Lầu Năm Góc đang triển khai các kế hoạch bao vây Trung Quốc bằng hàng loạt căn cứ không quân và quân cảng ở Thái Bình Dương. Căn cứ quân sự mới nhất của Lầu Năm Góc sẽ là một sân bay nhỏ nằm trên hòn đảo Saipan ở Thái Bình Dương. Lực lượng Không quân Mỹ có kế hoạch thuê một khu vực có diện tích 33 hécta, thời hạn 50 năm, để biến một căn cứ không quân cũ của Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai thành “sân bay chiến thuật” trên hòn đảo, bất chấp sự phản đối của người dân trên đảo cũng như phản ứng mạnh mẽ của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn ý đồ bao vây Trung Quốc của Mỹ.

Chiến lược mới trong thế kỷ 21 của Lầu Năm Góc được gọi là “Trận chiến trên không- trên biển”, một khái niệm trên danh nghĩa là sự phối hợp giữa các lực lượng không quân và hải quân nhằm phá vỡ các hệ thống phòng thủ ngày càng vững chắc của các quốc gia như Trung Quốc hoặc Iran. Đây có thể là một chiến lược không thể hiện hình dạng nhất định và thực tế phần lớn "Trận chiến trên không-trên biển" vẫn đang trong giai đoạn "thai nghén". Nhưng một phần của khái niệm này đang trở thành thực tiễn ở khu vực Thái Bình Dương. Một bộ phận quan trọng nhưng thường không được chú ý của “Trận chiến trên không-trên biển” yêu cầu lực lượng Mỹ hoạt động tại các căn cứ nhỏ và cơ bản nhất ở Thái Bình Dương là: các lực lượng quân sự Mỹ có thể phân tán trong trường hợp các căn cứ chủ yếu của Mỹ là mục tiêu của các loại tên lửa đạn đạo của Trung Quốc.

Các máy bay chiến đấu của Lực lượng Không quân Mỹ sẽ sử dụng căn cứ trên đảo Saipan khi căn cứ không quân lớn của Mỹ ở đảo Guam hoặc các sân bay khác ở Tây Thái Bình Dương bị hạn chế hoặc phong tỏa, mặc dù Lực lượng Không quân cho biết việc xây dựng các sân bay trên đảo Saipan và khu vực gần Tinian sẽ ảnh hưởng không tốt đến môi trường. Thực tế người dân trên đảo Saipan muốn Lực lượng Không quân Mỹ sử dụng các căn cứ không quân cũ trên đảo Tinian mà hiện các đơn vị lính thủy đánh bộ Mỹ đã và đang cải tạo nâng cấp và các máy bay chiến đấu F/A-18 Hornet thường xuyên lên xuống căn cứ này.

Rõ ràng, Lực lượng Không quân Mỹ muốn mở rộng sân bay quốc tế hiện có trên đảo Saipan - được xây dựng trên cơ sở một căn cứ không quân cũ do Nhật Bản và sau đó Mỹ sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai để lưu trữ các loại hàng hóa, máy bay chiến đấu, máy bay tiếp dầu và gần 700 nhân viên phục vụ các chiến dịch đổ bộ, các cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp và các nỗ lực viện trợ nhân đạo cũng như cứu trợ thiên tai trong khu vực. Điều này có nghĩa Lực lượng Không quân Mỹ đang có kế hoạch xây dựng thêm các bãi đỗ, nhà để máy bay, bể chứa nhiên liệu, các kho vũ khí đạn và nhiều công trình quan trọng khác tại sân bay cũ. Và đây không phải là cơ sở duy nhất đang được Lực lượng Không quân Mỹ cải tạo và nâng cấp. 

Một viên tướng của Lực lượng Không quân Mỹ mới đây tiết lộ ngoài các căn cứ không quân trên đảo Saipan, Lực lượng Không quân Mỹ có kế hoạch thường xuyên triển khai các máy bay tại các căn cứ quân sự từ Australia đến Ấn Độ như một phần của kế hoạch tăng cường lực lượng tại Thái Bình Dương. Các kế hoạch này của Mỹ bao gồm thường xuyên triển khai các máy bay chiến đấu và ném bom tại các căn cứ thuộc Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia ở Darwin và Tindal thuộc khu vực lãnh thổ Bắc Australia, căn cứ không quân ở phía Đông Changi của Singapore, căn cứ không quân Korat ở Thái Lan, căn cứ Trivandrum ở Ấn Độ và có thể cả các căn cứ tại Cubi Point và Puerto Princesa ở Philippines cũng như các sân bay tại Indonesia và Malaysia.

Việc Lầu Năm Góc chính thức thông báo kế hoạch triển khai lực lượng ở căn cứ không quân trên đảo Saipan diễn ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Tướng Thường Vạn Toàn, đến thăm Washington để hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel. Chủ đề cụ thể liên quan đến các căn cứ quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương không được đưa ra trong cuộc họp báo chung của hai bộ trưởng quốc phòng ngày 20/8, nhưng trả lời câu hỏi về việc Mỹ tăng cường lực lượng quân sự ở Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn cho biết: “Trung Quốc là một dân tộc yêu chuộng hòa bình. Chúng tôi hy vọng chiến lược của Mỹ không nhằm vào một quốc gia cụ thể trong khu vực”.

