Ấn Độ được Mỹ coi là nhân tố có vai trò lớn trong chiến lược này. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Ấn Độ mặc dù sẵn sàng mở rộng hợp tác kinh tế và quân sự với Mỹ, song cũng không hy sinh quan hệ với Trung Quốc. Một trong các nội dung quan trọng trong chuyến công du 4 ngày tới Ấn Độ của ông Biden là bài phát biểu trước giới doanh nhân nước chủ nhà tại trung tâm tài chính Mumbai. Phó Tổng thống Mỹ nhấn mạnh chính phủ Ấn Độ hiện chưa tạo đủ điều kiện thuận lợi để thu hút các tập đoàn Mỹ đến làm ăn. Nguyên nhân khiến luồng vốn đầu tư Mỹ vào Ấn Độ trong hai năm trở lại đây giảm là do nền kinh tế nước này đi xuống. Mặc dù vậy, các cuộc tiếp xúc chính trị cấp cao Mỹ-Ấn vẫn được duy trì thường xuyên và hợp tác trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa và du lịch vẫn có bước phát triển mạnh mẽ. Hai cường quốc cam kết trung thành với các giá trị dân chủ, lấy đó làm nền tảng cho mối quan hệ song phương. 

Trong khuôn khổ các cuộc hội đàm giữa Phó Tổng thống Mỹ với Thủ tướng Manmohan Singh và các quan chức cấp cao Ấn Độ, đề tài trọng tâm là các vấn đề địa chính trị. Mỹ mong muốn củng cố quan hệ chính trị, kinh tế và coi Ấn Độ như một phần quan trọng trong chính sách lấy lại thế cân bằng lực lượng ở châu Á. Theo tính toán của Washington, trong vòng 10 năm tới, Mỹ sẽ tái cơ cấu sức mạnh quân sự từ châu Âu và Đại Tây Dương về khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nguyên nhân sâu xa trong chiến lược này là sự nổi lên của Trung Quốc tại khu vực. Mỹ mong muốn dùng bàn tay của Ấn Độ để góp phần kiềm chế Trung Quốc. Đây cũng là toan tính của New Dehli, không để Bắc Kinh "ngồi chiếu trên" ở khu vực.

Trao đổi với "Báo Độc lập", Tatiana Shaumyan - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ thuộc Viện Đông phương, Viện Hàn lâm khoa học Nga - cho rằng Ấn Độ và Mỹ khó có khả năng trở thành đồng minh chiến lược. Ấn Độ sẵn sàng mua vũ khí hiện đại của Mỹ, song vẫn đi theo đường lối ngoại giao bảo vệ lợi ích dân tộc là trên hết. Vì vậy, New Dehli sẽ chỉ xích lại gần Washington đến một giới hạn vừa đủ đáp ứng lợi ích của Ấn Độ. Về bản chất, tam giác Mỹ-Ấn-Trung đang tiến hành một cuộc chơi phức tạp theo hướng vừa hợp tác vừa kiềm chế, vừa củng cố lòng tin chiến lược song vẫn nghi ngại lẫn nhau. Ấn Độ chưa quên trong thời gian Chiến tranh Lạnh, Pakixtan từng là đồng minh của Mỹ, trong khi đó Mỹ lại muốn dùng bàn tay Ấn Độ để tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc.

Chuyên gia này cũng nêu bật sự cần thiết phải nhấn mạnh sức nặng kinh tế và quan hệ thương mại của tam giác Ấn-Mỹ-Trung. Trong năm 2012, kim ngạch thương mại song phương giữa hai cường quốc đạt 100 tỷ USD và trao đổi ngoại thương Ấn-Trung đạt hơn 70 tỷ USD. Trong bối cảnh như vậy, vị thế của Nga trên bàn cờ chiến lược châu Á-Thái Bình Dương có phần khiêm tốn. Năm 2012, kim ngạch thương mại Nga-Ấn chỉ đạt 11 tỷ USD, trong khi quan hệ chính trị và mối tương tác cá nhân giữa lãnh đạo hai nhà nước Nga-Ấn phát triển hết sức tốt đẹp. Mặc dù Ấn Độ vẫn tiếp tục là một trong những đối tác hàng đầu về kỹ thuật quân sự của Nga, song tiềm năng hợp tác kinh tế không cho phép Nga tham gia một cách ngang hàng vào cuộc chơi lớn ở châu Á.

Theo "Báo Độc lập" (Nga) ngày 24/7

Lê Sơn (gt)