Một trong những dấu hiệu mới nhất là chiến dịch vận động ở hậu trường của Đô đốc William McRaven, người đứng đầu Bộ chỉ huy các hoạt động đặc biệt (SOCOM) của quân đội Mỹ, yêu cầu quyền tự quyết lớn hơn trong việc điều động các đội "sát thủ ưu tú" đến mọi ngóc ngách của thế giới. Đề xuất của ông McRaven "cũng yêu cầu cho phép các lực lượng SOCOM mở rộng sự có mặt của họ tại các khu vực mà họ không hoạt động với số lượng lớn trong thập kỷ qua, nhất là ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, bởi vì việc tăng cường triển khai SOCOM tại các khu vực này sẽ cho phép Mỹ phản ứng một cách nhanh chóng hơn đối với nhiều loại nguy cơ hơn". SOCOM bao gồm cả những đơn vị thuộc Bộ chỉ huy các hoạt động đặc nhiệm liên quân (JSOC), trong đó có lực lượng "Hải cẩu" của Hải quân và "Mũ nồi xanh" của Lục quân, đang thực hiện các sứ mạng chiến đấu tại nước ngoài. SOCOM vẫn được ưu tiên về kinh phí trong bối cảnh ngân sách của Lầu Năm Góc bị cắt giảm. Một quan chức cấp cao của SOCOM đã xác nhận rằng kinh phí của họ tiếp tục được tăng lên. Phát biểu tại hội nghị hàng năm của Hiệp hội các ngành công nghiệp quốc phòng, tổ chức vận động hàng lang chủ chốt của tổ hợp quân sự-công nghiệp Mỹ, Tướng Bradley Heithold - Phó chỉ huy của SOCOM - đã nhấn mạnh rằng "do chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động chống khủng bố trên thế giới, nên Lầu Năm Góc đã có kế hoạch tăng quân số của lực lượng này lên 70.000 người". Kể từ năm 2001, quân số của SOCOM đã tăng gấp đôi, lên 66.000 người hiện nay, trong khi ngân sách của họ đã tăng từ 4,2 tỷ USD lên 10,5 tỷ USD. Quân số của JSOC còn tăng ấn tượng hơn, từ mức 1.800 người năm 1980 lên hơn 25.000 người hiện nay. Các lực lượng đặc nhiệm Mỹ hiện đã được triển khai ở hơn 75 quốc gia, từ Cộng hòa Đôminích và Pêru, tới Philíppin, Yêmen, Xômali và Trung Á.

Theo những tin tức được công bố, việc rút quân Mỹ khỏi Irắc và rút hàng chục nghìn quân Mỹ tại Ápganixtan đang được bù lại bằng việc sử dụng thêm các lực lượng đặc nhiệm. Tại Irắc, một phần của các lực lượng đặc nhiệm sẽ được giữ lại một cách bí mật, hoạt động dưới vỏ bọc dân sự, trong khi một số khác đang được triển khai tại Côoét. Tại Ápganixtan, khoảng 9.000 thành viên của lực lượng đặc nhiệm sẽ vẫn ở lại quốc gia Nam Á này, sau thời hạn rút quân chính thức của NATO vào năm 2014. Trong thập kỷ qua, các cuộc chiến Irắc và Ápganixtan liên quan tới 80% hoạt động của các lực lượng đặc nhiệm. Nếu Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đang thảo luận việc tăng cường sử dụng SOCOM như một lực lượng tấn công toàn cầu, thì đó không phải là "làn sóng chiến tranh đang suy giảm" mà là một sự bùng nổ của chủ nghĩa quân phiệt Mỹ.Chính quyền Obama ngày càng phụ thuộc vào các đơn vị quân đội tinh nhuệ này, hiện là đội quân bí mật dưới sự chỉ huy của Tổng thống Mỹ và không phải chịu trách nhiệm với cơ quan nào khác. JSOC, giống như Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), được quyền lập danh sách các đối tượng khủng bố và thực hiện các sứ mạng ám sát. Không giống như CIA, JSOC không cần một sắc lệnh của tổng thống để thực hiện các hoạt động bí mật. Việc tăng cường phụ thuộc vào các phương pháp hoạt động bí mật được tạo điều kiện thuận lợi bởi sự ủng hộ chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa đế quốc của tầng lớp trung lưu lớp trên, trước đây thường có thái độ chống chiến tranh. Những người đã ca tụng việc sử dụng các đội "sát thủ tinh nhuệ" tại nước ngoài như bản chất của "ý tưởng Mỹ" sẽ không "chùn tay" trước việc sử dụng các phương pháp tương tự để đàn áp bất kỳ thách thức nào đối với sự cầm quyền của giới tài chính ở bên trong nước Mỹ.Cuộc khủng hoảng toàn cầu nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước đang một lần nữa khiến loài người phải đối diện với nguy cơ chiến tranh thế giới và chế độ độc tài.

Theo globalresearch (ngày 16/2)

Vũ Hiền (gt)