Khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu, mọi con mắt hiện đang hướng vào Ấn Độ - quốc gia đứng hàng thứ ba thế giới về phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Với khoảng 2/3 sản lượng điện có nguồn gốc từ than bẩn, nhiều thành phố của Ấn Độ đang bị liệt vào hạng "ô nhiễm nhất thế giới" và nước này đang đứng trước nguy cơ trở thành quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới. 

Không giống Mỹ hay Trung Quốc, Ấn Độ đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về năng lượng, đặc biệt là sau sự cố mất điện được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử thế giới hồi năm 2012 (ảnh hưởng tới sinh hoạt của 600 triệu người). Do thiếu nhiên liệu cho các nhà máy điện, Ấn Độ hiện chỉ tiêu thụ ở mức 700 kilowatt giờ/người mỗi năm. Trong khi đó, ở Trung Quốc và Mỹ, con số này lần lượt là 3.300 kilowatt giờ/người và 13.000 kilowatt giờ/người. Ấn Độ đang phải nhập khẩu phần lớn nhiên liệu để đáp ứng nhu cầu của đất nước. Vì vậy, cuộc khủng hoảng năng lượng của quốc gia có dân số lớn thứ hai thế giới này có ảnh hưởng lớn. 

Một trong những mục tiêu hàng đầu trong chuyến thăm Ấn Độ sắp tới của ông Putin là để tham gia giải quyết nhu cầu năng lượng của New Delhi, chủ yếu thông qua việc cung cấp khí đốt tự nhiên và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở nước này. Tuy nhiên, điều trớ trêu là Mỹ (chứ không phải Nga) hiện là quốc gia khai thác khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới, đã mở cửa cho sự tham gia của Ấn Độ trong chương trình hạt nhân dân sự quốc tế và dẫn đầu trong hoạt động hợp tác với Ấn Độ về tái tạo năng lượng. Cũng chính Washington chứ không phải Moskva đã cho New Delhi vay hàng tỷ USD để mua thiết bị năng lượng mặt trời của Mỹ. 

Cả Ấn Độ và Mỹ đều coi tăng trưởng kinh tế là ưu tiên số một trong các chương trình nghị sự quốc gia của mình. Gần đây, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã phát động sáng kiến "Chế tạo tại Ấn Độ" nhằm đưa năng lực sản xuất của nước này lên ngang tầm các dịch vụ và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu thanh niên Ấn Độ gia nhập lực lượng lao động mỗi năm. Tuy nhiên, ông Modi hiểu rất rõ rằng sáng kiến của ông không thể thành công nếu Ấn Độ vẫn bị thiếu năng lượng như hiện nay. 

Chính phủ của ông Modi đã tiến hành những bước đi đáng khích lệ bằng cách thay đổi giá dầu diesel và thay đổi công thức định giá khí đốt tự nhiên được khai thác trong nước. Việc khai thác năng lượng mặt trời cũng đã được đẩy mạnh, với việc công bố nhiều dự án mới trong lĩnh vực này cùng sáng kiến không dùng đến điện lưới. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng Ấn Độ còn phải tiếp tục cải cách mạnh mẽ lĩnh vực tối quan trọng này. 

Xét về năng lực mọi mặt, Mỹ có thể trở thành một đối tác hàng đầu của Ấn Độ trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, nếu Mỹ đặt mục tiêu cạnh tranh với Nga tại Ấn Độ thì Washington cần phải có một số thay đổi quan trọng về chính sách. Theo đó, Mỹ cần dỡ bỏ các biện pháp bảo hộ trong ngành dầu khí. Trong lĩnh vực khí đốt, Mỹ hiện vẫn áp dụng chính sách phân biệt đối xử với các nước không có thỏa thuận thương mại tự do với Washington, trong đó có Ấn Độ. Trong lĩnh vực dầu mỏ, Mỹ cấm xuất khẩu dầu thô ngay cả khi bản thân họ chưa có đủ năng lực để lọc toàn bộ lượng dầu thô ngọt nhẹ tự khai thác được. Điều đáng chú ý là Ấn Độ lại có khả năng lọc loại dầu này. 

Cách tốt nhất để Mỹ giúp Ấn Độ giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu là tham gia mạnh mẽ vào ngành năng lượng của nước này, đặc biệt là đầu tư phát triển năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo, phát triển các nhà máy điện chạy bằng khí đốt và than sạch, phù hợp với "Kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu" mà ông Obama dự kiến công bố vào tháng 6/2015. 

Có thể nói ông Obama đang đứng trước "cơ hội vàng" để khởi sự quá trình này khi có kế hoạch thăm Ấn Độ vào tháng 1/2015. Việc Washington hợp tác sâu rộng với New Delhi trong lĩnh vực năng lượng không chỉ giúp giải quyết vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu mà còn góp phần giúp Mỹ đạt được các mục tiêu chiến lược trong khu vực. Tuy nhiên, liệu Mỹ có thành công khi chưa xóa bỏ được một số rào cản, khi ông Obama "chậm chân" hơn ông Putin và khi nước Nga mới đây được ông Modi gọi là "người bạn tốt nhất của Ấn Độ"? 

Theo The National Interest

Văn Cường (gt)