Hãng tin Mỹ Bloomberg cho biết ông Jim Webb đã xác nhận là Lầu Năm Góc và BQP VN đã có các cuộc thảo luận “thận trọng nhưng tích cực” về vấn đề này. Mỹ hiện vẫn còn áp dụng quyết định cấm bán vũ khí sát thương cho VN, trong khuôn khổ một lệnh cấm vận vũ khí được ban hành từ năm 1984. Theo hãng Bloomberg, nếu phía Mỹ bật đèn xanh cho việc bán vũ khí cho VN, động thái đó sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ quân sự giữa Mỹ - Việt, trong bối cảnh quan hệ giữa Hà Nội với Bắc Kinh ngày càng căng thẳng trên hồ sơ Biển Đông. Trong thời gian qua, sau khi phải gánh chịu hàng loạt hành động càng lúc càng lấn lướt của TQ tại Biển Đông, VN đã đẩy mạnh kế hoạch tăng cường võ trang, mà chủ yếu là đặt mua thiết bị từ Nga và một vài nước khác. Riêng cánh cửa Mỹ vẫn còn bị đóng do lệnh cấm bán vũ khí vẫn có hiệu lực.

Trước đó, ngày 23/8, trong buổi tiếp TNS Jim Webb, BTNG/VN Phạm Bình Minh đã khẳng định VN tiếp tục coi trọng quan hệ với Mỹ như một đối tác hàng đầu có ý nghĩa chiến lược. Phát biểu trong buổi gặp này, TNS Jim Webb cho biết ông đánh giá cao sự phát triển quan hệ giữa hai nước trong thời gian qua, đồng thời cũng khẳng định ông sẽ nỗ lực đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ song phương và cùng với Quốc hội Mỹ tiếp tục ủng hộ việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng các giải pháp đa phương và hòa bình. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tiếp tục giữ quan hệ bền vững hơn nữa với ASEAN trong những lĩnh vực khác như kinh tế, thương mại, văn hóa và an ninh.

Trong thời gian ở VN, TNS Webb cũng đã có cuộc trao đổi kín với một số học giả VN chuyên nghiên cứu về Biển Đông tại khách sạn nơi ông tạm trú. Theo nguồn tin của BBC, hai chuyên gia VN đã gặp ông Webb là ông Trương Trọng Nghĩa, chủ tịch Liên đoàn luật sư VN, đại biểu Quốc hội đồng thời là chủ tịch Ban nghiên cứu pháp lý về Biển Đông và hải đảo của Liên đoàn luật sư; và Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP. HCM - là thành viên Ban nghiên cứu. Trong cuộc gặp này, ông Nghĩa đã trao cho TNS Jim Webb các tài liệu về chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa, Trường Sa và quyền chủ quyền của VN đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước quốc tế về luật biển. Ông Nghĩa cũng đề nghị ông Webb tìm cách giúp đỡ huấn luyện chuyên gia VN về Công pháp quốc tế cũng như kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm tranh tụng quốc tế về biển đảo.

Ban nghiên cứu pháp lý về Biển Đông và hải đảo được Liên đoàn luật sư VN thành lập cách đây hai tháng gồm 12 thành viên là các nhà nghiên cứu và các luật sư với mục đích nghiên cứu các vấn đề pháp lý liên quan đến chủ quyền biển đảo của VN. Được biết sau cuộc gặp này, Ban nghiên cứu pháp lý sẽ khẩn trương xây dựng cơ sở pháp lý của VN để có những lập luận vững chắc trong tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Một thành viên khác của Ban nghiên cứu là Tiến sĩ Nguyễn Nhã cho BBC biết rằng tuy không tham gia cuộc gặp với ông Webb, ông lạc quan vì ông thấy được thiện chí của người Mỹ, nhất là bên lập pháp, trong chủ đề VN cũng như Biển Đông. Ông đánh giá đây là cơ hội rất tốt cho VN để giúp giới lập pháp Mỹ hiểu tốt hơn về vấn đề Biển Đông. Tiến sĩ Nhã cũng cho biết trong một chuyến đi Mỹ mới đây, ông đã đến văn phòng các Thượng nghị sĩ Jim Webb và John McCain để chuyển tập hồ sơ về chủ quyền VN tại Hoàng Sa và Trường Sa dày hơn 400 trang, trước khi ông Webb bắt đầu chuyến viếng thăm Đông Nam Á.

Cũng liên quan đến vấn đề Biển Đông và quan hệ Việt - Mỹ, báo chí TQ đã có những bài bình luận về các cuộc biểu tình chống TQ vẫn tiếp diễn tại Hà Nội và cho rằng Mỹ đứng đằng sau hoạt động này. Tờ Thế giới Tân văn trong số ra tuần trước đăng bài viết tựa đề “Ai kích động biểu tình chống TQ tại VN” nói “sau các cuộc biểu tình là bóng dáng của Mỹ”. Theo phân tích của Thế giới Tân văn thì nguyên nhân sâu xa của các “sóng gió” hiện thời là sự kết hợp giữa các nhân vật chống TQ và chống chính phủ ở trong nước, cộng thêm các thế lực đang muốn lật đổ chính quyền cộng sản VN ở nước ngoài.

Trong một diễn biến liên quan, bản tin của MarineLink.com ngày 23/8 đưa tin tàu tiếp liệu đạn dược và đồ khô USNS Richard E. Byrd, thuộc hạm đội 7 của lực lượng hải quân Mỹ đã rời cảng Cam Ranh vào ngày 23/8, kết thúc chuyến đi thăm lịch sử đầu tiên của một tàu hải quân Mỹ đến cảng Cam Ranh trong hơn 3 thập niên qua. Tàu USNS Richard E. Byrd đã lưu lại cảng Cam Ranh 7 ngày để thực hiện công tác sửa chữa và bảo trì thường lệ, như lau rửa vỏ tàu, đánh bóng chân vịt, sửa chữa các ống và tu bổ hệ thống làm nguội máy, cũng như chạy máy lạnh. Bản tin dẫn lời Thiếu Tá Mike Little, chỉ huy Đơn vị Hỗ Trợ Tàu MSC ở Singapore, nói rằng sử dụng nhiều bến cảng khác nhau trên khắp khu vực sẽ tăng tính hiệu quả và giảm chi phí bảo trì sửa chữa cho hải quân Mỹ.

Ngoài ra, các chuyến viếng thăm của các tàu này còn tạo điều kiện cho các quan hệ tích cực giữa Mỹ và VN. Bản tin trích lời Đại Úy Lee Apsley trên chiến hạm Richard nói rằng sự kiện hải quân Mỹ trở về cảng Cam Ranh là một minh chứng về những bước tiến lớn mà hai nước đã đạt được trong các nỗ lực xây dựng quan hệ song phương trong những năm gần đây./.

Đông Hải (gt)