Oasinhtơn khẳng định rằng việc chuyển trọng tâm tới châu Á không nhằm kiềm chế Trung Quốc hay tìm cách quay trở lại các căn cứ quân sự trước đây của Mỹ tại khu vực một cách lâu dài. Tuy nhiên, đôi khi rất khó để có thể nhận thấy sự khác biệt giữa vịnh Subic (Philíppin) hiện nay và thời kỳ khu vực này còn là căn cứ quân sự của Mỹ. Cảng Subic là một cảng nước sâu gần các tuyến đường biển quan trọng và giáp với khu vực đang xảy ra tranh chấp tại Biển Đông giữa Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á. Roberto Garcia - người chịu trách nhiệm quản lý khu kinh tế được xây dựng trên nền căn cứ quân sự trước đây của Mỹ tại vịnh Subic - nói: "Hàng tháng, nhiều tàu (của Mỹ) tới đây. Vài tuần trước, còn có cả tàu ngầm và hàng không mẫu hạm. Họ (Oasinhtơn) không thể tìm đâu ra một cở sở như của chúng tôi ở châu Á".

Căng thẳng do liên quan tới tranh chấp lãnh thổ và việc Mỹ chuyển trọng tâm hướng tới khu vực sẽ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự khi ông Obama tới thăm Đông Nam Á trong những ngày tới. Lầu Năm Góc khẳng định Mỹ "không có ý định thiết lập lại các căn cứ tại Philíppin". Tuy nhiên, các hoạt động tại Subic lại gần giống với việc tập kết quân đội. Chỉ trong tháng 10, 70 tàu của Hải quân Mỹ đã đi qua vịnh Subic. Trong khi đó, trong cả năm 2010, số tàu đi qua đây chỉ là 51, còn năm 2011 là 55 tàu. Lầu Năm góc cho biết mỗi tháng hơn 100 máy bay Mỹ đã ghé qua Clark - cũng từng là một căn cứ quân sự của Mỹ, nằm giữa Manila và Subic. Năm 1992, các lực lượng Mỹ Mỹ từng bị đuổi khỏi Subic và Clark - hai căn cứ lớn nhất và cũng là cuối cùng của họ tại Philíppin. Hai nước đã khôi phục quan hệ gần gũi từ năm 2000 với việc tiến hành nhiều cuộc tập trận chung, thường xuyên trao đổi các chuyến thăm, đồng thời Mỹ còn giúp Philíppin chống lại những người cộng sản và những phần tử nổi loạn người Hồi giáo.

Thiếu tá Catherine Wilkinson, phát ngôn viên của Lầu Năm góc, nói rằng với tư cách là một cường quốc trong khu vực Thái Bình Dương, Mỹ quan tâm tới sự ổn định của khu vực, quyền tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế và các hoạt động thương mại hợp pháp, không bị cản trở trên các tuyến đường biển. Bà nói: "Sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực nhằm giúp duy trì hòa bình và sự thịnh vượng tại châu Á-Thái Bình Dương". Đến năm 2020, Lầu Năm góc sẽ chuyển 60% lực lượng hải quân tới châu Á, tăng từ mức 50% như hiện nay. Các nhà phân tích nói rằng họ vẫn chưa biết cụ thể về số lượng binh lính sẽ được cử tới châu Á, song được biết các binh sỹ trở về từ cuộc chiến Ápganixtan và đang ở các căn cứ tại Nhật Bản sẽ được bố trí lại. Cũng là một phần trong kế hoạch chuyển trọng tâm tới châu Á, nhóm đầu tiên trong tổng số 2.500 lính thủy đánh bộ của Mỹ được luân phiên cử tới đồn trú tại Ôxtrâylia đã tới miền Bắc nước này để huấn luyện, đồng thời sẽ có 4 tàu chiến ven bờ được luân phiên cử tới Xinhgapo vào năm tới. Trong tháng này, Bộ trưởng Ngoại giao Ôxtrâylia Bob Carr phát biểu: "Sẽ không có chuyện Mỹ đặt căn cứ tại Ôxtrâylia. Hãy ghi nhớ điều đó. Người Mỹ không muốn thế và chúng ta sẽ không đồng ý để họ làm như vậy".