Nhà phân tích an ninh quốc gia Anthony Cordesman thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ cho biết mặc dù quân đội Mỹ khẳng định “Không - Hải chiến” và chiến lược tái cân bằng lực lượng ở châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ không nhằm vào Trung Quốc, nhưng thực tế các căn cứ quân sự hiện nay của Lầu Năm Góc ở Thái Bình Dương sẽ phục vụ mục tiêu ngăn chặn bất cứ sự phát triển nào của Trung Quốc trong tương lai ở Thái Bình Dương. Ông Cordesman nói: “Rõ ràng Trung Quốc sẽ thận trọng hơn trong khu vực, khi sức mạnh của Mỹ xuất hiện ở đó”. Các căn cứ quân sự này của Lầu Năm Góc cũng sẽ tái khẳng định với các nước đồng minh khu vực rằng cam kết của Mỹ với Thái Bình Dương là hợp pháp. Ông nhận định: “Là một bộ phận của chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ phải thể hiện cho mọi người thấy đó là thực tiễn ở thời điểm khi quá nhiều sức mạnh của Mỹ ngày càng bị nghi ngờ bởi các cuộc tranh luận về ngân sách”. 

Tướng diều hâu Herbert Carlisle, chỉ huy toàn bộ tài sản của Lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương, cho biết thêm hiện nay Mỹ cũng đang có kế hoạch cho các máy bay tiếp dầu, máy bay chiến đấu và máy bay ném bom hoạt động ở hàng loạt căn cứ khắp Nam Thái Bình Dương và Tây Nam Á. Máy bay của Lực lượng Không quân Mỹ sẽ không thường xuyên đồn trú tại căn cứ Tinian và Saipan. Thay vào đó, các đơn vị đặt căn cứ ở bắc Thái Bình Dương và lãnh thổ Mỹ sẽ thường xuyên đến thăm các căn cứ mới. Ông Carlisle khẳng định: “Chúng tôi sẽ không xây dựng thêm căn cứ không quân ở Thái Bình Dương để yểm trợ sự hiện diện ngày càng tăng của Lực lượng Không quân trong khu vực”. Nói cách khác, Lầu Năm Góc sẽ không xây dựng các căn cứ mới mà chỉ mở rộng và nâng cấp các sân bay hiện có và xây dựng lại các cơ sở bị bỏ rơi như các căn cứ tại Saipan và Tinian . Thực tế, một trong những sân bay đang được lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ xây dựng lại ở Tinian là nơi máy bay B-29 Enola Gay của Không quân Mỹ đã cất cánh để thực hiện nhiệm vụ thả bom nguyên tử xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Các sân bay được cải tạo nâng cấp giống như trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, khi các đơn vị quân đội của Mỹ cũng thường xuyên được luân chuyển đến và rời khỏi châu Âu để quân đội Liên Xô không thể tiếp cận. Để chống lại một kẻ thù mới, Lực lượng Không quân Mỹ sẽ tiếp tục triển khai các đơn vị, hiện có căn cứ trên lãnh thổ Mỹ và Bắc Thái Bình Dương, đến hàng loạt sân bay tại Đông Nam Á. Tướng Carlisle nói: “Trở lại những năm tháng của Chiến tranh Lạnh, chúng tôi có một thứ được gọi là Lá cờ Carô: Chúng tôi luân chuyển hầu hết các đơn vị ở Mỹ đến châu Âu. Hai năm một lần, các đơn vị sẽ lần lượt được điều động đến hoạt động tại các căn cứ tác chiến tại châu Âu. Hiện nay chúng tôi đang thực hiện như vậy ở Thái Bình Dương”.

Ông Jan Van Tol thuộc Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách-một viện nghiên cứu ở Washington nhằm giúp Lầu Năm Góc phát triển khái niệm “Không-Hải chiến”, cho rằng việc phân tán này không những sẽ cho phép Mỹ bảo vệ các máy bay không bị đối phương phá hủy, mà đây cũng là một biện pháp hữu hiệu nhằm xây dựng các mối quan hệ giữa Mỹ với các đối tác trong khu vực. Lực lượng Không quân phải thiết lập khả năng phối hợp tác chiến, các mối quan hệ và học hỏi kinh nghiệm trên các lĩnh vực thực tiễn mà họ sẽ phải tham chiến trong tương lai. 

Khi được hỏi Lầu Năm Góc có thể đang xem xét và mở rộng những căn cứ quân sự cũ nào khác ở Thái Bình Dương? Ông Van Tol cho biết, trong các cuộc thảo luận khác nhau, các quan chức Mỹ đã và sẽ đề cập đến các căn cứ mà họ mong muốn, chẳng hạn căn cứ trên đảo Wake ở phía Bắc quần đảo Marshall hoặc Cộng hòa Palau ở Tây Thái Bình Dương. Hai căn cứ này vẫn còn các bãi đỗ máy bay của Mỹ từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Thực tế, đảo Wake đang có sự hiện diện quân sự hạn chế của quân đội Mỹ. Trong khi đó, Cộng hòa Palau đã công khai mời quân đội Mỹ trở lại và sử dụng một trong những sân bay được xây dựng trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai của nước này.

Ông Cordesman cho biết, Mỹ có thể đang tìm kiếm một hệ thống ba tầng căn cứ quân sự ở Thái Bình Dương gồm: Một số căn cứ sẽ hoàn toàn ở Mỹ; một số căn cứ khác như các căn cứ tại Úc đến Ấn Độ sẽ do các nước đồng minh điều hành và hỗ trợ quân đội Mỹ triển khai lực lượng; và tầng thứ ba có thể là một loạt căn cứ khẩn cấp và bí mật trong khu vực. Rõ ràng, đây là một dấu hiệu nữa cho thấy sau khi trở lại Thái Bình Dương, Lầu Năm Góc sẽ biến các căn cứ cũ thành mới để thực hiện mục tiêu bao vây ngăn chặn Trung Quốc trước mắt và lâu dài giống như đã từng bao vây ngăn chặn Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Theo Foreign Policy

Trần Quang (gt)