Ngoại trưởng Mỹ đã ghé qua Hồng Công trước khi đến Thâm Quyến (chặng dừng chân cuối cùng) để hội kiến với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc. Dư luận đã dự báo rằng tranh chấp Biển Đông sẽ là trọng điểm của cuộc gặp này, song thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đưa ra đã không có một từ nào đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, cần phải xem xét toàn bộ hành trình chuyến công du này.

Tại Ấn Độ, bà Clinton đã hối thúc Niu Đêli phát huy vai trò lãnh đạo to lớn hơn tại khu vực châu Á, ngầm cổ vũ Ấn Độ liên thủ với Mỹ để đối kháng Trung Quốc. Mấy năm gần đây, Mỹ không ngừng tăng cường quan hệ với Ấn Độ. Tháng 6/2010, hai bên đã tiến hành cuộc đối thoại chiến lược lần đầu tiên tại Oasinhtơn và đã đạt được nhận thức chung về hợp tác trong các lĩnh vực như chống khủng bố, chống phổ biến hạt nhân, mậu dịch và an ninh năng lượng. Hiện nay, Mỹ tích cực lôi kéo Ấn Độ, ý đồ chiến lược của Mỹ có thể đã rõ ràng.

Tiếp đó, Ngoại trưởng Mỹ tới In-đô-nê-xi-a để tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), lần đầu tiên yêu cầu các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông phải tôn trọng luật pháp quốc tế, phải dựa vào các căn cứ pháp lý có hiệu lực để chứng minh các yêu sách về chủ quyền (mà không chỉ căn cứ vào các tiền lệ lịch sử). Tuyên bố này rõ ràng nhằm vào Trung Quốc. Trước đó, Tổng thống Philíppin Benigno Aquino tuyên bố chuẩn bị đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông lên Tòa án quốc tế để giải quyết. Có thể thấy rằng việc “quốc tế hóa” và cục diện "lấy cơ chế đa phương để giải quyết tranh chấp Biển Đông" đang không ngừng được đẩy mạnh. Do Trung Quốc không tán đồng việc thông qua Tòa án quốc tế để giải quyết tranh chấp Biển Đông, động thái này của Mỹ sẽ khiến Trung Quốc lâm vào thế bị động hơn trong cuộc tranh chấp này.

Tại Hồng Công, bà Clinton đã có cuộc gặp với Hội đồng Lập pháp và Trưởng Đặc khu Hành chính, song cuộc gặp này chỉ mang tính hình thức. Trong bài diễn thuyết tại Thương hội Mỹ (ở Hồng Công), Ngoại trưởng Mỹ đã nhấn mạnh nước Mỹ tích cực cùng châu Á-Thái Bình Dương xây dựng mậu dịch tự do, phơi bày hơn nữa ý đồ chiến lược của Mỹ trong việc mở rộng ảnh hưởng kinh tế-mậu dịch ở khu vực này. Bà Clinton cũng ngầm phản đối “thành lũy” mậu dịch của Trung Quốc, nói rằng người Mỹ cần phải “tích trữ nhiều, tiêu dùng ít” khi đề cập đến mấu chốt mất cân bằng thương mại Trung-Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ đã đưa ra 4 nguyên tắc để cân bằng môi trường kinh doanh thương mại toàn cầu, bao gồm mở cửa, tự do, minh bạch và công bằng; đồng thời mượn việc ca ngợi Hồng Công để ngầm chỉ trích Trung Quốc Đại lục.

Rõ ràng là Mỹ đang tích cực thông qua “Hiệp định quan hệ đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương” (TPP) để tăng cường tham dự và ảnh hưởng đối với phát triển kinh tế-thương mại châu Á-Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Mỹ cho rằng mặc dù các nước châu Á đã ký hơn 100 hiệp định mậu dịch song phương, song hiệu suất thấp, hy vọng TPP có thể trở thành một gói hiệp định khu vực hóa mậu dịch châu Á-Thái Bình Dương. 

TPP vốn do 4 nước là Xinh-ga-po, Niu Dilân, Chilê và Brunây khởi dựng và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2006 nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực. Thời kỳ đầu mới thành lập, mô hình này không có gì ấn tượng. Năm 2009, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố Mỹ quyết định tham gia TPP, đồng thời cổ vũ các nước như Malaixia và Việt Nam cùng tham gia, ý đồ nhằm mở rộng sân chơi chiến lược này giúp Mỹ can dự hơn nữa vào châu Á và tăng cường ưu thế thương mại của mình đối với khu vực. TPP nay đã có tới 9 nước tham gia đàm phán hợp tác.

Xét tình hình phát triển, TPP là hiệp định tự do thương mại đa phương duy nhất liên quan đến hai bờ Thái Bình Dương, liên kết châu Á, châu Đại Dương và châu Mỹ với nhau. Tuy lượng mậu dịch hiện nay còn có hạn, song ý nghĩa mang tính kết cấu của hiệp định này rất lớn. Trong cuộc tiếp Thủ tướng Niu Dilân mới đây tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Obama cho biết ông hy vọng 9 nước đàm phán có thể kịp thời ký kết hiệp định vào dịp diễn ra Hội nghị lãnh đạo APEC tại Hawaii vào tháng 11 tới. Do các yếu tố chủ quan và khách quan, Trung Quốc chưa thể tham gia TPP.

Theo Tín báo (Hồng Công)

Vũ Hiền (gt)