Lầu Năm góc cũng đang để mắt tới cảng Cam Ranh của Việt Nam - một cảng nước sâu quan trọng, từng được các lực lượng Pháp, Nhật Bản, Mỹ và Liên Xô sử dụng trong suốt thế kỷ trước. Tháng 6 vừa qua, ông Panetta đã trở thành Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Mỹ tới thăm Cam Ranh kể từ khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, ông nói rằng việc các tàu của Mỹ có thể lui tới cảng này là "nhân tố then chốt" trong quan hệ với Hà Nội. Mặc dù đang tranh cãi với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, song Việt Nam hầu như không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ tiến xa hơn với Mỹ trong vấn đề cảng Cam Ranh. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nói với Reuters: "Việt Nam không hợp tác với nước ngoài để sử dụng cảng Cam Ranh vì mục đích quân sự". James Hardy - biên tập viên phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của "Tuần báo Quốc phòng" thuộc công ty thông tin toàn cầu IHS Jane's - cho rằng, hiện nay, Mỹ không thực sự cần phải có các lực lượng quân sự thông thường tại châu Âu, do đó, sẽ là hợp lý khi coi châu Á-Thái Bình Dương là khu vực hoạt động chính, cùng với khu vực Trung Đông. Ông nói: "Mỹ đang tái cân bằng lực lượng vì lý do rất rõ ràng - thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của châu Á, đồng thời, Mỹ sẽ thu được nhiều lợi ích từ việc can dự vào khu vực này. Những bước đi sai lầm của Trung Quốc trong 2 năm qua là cơ hội cho Mỹ".

Đối với Philíppin, sự hiện diện lớn hơn của Mỹ sẽ giúp lực lượng không quân và hải quân của nước này, vốn không được trang bị tốt, có được sự yểm hộ vô hình, trong bối cảnh đang xảy ra căng thẳng với Trung Quốc và nhiều đối thủ khác tại Biển Đông. Bên cạnh đó, cùng với thời gian, nhờ sự giúp đỡ của Mỹ, quân đội Philíppin sẽ hiện đại hóa khả năng hải quân và hệ thống rađa ven biển. Mặc dù vậy, sự hiện diện của Mỹ chưa hẳn chỉ toàn mang lại điều tốt đẹp. Hải quân Mỹ không phải trả phí vào cảng và kế hoạch của ông Garcia nhằm biến sân bay Subic thành một tổ hợp khu nghỉ dưỡng và casino có thể sẽ bị tiêu tan bởi lực lượng không quân Philíppin muốn biến khu vực này thành căn cứ quân sự. Nếu điều đó xảy ra, không quân Mỹ sẽ có các căn cứ hoạt động và bảo dưỡng tại Clark và Subic. Mỹ cũng sẽ sử dụng sân bay nhỏ ở đảo Batanes - một trong những điểm cực Bắc của Philíppin, nằm giữa Nhật Bản và căn cứ Diego Garcia của Mỹ ở Ấn Độ Dương - để tiếp nhiên liệu.

Các nhà ngoại giao Philíppin cho biết Oasinhtơn đang tìm cách tiếp cận một loạt sân bay và cảng biển khác, bao gồm cả Laogag ở phía Tây Bắc, hướng thẳng ra Biển Đông và chỉ cách bờ biển Trung Quốc 800 km. Garcia cho biết ông mong muốn tình hình tại Biển Đông sẽ được giải quyết, song theo ông, Mỹ sẽ đóng vai trò lớn hơn tại Philíppin cũng như tại khu vực. Ông nói: "Căng thẳng sẽ giảm xuống bởi thế giới sẽ không đủ sức để tham gia vào một tranh chấp lãnh thổ nữa. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa sự hiện diện của Mỹ sẽ giảm xuống. Chúng ta luôn phải quan tâm tới vấn đề cân bằng sức mạnh".

Theo Reuters (ngày 14/11)

Mỹ Anh (gt)