rằng họ có thể và sẽ đạt được tiến bộ trong giải quyết các tranh chấp.

Thứ hai, sự lãnh đạo của Mỹ là rất quan trọng ở châu Á và Washington phải ủng hộ nỗ lực của các bên trong khu vực nhằm phát triển các cơ chế quản lý khủng hoảng thích hợp để kiểm soát tất cả những hành động can dự ngoài ý muốn của các lực lượng quân sự và bán quân sự. Việc thành lập một “đường dây nóng” gần đây giữa Trung Quốc và Việt Nam là một biện pháp đáng hoan nghênh và đúng hướng.

Thứ ba, Mỹ cần nỗ lực hợp tác với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương để phát triển cơ chế hỗ trợ giải quyết các tranh chấp thông qua tiến trình hợp tác ngoại giao phù hợp với các nguyên tắc được luật pháp quốc tế thừa nhận. Mỹ không thể là một bộ phận trong các cuộc thảo luận ASEAN-Trung Quốc, nhưng Washington có thể và nên hỗ trợ các nước nỗ lực tạo ra một cơ chế hợp tác ngoại giao nhằm giúp quản lý các tranh chấp biển như một phần của nỗ lực lớn hơn này.

Thứ tư, Mỹ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy an ninh hàng hải trong khu vực. Các sáng kiến như xây dựng cơ chế phối hợp chung, quy trình hoạt động, nhận thức về vấn đề hàng hải và các nỗ lực xây dựng khả năng cho lực lượng cảnh sát hàng hải là những ví dụ cho mối quan hệ đối tác mà Mỹ có thể đề xuất.

Thứ năm, Mỹ nên tiếp tục thể hiện cam kết lâu dài với khu vực. Thượng viện Mỹ đã công bố quan điểm rõ ràng về các vấn đề trên bằng cách thông qua Nghị quyết 167. Thượng viện tin tưởng vào sự can dự tích cực hiện nay và cam kết của Thượng viện sẽ được duy trì trong tương lai. 

Là một quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ có lợi ích sống còn trong việc hợp tác với tất cả các nước trong khu vực nhằm phát triển, thể chế hóa và duy trì một trật tự dựa trên cơ sở luật pháp cho khu vực. Điều đó bắt đầu bằng cách áp dụng các cơ chế hiệu quả để quản lý các tranh chấp trên biển đang đe dọa khu vực, hỗ trợ và khuyến khích giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển ở châu Á-Thái Bình Dương. Một Bộ Quy tắc Ứng xử ràng buộc giữa Trung Quốc-ASEAN sẽ là một bước tiến quan trọng đúng hướng để giúp mang lại ổn định, hòa bình và thịnh vượng cho châu Á-Thái Bình Dương đúng như mong muốn của tất cả các quốc gia trong khu vực. 

Theo Wall Street Journal

 

Trần Quang (gt)